Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Nghệ nhân làng lụa

Ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng đêm nào ông Chỉnh (làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cũng trằn trọc, thao thức tìm ra những mẫu hoa văn mới, phương pháp sản xuất lụa không phai màu. Ông mong muốn sản phẩm lụa Vạn Phúc được ưa chuộng từ Bắc vào Nam, ra nước ngoài theo phương thức kinh doanh hiện đại


Lụa Hoa Ban "độc nhất vô nhị"
Căn phòng nhỏ của ông Chỉnh trưng bày hàng chục mẫu lụa với hoa văn cầu kỳ, sang trọng, hàng chục tấm bằng khen, giấy khen, danh hiệu… treo trang trọng trên tường. Ông Chỉnh tự hào khoe: “Gia đình tôi có truyền thống dệt lụa từ lâu đời. Cụ thân sinh là nghệ nhân nức tiếng một thời Nguyễn Văn Thiệp, từng được mời dệt lụa cho Chúa Nguyễn, vì thế từ nhỏ tôi được tiếp xúc với nghề".  
Từ lúc còn để chỏm, cậu bé Nguyễn Hữu Chỉnh đã theo cha mẹ đến xưởng dệt, xưởng nhuộm, chợ Đông Xuân hay mang vải ra đồng phơi. Tiếng thoi đưa lách cách đã ngấm vào máu cậu và trở thành niềm khao khát được trở thành một nghệ nhân làng lụa.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh giới thiệu lụa Hoa Ban không phai màu. Ảnh: Minh Đức
Ông Chỉnh đã từng mày mò tìm công thức nhuộm vải không phai màu từ khi còn giữ cương vị Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Xí nghiệt dệt Sơn La. Sau này khi về nghỉ hưu, ông Chỉnh có nhiều thời gian chú tâm vào nghiên cứu, ông tìm ra hai nguyên tắc nhuộm cơ bản đó là: thời điểm và thuốc nhuộm phù hợp với chất liệu vải. 

Ông Chỉnh cho biết: "Tơ tằm thường không chịu được độ kiềm cao, trong khi đa phần thuốc nhuộm vải hoá học lại chứa nhiều kiềm nên tôi đã đưa các chất liệu lấy từ thiên nhiên như: lá bàng, củ nâu, lá trầu không nhằm khống chế độ kiềm, sau khi nhuộm tiếp tục xử lý để đạt được độ bền mầu cao". 

Theo ông, vuông lụa bền màu không chỉ phụ thuộc vào cách thức nhuộm mà còn phụ thuộc vào cả chất lượng tơ. Riêng tơ dùng để dệt loại lụa cao cấp này phải là tơ sợi to, đều, vàng óng. Đẹp nhất vẫn là tơ được làm ra ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), hiện trên thị trường bán với giá mỗi kg khoảng 370.000 - 390.000 đồng.
Sau nhiều lần thử nghiệm không thành, năm 2002, ông Chỉnh cho ra lò những vuông vải mộc đầu tiên với 75% protein và 25% petin. Ông nói: “Petin là chất keo dính nên dệt xong, tơ tằm phải cho vào nấu để loại bỏ chất keo, tạo sự mềm mại cho sợi vải, nếu trong quá trình nấu kết hợp với nhuộm thì màu sẽ rất bền, vải không bị phai". Sau khi thử nghiệm, ông mang tấm vải tới Viện Công nghiệp dệt may Việt Nam phân tích. Sản phẩm của ông đạt độ bền màu cao nhất: cấp 5. Cuối năm 2007, 500 m vải lụa đầu tiên sản xuất theo quy trình dệt không phai ra lò, khách đến hỏi mua tới tấp.
Cả làng lụa, duy nhất gia đình ông Chỉnh có lụa “hoa ban” không phai màu. Đây chính là mẫu thiết kế đầu tiên của làng lụa có hình hoa ban, góp phần làm đổi mới và phong phú hoa văn trên vải. Năm 2007, tại hội thi Sáng tạo thủ công tiêu biểu lần thứ 4, sản phẩm lụa tơ tằm với sáng kiến nhuộm bền màu của ông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải nhì. Ngoài ra, với mẫu thiết kế “Hoa ban” độc đáo, sang trọng, ông còn được trao danh hiệu: Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, Giải thưởng Bàn tay vàng, Tinh hoa làng nghề Việt Nam... 

Trăn trở với làng nghề
Hiện, lụa làng Vạn Phúc đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước, theo hành lý của khách du lịch nước ngoài đi khắp năm châu bốn bể. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, lụa Vạn Phúc với cách làm thủ công đã không cạnh tranh nổi với hàng pha nilon giá rẻ của Trung Quốc. 

Nhiều nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc thường bảo: “Một nong tằm bằng năm nong kén, năm nong kén bằng chín nén tơ. Mỗi một sợi vải, phải được chập từ 14 sợi tơ”. Nghề dệt lụa vất vả, kỳ công, tỉ mỉ là thế mà giá bán mỗi mét cũng chỉ từ 22.000 đến 25.000 đồng, lụa cao cấp cũng chỉ khoảng 45.000 - 50.000 đồng mỗi mét. Vì vậy, nhiều người vì lợi nhuận trước mắt mà “quên” uy tín của làng lụa, bày bán hàng Trung Quốc nhưng lại quảng cáo là hàng Vạn Phúc, vừa không mất sức dệt vừa thu được nhiều tiền. Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, ông Chỉnh đã phân tích và bày tỏ nỗi lo lắng, trăn trở của mình trước hiện tượng này và kêu gọi mọi người tham gia phong trào "lành mạnh hóa" thương hiệu lụa Vạn Phúc. Sau những nỗ lực không ngừng và nhiều lần tham gia hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng tiểu thủ công nghiệp, chú trọng quảng bá, tiếp thị cho du khách nước ngoài, lụa Vạn Phúc cũng dần lấy lại được vị trí.
Trong xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh cũng chính là người sớm nhận ra yêu cầu tất yếu của làng nghề khi muốn phát triển thị trường, đó là xây dựng thương hiệu lụa Vạn Phúc. Ông đã mạnh dạn đi đầu trong việc xây dựng tên tuổi, xuất xứ cho lụa. “Người làng lụa ít người nghĩ đến việc đưa tên tuổi, thương hiệu của mình vào biên vải. Tôi quyết định phải làm thí điểm, đưa nhãn hiệu Thanh Hoà và địa chỉ “Vạn Phúc - Hà Đông” vào tất cả các biên vải của gia đình", ông Chỉnh cho biết. Hiện, lụa Vạn Phúc đã có mặt khắp nơi trong cả nước. Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đã chọn mua về làm quà. Năm 2006, lụa Vạn Phúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp thương hiệu độc quyền.   
Tới đây, Hiệp hội làng nghề sẽ đề xuất với chính quyền địa phương xin kinh phí xây dựng cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm lụa Vạn Phúc tại các điểm du lịch từ Bắc vào Nam, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch điện tử, thúc đẩy kinh doanh với đối tác trong và ngoài nước theo phương thức kinh doanh hiện đại. “Để xây dựng một chiến lược có tầm, chúng tôi rất cần thời gian, sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, nhất là khi các hộ sản xuất vẫn quen làm ăn kiểu cá thể, chưa có sự liên kết”, ông Chỉnh cho biết. 
Minh Đức  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét