Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Lên điểm cực bắc đất Việt

Ròng rã suốt một ngày ngồi xe, chúng tôi vượt qua nhiều ngọn đèo núi quanh co với địa hình khắc nghiệt. Càng đến địa phận gần biên giới Trung Quốc, đường đi càng dốc và đèo núi càng hiểm trở. Mặt đường hẹp dần theo độ cao xen giữa những đỉnh núi cao chơm chởm đá.


Đường đèo quanh co len lỏi giữa núi non không có được một mảnh rừng trên
cung đường Việt Bắc
Từ trên cao nhìn xuống, con đường, con sông chỉ còn là những vệt sáng ngoằn nghoèo. Không một bóng cây. Người dân ở đây nói đùa rằng chỉ cần vài cây to là thành rừng rồi mà cũng chẳng có. Người dân tộc vẫn làm rẫy trên đồi, dốc tuồn tuột.
 Trên đoạn đường này, lái xe luôn phải hết sức tập trung quan sát để điều khiển xe bởi chỉ cần một sơ ý nhỏ là rơi xuống vực thẳm. Những người khác trên xe lại có dịp nhìn ngắm cảnh núi non dọc đường; những người dân tộc thiểu số đi thành từng nhóm trên đường nói cười vui vẻ, những em bé chăn dắt trâu bò hoặc mang những gùi chất đầy các ống bương, quả bầu khô đựng nước.
Cảnh trời đất mênh mông, núi non hùng vĩ mà điểm lên màu sắc áo quần đủ màu, đủ loại làm cảnh quan thêm thu hút và khơi gợi lòng yêu thiên nhiên, yêu con người trong lòng du khách viễn phương.
Từ Cao Bằng, chúng tôi đi qua huyện Nguyên Bình rồi huyện Bảo Lạc. Có khi trên đường đi trùng với ngày có chợ phiên, du khách tha hồ mà chụp ảnh, tha hồ quan sát cảnh chợ quê vùng núi, những hình ảnh sinh hoạt và con người hoàn toàn khác xa ở những đô thị đồng bằng. Rau củ, hoa quả buổi sáng ở chợ phiên thường tươi xanh trông rất ngon mắt. Mộc mạc, đơn giản, quê mùa nhưng họ sống thanh thản, nhẹ nhàng.
Các thiếu nữ thẹn thùng, lẩn vào đám đông khi thấy khách lạ giơ máy lên chụp ảnh họ. Một số người có vẻ quen với việc du khách chụp ảnh lại vui vẻ, tự nhiên và thậm chí còn làm dáng cho khách du lịch chụp ảnh.
Choáng ngợp Mã Pí Lèng
Chúng tôi đến Mèo Vạc vào buổi chiều. Không khí mát mẻ, dễ chịu. Mèo Vạc là một huyện thuộc tỉnh Hà Giang, là điểm dừng chân của những du khách muốn tham dự phiên chợ tình ở Khâu Vai, cách đó khoảng 15km, diễn ra vào đêm 26 và sáng 27 tháng 3 âm lịch hằng năm. Vào buổi tối phiên chợ, hàng quán mở cửa quá nửa đêm và dân cư ở đây cũng thức khuya. Nhịp sống chậm, họp chợ thì đông đúc nhưng vẫn yên tĩnh, không ồn ào, náo nhiệt như chợ phiên vùng xuôi.
 Địa hình chủ yếu của Mèo Vạc là núi đá vôi, có con sông Nho Quế chảy qua. Chợ Mèo Vạc nhóm vào buổi sáng rất sơ sài, với vài chục người dân tộc quảy gùi mang rau rừng, củi, nông sản ra trao đổi hàng hóa. Chợ nhóm và tan nhanh vì thói quen của người dân tộc thiểu số ở vùng cao là họ đứng mang gùi hàng hóa. Người mua hàng cứ sờ, ngắm nhìn hàng hóa và thỏa thuận giá cả. Họ không cần bày biện hàng hóa như các chợ miền xuôi.
Rời Mèo Vạc, chúng tôi tiếp tục chinh phục đèo Mã Pì Lèng, mà theo tôi là con đèo hùng vĩ nhất Việt Nam. Dù đã từng quen với chuyện vượt đèo, leo dốc, di chuyển trên nhiều địa hình phức tạp nhưng tôi vẫn thật sự bị chóng mặt với Mã Pì Lèng, con đèo vốn được mệnh danh là "vua" của các con đèo ở Việt Nam.


 Đèo Mã Pì Lèng. Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế
và những con đường chỉ như những vệt mờ

Đèo Mã Pì Lèng nằm trên tuyến đường nối thị xã Hà Giang và hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Con đường dài 7km dốc đứng và cùi chỏ liên tục này được thi công từ năm 1959 đến năm 1965 mới hoàn thành. Đường không một bóng cây. Lái xe ở vùng này phải thật sự thông thuộc đường, thuộc đèo thì mới đảm bảo an toàn.
Đây là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Điểm dừng chân giữa đỉnh đèo Mã Pì Lèng thật tuyệt vời. Cảnh quan đẹp như tranh vẽ. Nơi đây du khách có thể ngắm nhìn cảnh sâu hun hút của con đèo mình đã đi qua. Con sông Nho Quế như một vệt sáng, con đường uốn lượn quanh co trong thung lũng tô điểm cho cảnh quan hùng vĩ của vùng Đông Bắc.
Vào mùa khô, người dân tộc ở đây phải đi lấy nước rất xa. Chúng tôi gặp cảnh các em phải gùi những thùng nước leo lên các đỉnh đèo dốc. Thêm nữa, người dân tộc ở đây phải mang đất đổ vào các hốc đá để trồng bắp. Vì đá bao quanh sẽ giữ đất không bị trôi do gió và mưa bão và cũng chẳng có nhiều đất để trồng trọt.
Cột cờ Lũng Cú trên cao nguyên đá

 Cột cờ Lũng Cú đang được xây dựng kiên cố, dự kiến hoàn thành vào dịp ngày 02-9-2010
Sau bữa ăn trưa chúng tôi tham quan đỉnh Lũng Cú, hay còn gọi là đỉnh núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú. Đây là điểm cực Bắc của Việt Nam. Độ cao của Lũng Cú từ 1.600m đến 1.800m so mực nước biển. Trên đỉnh núi này, sừng sững hiên ngang cột cờ Lũng Cú. Đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú nhìn xa xa chúng ta có thể thấy đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chung quanh.
Cột cờ Lũng Cú đầu tiên được xây dựng từ thời Lý Thường Kiệt bằng cây sa mộc. Lần thứ hai được xây dựng lại từ thời Pháp và triều Mãn Thanh vào năm 1887 và hiện nay cột cờ này đang được xây dựng lại với chiều cao của cột cờ là 30,6m, thân cột có hình bát giác, được dự kiến khánh thành vào ngày 2-9-2010. Ở đây là đầu nguồn của sông Nho Quế, con sông phân chia ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đứng trên cột cờ chúng ta nhìn thấy hai bên có hai hồ bán nguyệt và rất nhiều thửa ruộng bậc thang ở bao quanh đỉnh núi Rồng. Một bên, theo truyền thuyết là nơi phát nguyên của tộc người Lô Lô; một bên là nơi người dân tộc H’Mông sinh sống. Tục truyền rằng khi rồng xuống đây chơi, thấy cảnh quan đẹp nên trước khi về trời đã để lại đôi mắt, đó là hai hồ bán nguyệt này.
Rời Lũng Cú chúng tôi đến huyện Đồng Văn vào buổi xế chiều. Đồng Văn cách thị xã Hà Giang 155km, là huyện có mức phát triển khá nhất trong các huyện mà chúng tôi đã đi qua trong chuyến khảo sát này.
Đồng Văn nổi tiếng với phố cổ, chợ cổ và với cao nguyên đá. Việt Nam đã đăng ký khu vực cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất đá Đồng văn và đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Huyện Đồng Văn là nơi có mật độ núi đá lớn và nhiều kiến tạo địa chất giá trị. Đây cũng là một trong những nơi cần thiết để phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu địa chất. Có đặt chân đến vùng đất khắc nghiệt này, chúng ta mới hiểu được khả năng chịu đựng của con người mạnh mẽ dường nào.


 Phong cảnh trên cao nguyên đá Đồng Văn

Khu phố cổ Đồng Văn khác hẳn với khu phố cổ Hội An. Đa số nhà ở đây xây theo kiểu nhà trình tường, vách bằng đất sét dày từ 60 - 80cm và mái lợp ngói âm dương theo kiến trúc người Hoa. Phố cổ Đồng Văn được hình thành từ đầu thế kỷ 20 do cộng đồng người Tày, người H’Mông và người Hoa.


Một quán cà phê trong khu phố cổ ở Đồng Văn. Nhà được xây dựng theo kiểu nhà trình tường. Đây là địa chỉ không thể bỏ qua vào đêm của du khách
đến tham quan Đồng Văn



 Ngôi nhà của vua Mèo ở Sà Phìn, Đồng Văn
Điểm đặc biệt gây ấn tượng nhất với tôi là phiên chợ ở Đồng Văn, một khung cảnh náo nhiệt và cực kỳ sinh động với sự phong phú sắc màu của trang phục của nhiều dân tộc. Hàng hóa được bán tập trung theo từng loại như khu bán bò, bán dê, bán heo, bán chó, bán rượu ngô… Phiên chợ là cơ hội họp mặt, trao đổi mua bán, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thiểu số và người Kinh.


Trên đường vào phố cổ Đồng Văn. Người dân tộc gùi củi để chuẩn bị cho
phiên chợ sáng hôm sau



Chợ phiên ở Đồng Văn thường nhóm vào cuối tuần. Phiên chợ là ngày để người dân tộc mua bán trao đổi hàng hóa và là dịp giao lưu giữa người dân tộc trong vùng với người Kinh

 (Theo TBKTSG Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét