Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Ngọc Lãng - đất và người

Nằm cách trung tâm buôn bán sầm uất của TP Tuy Hòa không xa về phía nam có một làng quê thanh bình mà tên gọi đẹp như chính bản thân vùng đất - làng Ngọc Lãng.

nl1.jpg
Ngọc Lãng thơ mộng bên sông Chùa trong sáng sớm - Ảnh: N.D.HẠNH

Làng Ngọc Lãng nằm trên một doi đất lớn hình thoi bao quanh bởi bốn bề sông nước, ở xung quanh doi đất này là những bãi bồi ngập nước mọc nhiều cây bún, vì vậy Ngọc Lãng còn có tên nôm là Soi Bún. Đây có thể là nơi phát nguồn của câu ca: Muốn về Soi Bún ăn dưa/Sợ e Soi Bún đãi đưa nhiều lời.

Địa bạ triều Nguyễn lập dưới thời vua Gia Long cho biết Ngọc Lãng trước đây là thôn Nguyệt Tiên Đông, thuộc tổng Thượng, huyện Đồng Xuân. Dưới thời Minh Mạng, thôn Nguyệt Tiên Đông đổi tên thành thôn Nguyệt Lãng thuộc tổng Hòa Bình huyện Tuy Hòa. Đến cuối thế kỷ XIX, thôn Nguyệt Lãng tiếp trục đổi thành Ngọc Lãng. Tuy nhiên trước khi được đề cập đến trong địa bạ triều Nguyễn, có nhiều bằng chứng cho thấy vùng đất này đã là nơi hội tụ dân cư ngay từ những ngày đầu khi những lưu dân người Việt đến định cư ở vùng đất Phú Yên.

Gia phả họ Lương ở phường 4, TP Tuy Hòa cho biết tổ tiên là Lương Bình “tòng Lương Quý Phủ”, tức là theo danh nhân Lương Văn Chánh đến định cư ở vùng đất này và lập nên ấp Phụng Hoàng. Đến khoảng đầu thế kỷ XVIII, họ Lương mới chuyển sang khu vực tả ngạn sông Chùa (khu vực phường 4 hiện nay) sinh sống. Các bậc cao niên của họ Lương cho biết rất có thể ấp Phụng Hoàng cũng như ấp Phụng Tường (ở xã Hòa Trị, là nơi danh nhân Lương Văn Chánh sinh sống) được đặt tên nhằm nhắc nhở con cháu về nguồn cội họ Lương là làng Phụng Lịch ở Thanh Hóa. Hiện nay ở Ngọc Lãng còn có mộ của cụ Lương Bình và vợ là Trương Thị Nhự. Ngoài ra, Ngọc Lãng còn có một tên gọi khác là Cồn Lương, một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi tập trung lương thực để vận chuyển đi các nơi khác e rằng chưa chính xác. Rất có thể tên Cồn Lương là dấu tích về một thời kỳ khai phá đất đai của họ Lương còn lưu lại cho đến ngày nay. Ngoài dòng họ Lương, ở Ngọc Lãng còn có họ Cao, họ Huỳnh, họ Lê, cũng là những dòng họ định cư ở Ngọc Lãng từ nhiều đời. Nguồn tư liệu tại đình Ngọc Lãng còn cho biết khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, cụ Lê Văn Xuyến (1765-1820) quê gốc Quảng Ngãi là người có nhiều đóng góp trong việc tiếp tục khai khẩn vùng đất này và được suy tôn là Thành hoàng của làng Ngọc Lãng.

Là vùng đất có dân cư sinh sống từ lâu đời nên Ngọc Lãng có nhiều di tích lịch sử văn hóa, trong đó tiêu biểu nhất là quần thể di tích đình Ngọc Lãng. Quần thể di tích này nằm trên một khuôn viên rộng khoảng 2.500m2 bao gồm đình, miếu Bà Hậu Thổ và miếu thờ Ngũ Hành. Ngôi đình này vốn được xây dựng quy mô bằng vật liệu kiên cố, nhưng vào giữa thế kỷ XX thì hầu như bị đổ sập hoàn toàn. Đến năm 1971, dân làng Ngọc Lãng tự đóng góp kinh phí xây dựng lại ngôi đình trên tàn tích cũ, đó chính là phần kiến trúc còn lại cho đến ngày nay. Đình Ngọc Lãng được xây theo kiến trúc truyền thống, mái đình lợp ngói, nóc đình trang trí lưỡng long triều nguyệt, mặt tiền trang trí đơn giản với ba chữ quốc ngữ “Đình Ngọc Lãng”, trong khi đó ở trên cửa chính phía trong đình có ba chữ Hán lớn “Ngọc Lãng đình”. Hai bức tường bên là phần sót lại của kiến trúc cũ từ thế kỷ XIX, tường dày 0,4m được xây bằng hợp chất. Hai đầu hành lang trên bức này còn hai bức phù điêu của hai vị thần canh cửa với dáng vẻ oai phong. Bên trong gian thờ chính sát vách hậu có ba án thờ, án thờ chính giữa đề chữ “Thần”, án thờ bên trái thờ thổ công, án thờ bên phải thờ tiền hiền.

Người được thờ cúng tại đình là thần Bạch Mã và tiền hiền Lê Văn Xuyến. Nằm hai bên đình là hai công trình kiến trúc nhỏ, phía bên trái là miếu thờ Bà Hậu Thổ, bên phải là miếu thờ Ngũ Hành. Bên cạnh nội dung thờ tự, trong quần thể di tích này còn lưu giữ nhiều văn tự Hán Nôm có giá trị về lịch sử văn hóa. Đó là các sắc phong cho thành hoàng và thần Bạch Mã của các đời vua nhà Nguyễn là Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Căn cứ vào nội dung các sắc phong cho thấy tín ngưỡng thờ thần Bạch Mã rất được coi trọng ở Ngọc Lãng.

Nằm trên một địa bàn thuận lợi về nhiều mặt nên các hoạt động kinh tế truyền thống của cư dân ở Ngọc Lãng rất đa dạng. Trước đây, một bộ phận lớn dân cư ở Ngọc Lãng chuyên sống bằng nghề vận chuyển bằng ghe bầu. Nghề này phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi mà ở bên kia sông Chùa, tức là khu vực phường 1 hiện nay, trở thành trung tâm buôn bán của Phú Yên với sự ra đời của chợ Dinh cũng như các tụ điểm buôn bán của người Hoa. Thế nhưng, nông nghiệp mới là hoạt động kinh tế chủ đạo ở Ngọc Lãng. Đất Ngọc Lãng được phù sa sông Đà Rằng hằng năm bồi đắp nên rất màu mỡ, phù hợp để trồng các loại cây lương thực và các loại cây hoa màu ngắn ngày như bắp, dưa và các loại rau quả khác. Trên các bãi bồi ven sông là nơi phù hợp để trồng dâu, vì thế nghề trồng dâu nuôi tằm một thời cũng đã từng phát triển mạnh ở đây. Ngọc Lãng còn có nghề trồng hoa tết từ lâu đời, và gần như nhà nào cũng có nghề trồng hoa, vì thế cứ mỗi dịp vào xuân cả vùng đất này lại ánh lên rực rỡ bởi muôn vàn hoa khoe sắc.

Chỉ cần một chuyến đò ngang đi qua sông Chùa là có thể đến thăm vùng quê thanh bình này, để thưởng thức vẻ đẹp của một làng quê ngay giữa lòng thành phố và cũng để hiểu thêm một vùng đất bên núi Nhạn sông Đà.

NGUYỄN DANH HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét