Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Cửa Bồ Đề

 Cửa Bồ Đềnằm ở ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, là đầu nối sông Cửa Lớn (Đại Nam Giang) với vùng biển Đông. Cửa biển thông thoáng, thuận lợi giao thông đường biển và đường thủy nội địa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và khu vực.
Chợ Thứ, nơi mua bán trao đổi của người dân ở cửa Bồ Đề

Đóng đáy trên cửa biển Bồ Đề

    Trong chiến tranh chống Mỹ, cửa Bồ Đề từng là “cửa tử” của các “Tiểu pháo hạm Hoa Kỳ” trên sông Cửa Lớn. Trong năm 1970, du kích xã Tam Giang đã nhiều lần đánh thắng pháo hạm địch ra vào cửa Bồ Đề tại vùng Lung Đước và vàm rạch Chủ Mưu. Cửa biển Bồ Đề ngày nay thuộc xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, là một trong những cửa biển lớn ở Cà Mau. 
    Đến cửa Bồ Đề, ấn tượng trước hết là sự thông thoáng và mênh mông, với độ rộng khoảng 500m và sâu trên 15m. Cách cửa biển không xa là Chợ Thủ, khu sầm uất nhất của xã Tam Giang Tây, nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán và kinh doanh nghề biển. Đồng thời, cũng là nơi neo đậu an toàn cho các phương tiện sau những chuyến đi biển.
    “Lưới cá chét” và “lưới cá lẹp” là hai dự án mới của ngư dân ở cửa Bồ Đề, nhằm chuyển hướng đánh bắt phù hợp với tình hình địa phương và cho thu nhập cao. Hiện ở cửa biển có nhiều hộ ăn nên làm ra từ nghề lưới cá này. Đặc biệt, nhờ cửa biển sâu và rộng nên ở Bồ Đề có hình thức đánh bắt độc đáo, trông lạ mắt. Từ cửa biển nhìn vào, xa xa là những hàng đáy bè giăng ngang giữa dòng nước chảy, không chỉ là nguồn sống của nhiều ngư dân địa phương, mà còn tạo nên nét hấp dẫn riêng cho cửa Bồ Đề.

Hải đăng hướng dẫn tàu thuyền đi biển

Chị em phụ nữ là hậu cần đắc lực cho việc khai thác biển

Hầm than là một trong những nghề lâu đời nhất ở cửa biển Bồ Đề
    Tuy nhiên, cửa biển này còn có vẻ “tĩnh lặng”, bởi lượng tàu thuyền khai thác cũng như các dịch vụ nghề biển ở Bồ Đề chưa tương xứng với tiềm năng nơi đây. Toàn xã chỉ có trên dưới 115 phương tiện khai thác, 3 vựa thu mua cá của tư nhân; dịch vụ nước đá, xăng dầu cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Quách Văn Lợi, ngư dân địa phương, cho biết: “Bồ Đề là một trong những cửa biển lớn, nhiều tiềm năng, nhưng từ trước tới nay kinh tế biển vẫn chưa có nhiều tiến triển. Các vựa ở đây chủ yếu mua cá lớn, nhiều khi còn mua chịu”. 
    Thiếu vốn, ngư dân địa phương không thể phát triển sản xuất; dịch vụ hậu cần nghề cá yếu, cửa biển cũng không thể thu hút tàu thuyền các nơi đến khai thác trao đổi. Vì thế, cửa Bồ Đề vốn rộng càng trở nên “mênh mông” hơn. Cửa biển Bồ Đề cần được phát triển, khai thác tiềm năng để không chỉ phục vụ tốt nhu cấu kinh tế biển ở địa phương, mà còn trở thành cửa khẩu tốt cho việc trao đổi hàng hóa ở cảng Năm Căn trong tương lai.

TRÚC THI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét