Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Nơi lưu giữ cội nguồn Phú Quốc

Sau 16 năm kiên trì tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ, phục chế… Huỳnh Phước Huệ đã có trong tay khối tài sản khổng lồ, không thể tính bằng tiền về những gì liên quan đến đảo Phú Quốc trong suốt 300 năm khai phá, phát triển - nơi đang được xây dựng thành “thiên đường du lịch”. Hiện tại, anh đang thực hiện một ý tưởng táo bạo là chính thức lập một bảo tàng tư nhân mang tên “Cội nguồn Phú Quốc”.
Hành trình “tìm về lịch sử”
Trông bề ngoài, Huỳnh Phước Huệ với vóc dáng mảnh khảnh, rất bình dị, đặc biệt chẳng có vẻ phong trần của những nhà khảo cổ mà ta thường thấy trên truyền hình. Thế nhưng hành trình tìm về lịch sử Phú Quốc suốt 16 năm qua của anh đã được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Năm 1992, Huỳnh Phước Huệ rời đảo Phú Quốc để lên TPHCM học. Chia tay với nơi gia đình anh đã có 3 đời gắn bó để lên TPHCM theo học đại học ngành quản trị kinh doanh nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Huệ vẫn nhớ đau đáu về Phú Quốc.
Ở TPHCM, ý tưởng phải tìm hiểu, sưu tầm, bảo tồn những di sản của Phú Quốc ấp ủ bao lâu của chàng thanh niên đầy nhiệt huyết đã có điều kiện thực hiện. Suốt những năm đi học, phòng trọ của Huệ chất đầy những bộ thư mục về Phú Quốc. Năm 1997, Huệ mang trở về đảo tấm bằng đại học và 300 bộ thư mục tài liệu quý giá về Phú Quốc bằng các thứ tiếng Hán, Việt, Anh, Pháp.

Giáo sư Vũ Khiêu và nhà sử học Dương Trung Quốc cùng lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang trong lần thăm Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc.
Suốt thời gian làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng trên đảo Huệ vẫn âm thầm thu thập tất cả những gì thuộc về Phú Quốc để cất vào kho tàng riêng. Anh đi vào các công trường xây dựng để góp nhặt những lõi gỗ trai, một loại gỗ quý hiếm dường như chỉ có ở đảo Phú Quốc, gốc mai núi, gốc tre, ráng, ổi núi…
Và bằng sự khéo léo của đôi tay anh đã chế tác ra những tác phẩm được ngành văn hóa thông tin đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao như tượng Phật, 18 vị La Hán chùa Tây Phương. Chim đại bàng biển và chim báo bão, vốn gắn bó lâu đời với ngư dân đảo Phú Quốc cũng đã được Huệ thể hiện sinh động từ những mảnh gỗ vô hồn vùi sâu dưới lòng đất.

Gần như toàn bộ các loại vỏ ốc, sò, san hô, đá cuội được Huệ sưu tầm hầu như không thiếu thứ nào và Huệ còn quy hoạch làm chuồng trại để “mời chào” các loài chim thú của đất đảo này đến trú ngụ.
Có hiện vật không chỉ có giá trị “độc quyền” về vật chất mà còn là sự linh thiêng của đảo Phú Quốc như mảnh của chiếc thuyền của anh hùng Nguyễn Trung Trực đã dùng trong các trận đánh Pháp và bị đánh chìm tại khu vực ấp Ba Trại xã Cửa Cạn. Chiếc thuyền chìm rất lâu nhưng chưa được trục vớt. Gia đình ông bà họ Lâm ở địa phương đã lặn xuống cắt 3 miếng vỏ đem lên bờ và lập miếu thờ tưởng niệm cụ Nguyễn Trung Trực.
Sau khi ông Lâm chết, sức khỏe bà Lâm ngày một yếu, Huệ đến nhà bà xin thỉnh về một mảnh thuyền để trưng bày cùng với lịch sử đánh giặc của anh hùng Nguyễn Trung Trực tại đảo. Riêng chuyện bộ xương Dugong (bò biển), Huệ nói, sách báo và các tài liệu anh đã đọc cho biết loài bò biển quý giá này đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Phú Quốc trước đây vốn là xứ sở của loài vật này và hiện giờ Phú Quốc là một trong những nơi ở hiếm hoi của Dugong trên toàn thế giới. Trong quá trình hướng dẫn du khách, Huệ biết gia đình ông Tư Điệp ở xã Bãi Thơm, phía Bắc đảo Phú Quốc còn lưu giữ một bộ xương Dugong và có người đang ngã giá để mua về nấu cao. Huệ đề nghị với ông Tư được mua lại để lưu giữ, bảo tồn nên gia đình ông Tư Điệp đồng ý ngay. “Mình bàn với vợ lấy 13 triệu đồng để đổi lấy bộ xương Dugong” - Huệ nói giọng hể hả.
Năm 2002, một lần nữa Huỳnh Phước Huệ có quyết định táo bạo là thôi làm phó giám đốc nhà hàng, khách sạn Ngàn Sao ở đảo Phú Quốc, lúc 30 tuổi, để toàn tâm toàn lực và có thời gian thực hiện ước mơ. Khi lượng hiện vật, cổ vật sưu tầm kha khá, anh mở một phòng trưng bày nho nhỏ tại nhà (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) mang tên “Cội nguồn Art Gallery” để phục vụ du khách và nhân dân trên đảo.
Việc làm của Huệ như được tiếp thêm sức mạnh khi có khoảng 80% du khách đến đảo Phú Quốc đều ghé qua phòng trưng bày nho nhỏ này. Đặc biệt, năm 2005, trong chuyến ra thăm đảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Văn Hà Phong có đến thăm phòng trưng bày mang tên Cội nguồn của chàng thanh niên trẻ nhiều nhiệt huyết này. Không chỉ gửi thư khen ngợi ý tưởng và việc làm thiết thực của Huỳnh Phước Huệ, Phó Chủ tịch Văn Hà Phong còn yêu cầu ngành văn hóa - thông tin tạo điều kiện cho Huệ phát huy khả năng, góp phần làm cho du lịch Phú Quốc phát triển mạnh mẽ hơn.
Tài sản mang tên “Cội nguồn Phú Quốc”

Bộ xương bò biển trưng bày tại Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc.
Đến nay, Huỳnh Phước Huệ có trong tay 2.000 hiện vật về đảo Phú Quốc. Về giá trị vật chất có thể tính bằng tiền (có người từng ngã giá mua lại “bảo tàng mini” của anh với giá 5 tỷ đồng) nhưng giá trị tinh thần, lịch sử, khoa học theo nhiều người thì đúng là… vô giá. Trong số này, Hội đồng thẩm định cổ vật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang xác định có 1.120 cổ vật có giá trị cao.

Ngoài những tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ quý, đá cảnh rất đẹp, hàng trăm hiện vật cổ từ tàu đắm và hầu hết các chủng loại vỏ sò ốc biển, san hô trên đảo thì còn bộ rìu đá được ngành chuyên môn xác định có niên đại khoảng 3.500 năm; kế đến là nơi đây cũng lưu giữ nhiều bộ sưu tập gốm Việt Nam thế kỷ VII, VIII, thời Lý, Trần và gốm Thái Lan, Trung Quốc có từ thế kỷ XV, XVI…
Ngoài trời là khu trưng bày giới thiệu vườn tượng gỗ, đặc biệt là “vườn thú” dưỡng hơn 20 loại động vật đặc trưng của Phú Quốc. Độc đáo nhất là bầy chó Phú Quốc 300 con và 50 con đại bàng biển - hai con vật gắn liền với đời sống người dân biển đảo Phú Quốc từ những ngày đầu khai phá đến nay.
Huỳnh Phước Huệ không giấu giếm ý định của mình là đang chuẩn bị lập một bảo tàng tư nhân mang tên “Cội nguồn Phú Quốc” để kịp hoạt động trong dịp năm mới này. Trong lần đến thăm, Giáo sư Vũ Khiêu và nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đánh giá cao về giá trị của các loại cổ vật mà Huỳnh Phước Huệ sưu tầm được.
Bình Đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét