Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Nhánh rẽ của những dòng sông

   Ở Cà Mau, ngoài những con sông lớn - tiêu biểu mà chúng tôi đã giới thiệu qua  loạt phóng sự ảnh Câu chuyện về những dòng sông thì còn có hàng ngàn - vâng, phải nói chính xác là như vậy - những con kinh, con rạch có tên và không tên, nó là nhánh rẽ của những dòng sông. 

    Nói là kinh, là rạch, có những con kinh còn lớn và dài hơn cả những dòng sông nhưng người ta chỉ xem nó là con kinh, có lẽ do nó không bắt nguồn từ tự nhiên mà do con người tạo nên. Ta có thể kể tên một số con kinh tiêu biểu ở Cà Mau như sau:
- Kinh Quản lộ Phụng Hiệp : Từ Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang chảy về Cà Mau, dài 120km - trong đó đoạn chảy qua địa phận tỉnh Cà Mau gần 40km. Kinh rộng 50m, sâu trung bình từ 2,5-3,5m.
- Kinh Cà Mau - Bạc Liêu : Con kinh này nối liền hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, dài 67km, sâu trung bình 4-5m.
- Kinh Biện Nhị : Từ sông Cái Tàu, chảy ra biển Tây thuộc vịnh Thái Lan, rộng 50m, dài 17km.
- Kinh Chắc Băng : Từ huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu, chảy về Thới Bình, rộng 25m, dài 15km.
- Kinh Thọ Mai : Nối sông Mỹ Bình với rạch Đồng Cùng, rộng 40m, dài 12km.
- Kinh Chợ Hội - Huyện Sử thuộc huyện Thới Bình, rộng 30m, dài 10km.
- Kinh Đội Cường : Nối sông Bảy Háp với sông Gành Hào, dài 8km.
- Kinh Bà Kẹo: Nối sông Ông Đốc với đầm Bà Tường, rộng 40m, dài 5km.
...

Cảnh sinh hoạt trên kinh rạch 
    Đó là những con kinh tiêu biểu và nổi tiếng, còn lại thì vô số kể. Điểm đáng chú ý là: Do quá nhiều kinh, rạch nên việc dân gian đặt tên cũng rất ngộ nghĩnh và dân dã. Dựa vào đặc điểm, hoặc người nào đến ở đầu tiên thì lấy tên đặc điểm đó, người đó đặt tên cho con kinh, con rạch để phân biệt với những con kinh, con rạch khác như : rạch Bà Đặng, rạch Bà Bường, kinh Chùa Phật, kinh Ông Do... Nhà văn Đoàn Giỏi có kể lại rằng: Có hai mẹ con người đàn bà nọ chở một xuồng nước ngọt đi trên sông. Tới ngang vàm con rạch nhỏ, mẹ con cặp xuồng lại chặt tàu lá dừa nước làm buồm. Đứa con vừa chặt xong tàu lá, thì một con cá sấu từ trong rừng lội ra chỏng đuôi quất nhào xuống sông. Chỉ kịp nghe kêu hai tiếng "má ơi" rồi thằng bé chìm mất, nhưng tay vẫn không buông tàu lá. Tàu lá chạy vùn vụt ra giữa sông, rút xuống, rút xuống dần dần chỉ còn thấy cái đọt rồi mất hút. Bà mẹ ngất đi.

    Khi tỉnh dậy, bà mài sắc ngọn mác, ngồi ngay trên miệng vàm, chờ con cá sấu... Ba ngày ba đêm, bà bắc bếp nấu cơm ăn tại đó, chong mác chờ cá sấu nổi lên. Bà con qua lại rõ chuyện, khuyên bà nên dẹp bỏ mối thù : "Nó ở dưới nước, sông rạch mênh mông biết đâu mà rình!". Bà vẫn kiên quyết không đi.

Kinh rạch trong rừng đước 
    Mấy hôm sau không ai thấy bà đâu. Chỉ còn lại chỗ bà ngồi một chiếc lược thưa còn vương mấy sợi tóc dài bỏ đấy. Sau đó bà con đánh lưới gặp xác bà và xác con cá sấu nổi lên, trôi ra biển. Ngọn mác thông nắm chặt trong tay bà, đâm lút cán vào giữa hầu con cá sấu, còn hai chân trước của nó thì bấu cứng hai bên lưng bà. Nào ai biết danh tính người mẹ dũng cảm, kiên quyết phục thù cho con bằng được dù phải trả giá bằng cái chết ấy, là ai ?

    Bà con cất ngôi miếu lá nhỏ tại vàm rạch thờ bà... Và từ đó con rạch vô danh mang tên là "Rạch Bỏ Lược" cho đến ngày nay - ở Tân Ân huyện Ngọc Hiển.

    Kinh, rạch là mạch máu - hay nói đúng hơn - là nhánh rẽ của những dòng sông. Sông lớn, kinh nhỏ, rạch con hợp lại tạo thành một vùng sông nước chằng chịt in đậm dấu ấn lịch sử và nét văn hóa đặc thù của vùng cực nam Tổ quốc.

PHƯƠNG THẢO


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét