Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Khám phá vườn quốc gia Phước Bình

TTO - Khoảng 60km đi từ Phan Rang (Ninh Thuận), bạn sẽ có cơ hội khám phá sự kỳ bí của vườn quốc gia Phước Bình với những đỉnh núi cao ngất đầy mây mù. Mới hơn 2 năm thành lập, mọi thứ đều còn mới mẻ giống như vườn quốc gia non trẻ này.
Những dãy núi hùng vĩ phía bên kia thung lũng

Con đường vào vườn ngoằn ngoèo, uốn lượn với hàng trăm ổ voi và những rãnh nước sâu do những cơn mưa lớn tạo thành. Đây thật sự là một thử thách với những người thích lái xe địa hình offroad. Hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ lớn quý hiếm trải dài theo các dãy núi trùng điệp với một màu xanh bất tận.
Xe chúng tôi dừng lại ở một hẻm núi bên cạnh thác nước rất đẹp bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh và một dòng sông nhỏ đục ngầu sau những cơn mưa rừng. Một bãi đá tuyệt đẹp trải dài dọc bờ sông thật lãng mạn cho những người đang yêu tình tự.
Không phải sơn nữ, cư dân đầu tiên của rừng xanh chào đón tôi là một nàng ô rô vảy Acanthosaura lepidogaster đang phơi nắng trên một cành cây khô giúp điều hòa thân nhiệt. Màu xanh của loài này là một vũ khí lợi hại để chúng tìm kiếm thức ăn và lẩn tránh kẻ thù. Còn chàng nhông hàng rào Calotes versicolor thì chuyển sắc màu từ vàng sang đỏ rực như đang khoe mẽ với cô nàng nhông cái lẳng lơ bên dưới.
Cao cao trên cành cây cao anh chàng khỉ đuôi lợn Macaca nemestrina thưởng thức bữa sáng ngon lành. Như một ông chủ rừng, anh chàng thường gây nhiều huyên náo nhìn tôi với ánh mắt dò xét, hoàn toàn không một chút thân thiện.
Với 80% diện tích rừng tự nhiên, vườn quốc gia Phước Bình (thuộc tỉnh Ninh Thuận) nằm tiếp giáp với vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà tạo thành khu vực bảo tồn thiên nhiên rộng lớn. Diện tích rừng nguyên sinh ở đây chủ yếu là rừng khộp, tổ thành của các loài thực vật thuộc họ dầuDipterocaparceae và rừng thường xanh giáp với vùng núi cao Lâm Đồng.
Thực vật, theo thống kê chưa chính thức hiện vườn có 2.025 loài, 156 họ, 584 chi. Với 327 loài động vật, thuộc 94 họ, 28 bộ trong đó đã có 50 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2000, bao gồm 23 loài thú, 14 loài chim, 13 loài bò sát và lưỡng cư với 29 loài nằm trong Sách đỏ thế giới IUCN năm 2006.

Khởi đầu chặng đường

Hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh trải dài theo các dãy núi trùng điệp

Thác nước đẹp - một nơi dừng chân thú vị

Sau bữa trưa với các đồng đội cũ, chúng tôi tiếp tục công cuộc khám phá, dù chỉ là một phần rất nhỏ của Phước Bình. Lang thang trong các lối mòn, vượt qua các vách dốc gần như thẳng đứng và lách mình qua những rừng cây gỗ lớn họ dầu Dipterocarpaceae. Mọc chen khắp các lối đi là những thám cây bụi, dây leo rậm rạp.
Và cuối cùng điều thú vị cũng xảy ra, trong đám cây họ gừng Zingiberaceae, chúng tôi đã nhận ra loài thực vật được đưa vào Sách đỏ Việt Nam cây tai đất Ấn Aeginetia indica và trên một nhánh dây leo thân gỗ là những bông hoa rực đỏ đôi vợ chồng nhà hút mật bụng vàng Aethopyga goutdiae đang thưởng thức bữa chiều.
Bên thân cây giẻ già nua xù xì, bạc phếch trơ gan cùng tuế nguyệt là bông hoa lan lọng chuộtBulbophyllum putidum đỏ rực khoe sắc và trong góc khuất của nhánh cây cao tít là cây lan lọngBulbophyllum repens rất độc đáo chưa có trong danh mục thực vật Việt Nam. Ai cũng bất ngờ và phấn khích đến tột cùng.
Ô rô vảy Acanthosaura lepidogaster phơi nắng trên cành cây khô

Khỉ đuôi lợn Macaca nemestrina

Cây tai đất Ấn Aeginetia indica

Trên một nhánh dây leo thân gỗ là những bông hoa rực đỏ đôi vợ chồng nhà hút mật bụng vàngAethopyga goutdiae đang thưởng thức bữa chiều

Bên thân cây giẻ già nua xù xì, bạc phếch trơ gan cùng tuế nguyệt là bông hoa lan lọng chuộtBulbophyllum putidum đỏ rực khoe sắc nhằm đánh lừa con đực của một loài côn trùng giúp chúng có cơ hội thụ phấn và loài hoa này đúng là một kẻ lừa tình độc đáo trong thiên nhiên

Cơn mưa rừng kéo đến quá nhanh, tất cả chỉ kịp lấy áo mưa ra che các thiết bị, máy ảnh và chịu trận dưới mưa. Sau hơn 1 giờ cơn mưa cũng tạnh, các dòng suối cạn trở thành những dòng nước sâu, chảy xiết không thể vượt qua. Ở độ cao 1.500m, mọi người chỉ còn biết chờ đợi nước rút và ngắm nhìn những đám mây hơi nước bốc lên bao quanh những dãy núi hùng vĩ phía bên kia thung lũng.
Cuối cùng bầu trời cũng xuất hiện những tia nắng mặt trời cuối ngày rực đỏ xuyên qua các tán lá trong khu rừng thường xanh như muốn xua tan bóng tối trước khi màn đêm lặng lẽ buông xuống. Lúc này mới thật sự cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí của vườn quốc gia non trẻ.
Cầm chiếc ống nhòm 52x nhìn qua bên kia sườn núi, tôi lặng người ngắm nhìn đàn bò tót Bos gaurusbình yên kiếm ăn trong ngôi nhà của mình. Với 12 cá thể cả những con non, đây là lần đầu tiên trong đời làm khoa học tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh này ở Việt Nam. Chiếc ống kính tele 50-500mm không đủ sức để ghi lại khoảnh khắc có một không hai trong đời.
Chúng tôi quyết định cắt rừng, vượt suối thật nhanh tiến sát đến khu vực đang kiếm ăn của đàn bò tót. Nhưng có lẽ do đi ngược hướng gió nên chúng nhận ra mùi lạ, thế là cả bầy từ từ tản ra, tiến sâu vào rừng rậm. Chỉ còn lại con bò đực đầu đàn ngước mũi đánh hơi.
Con bò đực đầu đàn ngước mũi đánh hơi

Bóng tối bắt đầu bao trùm trên đường trở về trạm kiểm lâm của vườn quốc gia Phước Bình. Nhưng với tôi, rừng luôn mang đến cảm giác an toàn, là nơi bình yên, là nơi chung sống của hàng nhiều ngàn loài sinh vật, kể cả con người.
Hoàng hôn cuốn hút lạ thường!
Hoàng hôn

PHÙNG MỸ TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét