Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Lên rừng tắm suối

TT - Trong cái nắng nóng đầu hè miền Trung như đổ lửa buổi giữa trưa, chúng tôi tìm đến suối Voi để được ngâm mình trong dòng nước mát lạnh.

Bãi tắm cuối nguồn suối Voi-Ảnh: TRẦN HUỲNH

“Suối Voi trước đây là khe Mệ, có chiều dài hơn 9km, bình độ thoai thoải dốc, lòng suối khá rộng. Xuất phát từ đầu nguồn của dãy núi răng cưa, là hợp lưu của nhiều con suối nhỏ và thác ghềnh phía thượng lưu hợp lại nên nước khe Mệ rất dồi dào. Hằng năm vào mùa lũ do lượng nước quá mạnh đã tạo nên những hồ nước sâu cố định và nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp” - ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ nhiệm Hợp tác xã Song Thủy, đơn vị quản lý khai thác khu du lịch sinh thái Suối Voi, cho biết.
Đó là một quần thể có nhiều đoạn suối đá tuyệt đẹp, nằm ven cánh rừng thuộc địa phận xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Phía đầu nguồn của suối là mấy thác nước lớn từ những cánh rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn đổ về, tung bọt trắng xóa. Hạ lưu của dòng suối này tiếp giáp với biển Đông qua cửa biển Cảnh Dương. Đặc biệt, nước ở đây trong veo như nước suối đóng chai. Mùa hè có lẽ là thời điểm lý tưởng để đến suối Voi vừa tắm táp, bơi lội thỏa thích, ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh, vừa nghe tiếng suối reo, chim hót...
Tượng voi được tạc từ chính một tảng đá lớn hình voi ven suối -Ảnh: T.HUỲNH

Khu nghỉ mát Suối Voi là giao điểm tam giác du lịch rừng quốc gia Bạch Mã - Lăng Cô - cảng Chân Mây. Suối Voi nằm ngay giữa đoạn đường từ Đà Nẵng đi Huế (cách nội thành Đà Nẵng chừng 54km), đến cầu Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc), đoạn km 879, rẽ trái vào đường bêtông chạy theo hướng tây chừng 3km là đến nơi.

Nhiều người dân nơi đây cho biết địa danh Suối Voi do dân gian đặt có từ thời xa xưa. Có lẽ từ ngày xưa, nhiều hồ nước sâu ở đây rất lý tưởng và thuận lợi cho đàn voi rừng kéo nhau về sinh sống. Nhưng qua thời gian bị chiến tranh tàn phá, tác động của con người, hệ sinh thái nơi đây thay đổi, không phù hợp cho đàn voi sinh sống nữa, chúng lần lượt di cư.
Hiện nay, cách một quãng đường chưa đầy 2km tính theo đường suối, chúng tôi còn thấy một vùng chuối rừng (loại thức ăn chính của voi) vẫn đang xanh tốt, bạt ngàn... mà người dân địa phương đặt tên nơi này là khe Chuối. Đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng dòng suối trong xanh chảy qua những khối đá lớn màu đen mốc như bầy voi đang lội nước.
Du lịch sinh thái cộng đồng làng quê
Bà con cho biết dân cư nơi đây chủ yếu làm nghề nông, cuối mùa vụ thường rủ nhau từng nhóm lên suối bắt ếch, mò cua đá, giăng câu... chế biến những món ăn dân dã và thoải mái ở lại suối vài ngày thỏa thích với thiên nhiên, quên đi bao nỗi ưu tư vất vả của đời thường.
Đến năm 1996, suối Voi chính thức được chính quyền địa phương cho phép khai thác du lịch theo mô hình sinh thái là hợp tác xã nông nghiệp. Hiện nơi đây có hơn 20 hộ dân đăng ký kinh doanh bán hàng ăn uống, giải khát, nhiếp ảnh... tạo việc làm cho hơn 50 lao động. Tuy vậy, đến nay Suối Voi mới được khai thác theo hướng sinh thái một đoạn chừng hơn 1km: hai bên bờ suối là khu nghỉ dưỡng tranh tre nứa lá với thực đơn toàn những món ăn đặc sản miền Trung rất hấp dẫn.
Điểm du lịch cộng đồng làng quê này chỉ hoạt động năm tháng/năm. Từ đầu tháng 4 hằng năm các hộ dân có thời gian một tháng chuẩn bị dựng sạp, làm chòi ven suối để đến 30-4 bắt đầu đón khách. Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Đã làm du lịch sinh thái thì càng không được đụng đến môi trường sinh thái. Hơn nữa, nơi đây chỉ có dịp hè là cảnh quan thiên nhiên đẹp và an toàn nhất. Vào những mùa khác, khu vực này thỉnh thoảng có lũ về rất nguy hiểm”.
Khi chúng tôi đến, khu Suối Voi đang có ba khu nhà nghỉ kiên cố với phòng nghỉ tiện nghi. Nhiều du khách bảo đến đây khoái nhất là ngâm mình dưới dòng suối mát suốt ngày, và ngủ lại đêm ngay tại các chòi tre ven suối để tận hưởng cảm giác mát mẻ của thiên nhiên... Suối Voi nằm ngay trong rừng, chúng tôi thấy còn rất nhiều cây đại thụ. Ở bãi đu có nhiều dây leo chằng chịt cỡ bắp tay người lớn có thể ngồi và đánh võng từ bờ bên này suối qua bờ bên kia.
Đêm đến có người rủ chúng tôi đi câu cá, bắt ếch. Thì ra nơi đây còn có rất nhiều loại cá như rường, bóp, trèn...; đặc biệt lấy nước suối này để nấu thì rất ngon, trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng. Suối Voi còn được nhiều người dân miền Trung biết đến với món gà. Gà cũng phải nấu, chế biến bằng chính nguồn nước suối Voi mới tuyệt.
TRẦN HUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét