Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Khám phá Nam thiên đệ lục động

TTO - Nam thiên đệ lục động (động thứ sáu trời Nam) là danh xưng do vua Lê Thánh Tông (1446 - 1497) phong tặng động Kính Chủ thuộc thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đến đây, du khách sẽ được khám phá những mê cung động bằng đá có niên đại hàng ngàn năm, đồng thời thưởng ngoạn vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của “sông Kinh Thầy, núi Thạch Môn” huyền thoại.
Toàn cảnh khu vực động Kính Chủ nhìn từ đỉnh núi An Phụ

Vác balô trên vai, tôi tìm về động Kính Chủ. Đứng từ đỉnh núi An Phụ thấy dãy núi Thạch Môn (còn gọi là núi Dương Nham) như con rồng khổng lồ nằm bên vựa lúa mênh mông, vàng óng. Phía bắc dãy Thạch Môn là dòng sông Kinh Thầy cong cong, lượn sát chân núi, tạo thành thế sơn thủy hữu tình và trục giao thông thuận tiện.
Nhìn sang phía tây nam là làng quê Kính Chủ thanh bình, nơi chôn rau cắt rốn của những người thợ đá xứ Đông. Có cảm tưởng nếu đứng từ trên không trung thu vào tầm mắt thì cả núi non, sông nước và làng mạc Kính Chủ chẳng khác một bức tranh cẩm tú tráng lệ. Thật đúng với những điều người Kinh Môn vẫn ca tụng:
“Kề sông ngọn núi đứng chơi vơi,
Chùa ẩn lùm xanh, động khuất vời.
Lối đá điểm hoa không vết tục,
Nghe bầy chim hót, phủi rêu ngồi”
Theo ghi chép của người Kinh Môn, vào thời kỳ kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, vua Trần Nhân Tông đã đóng quân trên núi, ngăn chặn mũi tiến công đường thủy của giặc. Sườn núi phía nam có một động lớn gọi là động Kính Chủ, trong động có cảnh đẹp, rộng rãi, không khí thoáng mát, được nhà vua phong là Nam thiên đệ lục động.
Năm 1950, giặc Pháp tràn về Kinh Chủ đóng quân trong động và phá hoại nhiều di vật quý. Đến năm 1967 giặc Mỹ tiếp tục ném bom trước cửa động, phá hủy những công trình kiến trúc và cây cảnh nơi đây. Rất may sau ngày đất nước thống nhất, động Kính Chủ đã được tu tạo lại và vẫn giữ được những di sản văn bia, dấu tích về người tiền sử quý giá đến ngày nay.
Trời về trưa hửng nắng, tiếng ve sầu tấu lên những bản nhạc hè  inh ỏi… làm khu di tích động Kính Chủ thêm nguyên sơ, xao động. Men theo những bậc đá chênh chếch lượn quanh sườn núi Thạch Môn là có thể đến cửa động chính.
Động này có độ cao 20m so với mặt đất, không khí quang đãng và mát mẻ. Trong động có các ban thờ thờ Phật, vua Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và nhiều bức tượng đá mô tả những sự kiện điển hình trong kinh Phật. Đáng chú ý là 53 văn bia, được tạc khắc ngay trên các vách núi đá. Theo người dân xã Dương Nham, đó là bút tích đã tồn tại hơn bảy thế kỷ ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của các bậc  vua, chúa, quan lại từng đến thăm động.
Cách động Kính Chủ không xa, trên độ cao khoảng 70m so với mặt đất là khu Động Tiên, trong động cũng lưu giữ tấm bia quý giá có niên đại năm 1630. Từ động này, trèo qua một bãi đá lởm chởm ta sẽ lên đến đỉnh núi Thạch Môn, nơi vẫn còn hai lô cốt của thực dân Pháp đã đóng quân năm 1950. Trên đỉnh núi Thạch Môn có thể phóng tầm mắt nhìn xuống những hang Luồn, hang Trâu, làng mạc Kính Chủ, sông Kinh Thầy...
Rẽ trái chân núi Thạch Môn là động Mẫu, nơi có những phiến đá phủ rêu xanh kỳ lạ và có hai lỗ thủng giữa núi, hội tụ những chùm ánh sáng tạo nên những thác nắng tuyệt đẹp tựa như “cổng trời” ở hang Cắc Cớ (chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội).
Đối diện với động Mẫu là hang Vang mà người dân vẫn gọi đây là hang nước vì mùa mưa nước chảy từ các mạch trên núi xuống, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, nhưng mùa khô lại là một hang động tuyệt đẹp có thể đi sâu vào lòng núi tới 30m.
Phiến đá xanh kỳ lạ trong động Mẫu

“Cổng trời” ở động Mẫu

Tượng đá hình voi trong hang Vang

Cũng tại đây, đi men theo lòng núi có thể bắt gặp vô số nhũ đá kỳ vĩ như hình con voi, hình rùa vàng, những khối đá xanh lấp lánh như kim cương và cuốc bộ dưới dòng nước chảy từ khe núi trong veo và mát lạnh… Cảm giác như bước vào một thế giới tiên cảnh.
3 giờ lang thang, khám phá những hang, ngách của động, tưởng như lạc trong một “mê cung” động, hết động này đến động kia mà cái nào cũng đẹp và mát mẻ.
Nếu là lữ khách thích khám phá, tìm tòi cảm giác mạnh thì một chuyến tham quan động Kính Chủ chắn chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị.
Cửa hang động Kính Chủ

Những hình thù kỳ lạ bằng đá, thạch nhũ trong động Kính Chủ

Văn bia trong động

Đường lên đỉnh Thạch Môn

Sông Kinh Thầy uốn lượn quanh núi

Du khách khám phá hang Kim Cương

Một góc yên bình trong khu di tích động Kính Chủ

Bài, ảnh: TIẾN THÀNH


Dạo "Nam thiên đệ lục động"

Thứ Hai, 08/08/2011 05:00

Về động Kính Chủ ngoài việc được đắm vào sự kỳ thú của hang động, du khách còn được thưởng ngoạn hơn 40 tấm bia "độc nhất vô nhị" khắc trực tiếp vào đá núi thi gan cùng tuế nguyệt...

Nổi tiếng là nơi danh thắng, từ xưa, động Kính Chủ ở xã Phạm Mệnh (Kinh Môn, Hải Dương) đã được xếp vào hàng "Nam thiên đệ lục động" (1 trong 6 động của nước Nam). Về nơi đây ngoài việc được đắm vào sự kỳ thú của hang động, du khách còn được thưởng ngoạn hơn 40 tấm bia "độc nhất vô nhị" khắc trực tiếp vào đá núi thi gan cùng tuế nguyệt.
 
Kỳ thú hang động
 
Kỳ quan Kính Chủ nằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn), nom xa trông giống một hòn non bộ, tới gần sừng sững những ngọn đá hình mũi mác. Động Kính Chủ nằm ở sườn nam núi Dương Nham. Qua 36 bậc đá, động mở toang, hoăm hoẳm vào lòng núi với 3 cửa hang lớn.
 
Không gian động khá rộng phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt vô cùng kỳ thú. Theo nghiên cứu, động từng là chốn cư trú của những người tiền sử. Bằng chứng là những hình động vật được khắc trên vách đá và công cụ lao động của người xưa đã được tìm thấy.
 
Trong động còn có đường lên trời thông với đỉnh núi, đường xuống âm phủ, ăn xuống lòng sông Kinh Thày. Với cảnh thiên tạo như cõi cực lạc, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật, thờ Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả. Nơi đây còn có nhiều tượng tạc bằng đá mô tả những sự kiện điển hình trong kinh Phật. Ở bên trái động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) và bốn chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh Thư” (Phạm Sư Mệnh viết) vốn là nơi đọc sách của Phạm Sư Mệnh - một vị quan nổi danh thời Trần. 
 
 
Động Kính Chủ

Rời động chính, men theo vách núi cheo leo lên miếu Tiên, chúng tôi lại được tận hưởng cảm giác khoan khoái khi đắm mình vào thiên nhiên cây cỏ, phóng tầm mắt xuống làng mạc, sông nước bao la. Ở miếu Tiên có phiến đá trên kẻ một bàn cờ. Tương truyền, nơi đây vào mùa thu, các vị tiên trên trời lại hạ giới đánh cờ, thưởng ngoạn cảnh đẹp.
 
Dưới chân núi là hang Ngũ nước kỳ thú với 5 cửa động, các thạch nhũ cùng nước trong vắt, mát lạnh nhỏ tí tách bốn mùa. Bên cạnh đó, di tích Kính Chủ còn có nhiều hang động độc đáo như hang Vang, hang Luồn, hang Tiên Sư... với những câu chuyện huyền sử hấp dẫn.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khu động Kính Chủ từng là căn cứ quân sự, kho xăng dầu quan trọng của ta và nhiều lần bị máy bay địch bắn phá. Anh Nguyễn Tiến Quân, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn cho biết, những ao chuôm lố nhố bao quanh di tích chính là những hố bom ngày xưa.
 
Hệ thống bia đá "độc nhất vô nhị"
 
Ngoài sự kỳ thú của các hang động lớn nhỏ, Kính Chủ còn hấp dẫn bởi hệ thống văn bia "độc nhất vô nhị" được tạc trực tiếp vào vách đá. Các văn bia có đủ các kích cỡ lớn, nhỏ, có những tấm chỉ bé bằng cuốn sách, có những tấm to bằng chiếc chiếu tạc xung quanh động chính.
 
Về hình dáng, các bia đá giống với loại văn bia được tìm thấy tại các đền, chùa, trán bia cong hai mặt, chạm khắc lưỡng long hoặc lưỡng phượng chầu mặt nguyệt, bia và diềm bia trang trí, họa tiết hoa văn đẹp, tinh xảo.
 
Quanh động chính, có hơn 40 tấm bia đá cả thảy. Một vài tấm chữ đã bị nhòe mờ, song đa phần còn khá rõ nét. Sự khác nhau về tạo tác, kích thước, hoa văn, kiểu dáng chứng tỏ chúng thuộc nhiều niên đại lịch sử khác nhau. Có lẽ Kính Chủ là nơi duy nhất ở nước ta có nhiều bia được khắc trên vách đá.
 
Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, với cảnh đẹp được xếp vào 1 trong 6 động đẹp nhất trời Nam, rất nhiều bậc vua chúa, danh nhân, sư sãi, du khách các thời đã từng đến đây, cảm xúc trước cảnh thiên nhiên đã đề thơ để lại trên vách đá. Những dòng này cùng quá trình tu tạo di tích đã được những người thợ đá Kính Chủ gửi vào hơn 40 văn bia trên.
 
Trong hệ thống văn bia ở đây đáng chú ý là tấm bia ở cửa động khắc trung thành nét bút của Phạm Sư Mệnh nhân chuyến ông đi duyệt binh các lộ đông bắc lên núi quê nhà (Phạm Sư Mệnh quê ở Kinh Môn) xúc động viết thành thơ vào năm 1368. Còn tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông, chủ súy hội Tao Đàn nhân chuyến ông đến thăm vào mùa xuân năm 1487.
 
Đầu thế kỷ XX, các bia ký ở động Kính Chủ không chỉ ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm mà cả bằng chữ quốc ngữ... Cùng với những văn bia đề thơ còn có hàng chục văn bia cổ ghi lại quá trình xây dựng tôn tạo danh thắng. Đặc biệt ở đây còn có một văn bia do những vị chức dịch, đại diện cho xã dựng vào năm Thịnh Đức (1653) nói về lai lịch làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ cùng tên họ 14 người đại diện cho làng thợ. Đây là những tư liệu quý báu cho người đời sau hiểu rõ về nghề đục đá của Kính Chủ suốt 7 thế kỷ qua.
 
Kỳ thú như thế vậy mà đã có thời danh thắng Kính Chủ bị tàn phá không thương tiếc. Ngọn núi Lĩnh Đông thuộc quần thể di tích nằm đó trơ trụi, nham nhở bởi nạn khai thác đá. Giờ di tích đã được lập quy hoạch tổng thể bảo tồn song tiềm năng du lịch thì chưa được đánh thức.
 
Di tích lịch sử động Kính Chủ được xếp hạng quốc gia vào đợt đầu của cả nước (28-4-1962). Tuy vậy, đến nay đường giao thông, khu sân vườn, nơi thờ cúng đã xuống cấp; các công trình trong khu di tích chưa được xây dựng, việc sửa chữa, tu bổ còn mang tính tự phát. 
Theo NGỌC HÙNG (Hải Dương Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét