Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Núi Mẹ Bồng Con


Núi Mẹ Bồng Con là tên dân gian, còn tên chữ là hòn Vọng Phu có 2 đỉnh, độ cao 2.021 và 1762mét so với mực nước biển, nằm trên ranh giới giữa các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Đắc Lắc, phía trong hòn Nhọn của xã Hòa Mỹ Tây. Đây là nơi phát nguyên các con sông Ea Krông Rou chảy vào hướng nam, và sông Ea Mai, Ea Nga, Ea Grô chảy ra hướng Bắc. Mặc dù các ngọn núi này không nằm hẳn trong huyện Tây Hoà, nhưng huyền thoại về núi Mẹ Bồng Con được lưu truyền nơi đây khá phổ biến. Khu vực này có nhiều loại lâm sản quý như: gõ, kiền kiền, dầu, huỳnh đàn, chai dầu, hột ư đặc biệt là trầm kỳ từ cây dó bầu lưu niên.

070424-me-bong.jpg
Núi Mẹ Bồng Con (Hòn Vọng Phu) - Ảnh: TRẦN QUỲ

Hàng năm sau mùa mưa bão, người dân ở hữu ngạn sông Ba thường tổ chức từng toán nhỏ luồn sâu vào rừng để tìm trầm kỳ từ tháng này sang tháng khác, cho đến khi nào tìm thấy, lấy được trầm. Trong dân gian có tên gọi riêng là đi điệu. Hành trình tìm trầm nhiều gian khổ, hiểm nguy, nhiều khi đi lạc, hết lương thực. Lúc đó, người đi điệu phải ngậm củ Ngải-một loại riềng dại, có vị thơm dịu làm cho ruột đỡ cồn cào. Từ đó mới có cụm từ ngậm ngải tìm trầm để chỉ những toán đi tìm trầm. Trong suốt quá trình đi điệu, dân tìm trầm sử dụng các từ khác thay thế cho các từ thông dụng, để chỉ tên gọi trong sinh hoạt, động tác, lễ nghi…

Đi điệu là một nghề vất vả, sống-chết, giàu-nghèo chỉ cách nhau trong gang tấc. Có lẽ xuất phát từ đó mà những người thân dưới đồng bằng mỗi khi nhìn lên đỉnh Vọng Phu thường liên tưởng đến chồng con, nên trong dân gian mới có truyền thuyết về người mẹ bồng con lên núi cao tìm chồng mãi cho tới khi chết hóa đá. Chuyện kể như sau: 

Có đôi trai gái nọ thương yêu nhau, cưới nhau nhưng nhà rất nghèo. Chồng đi làm thuê, vợ ở mướn cho nhà giàu, cả hai đầu tắt mặt tối nhưng không đủ ăn, thậm chí căn nhà để che mưa nắng cũng chỉ là căn lều tranh rách nát. Chẳng bao lâu sau, đôi vợ chồng sinh được mụn con trai. Tuy đời sống tinh thần rất hạnh phúc, nhưng vật chất thì thiếu thốn trăm bề. Cái đói, cái rách luôn luôn đứng trước mái tranh nghèo.

Một đêm kia người chồng thầm thì vào tai vợ rằng: Mình không thể sống mãi trong cảnh cùng túng này được. Tôi quyết chí theo anh em ngậm ngải tìm trầm, may ra đôi ta có khá hơn chăng? Sau một hồi phân vân, thoái thác người vợ cũng bằng lòng để chồng ra đi.

Một tháng, hai tháng rồi một năm sau… bóng người chồng vẫn biệt vô âm tín. Vì nhớ thương chồng. Người vợ bỏ nhà bồng con lên núi cao đứng trông ngóng về hướng chồng ra đi. Ngày một ngày hai nàng gọi mãi tên chồng nhưng chỉ có rừng núi vọng lại tiếng gào tuyệt vọng của nàng. Gào mãi cho đến khi nàng và đứa con kiệt sức chết đứng trên mỏm núi, sau hóa thành khối đá, người đời đặt tên là núi Mẹ Bồng Con để chỉ cho tấm lòng thủy chung của người vợ. 

Dị bản 1:

Theo thi sĩ  Quách Tấn thì núi Vọng Phu có tích từ người ngậm ngải tìm trầm:

“Có một người tu tiên gần đắc đạo thì một ngày kia quay về chốn cũ thăm bạn. Hai người lâu ngày gặp nhau mừng rỡ, chủ nhân bèn hối vợ con bày tiệc thết đãi. Trong bữa tiệc tao phùng, người bạn thật thà kể chuyện tu tiên, và ông đã luyện được ngải, ngậm vào có thể sống cả năm trời mà không cần ăn uống. Chủ nhân sanh lòng tham, phục rượu cho bạn uống đến say, bèn lấy cắp gói ngải và bỏ trốn đi tầm sư học đạo để sau này có thể hưởng cảnh thần tiên. Khi tỉnh giấc, vị đạo sĩ kia sờ vào tay nải không tìm thấy gói ngải, hỏi vợ chủ nhân mới hay người bạn đã bỏ nhà đi đã hai ngày nay. Vị đạo sĩ vội vàng đuổi theo, trèo đèo lội suối theo lối cũ mà đi. Chẳng may ông ngã xuống hố, chết hóa thành đá.

Còn chủ nhân cứ ngậm ngải mà đi, đi mãi nhưng không tìm thấy gì, lâu ngày thân thể mọc dày lông và hóa thành cọp. Đến khi nhớ cảnh cũ, vợ con, bèn quay về, nhưng mọi thứ đã thay đổi cả.
Trong khi đó người vợ mỏi mòn chờ chồng không thấy trở về, liền bồng con lên núi cao, và chết trên đỉnh núi, xác hai mẹ con hóa thành đá ngay trên đỉnh, nên sau này dân gian đặt tên là núi Vọng Phu hay Mẹ Bồng Con”. [38, tr. 52].

Dị bản 2:

Trong thời kỳ mở cõi, để có đủ quân số chiến đấu chống kẻ thù, người chồng bị quan địa phương bắt sung việc quân. Vợ đành gạt nước mắt ở lại nhà tần tảo nuôi con. Vốn là người nết na hiền thục, chung thủy với chồng nên sau một thời gian dài mà không thấy chồng trở về, nàng bèn bồng con lên đỉnh núi cao ngóng về phương Nam , dõi theo bóng chồng hút xa trong đoàn quân Nam tiến. Nàng nhịn đói, nhịn khát đứng mãi chờ chồng cho tới khi cả hai mẹ con đều chết và hóa thành đá, nên đỉnh núi cao đó được người đời sau đặt tên là núi Vọng Phu. 

Khảo dị: Về chuyện vợ hóa đá trông chồng, trong kho tàng văn học cổ Việt Nam có nhiều truyện khác nhau. Và hình tượng người vợ chung thủy chờ chồng hóa đá đã được Đặng Trần Côn đặt thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc để sau đó nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch Nôm thành tuyệt tác của một giai đoạn chiến tranh bi hùng trong lịch sử Việt Nam.

Các sách khác thì chép, Vọng Phu là:

-“Tên hòn đá trên núi Nhồi thuộc tỉnh Thanh Hóa, hình giống như người đàn bà bế con. Tương truyền, ngày xưa có người đàn bà bế con đưa chồng đi trận tại núi ấy. Chồng không trở lại. Nàng chinh phụ ấy bế con đứng trông chồng mãi rồi hóa thành đá, gọi là hòn Vọng Phu”.

-“Tương truyền ở nước ta nhà kia có hai anh em ruột. Lúc nhỏ người anh lỡ tay làm sướt da đầu người em gái thành sẹo. Sợ quá người anh bỏ nhà trốn biệt tích. Về sau lớn lên hai người ngẫu nhiên lại gặp nhau và kết thành vợ chồng. Một ngày nọ, tình cờ nhìn thấy vết sẹo ẩn trong mái tóc vợ, hỏi cớ sự, vợ kể lại chuyện xưa. Biết rõ cội nguồn người anh vừa hối hận vừa xấu hổ vì tội loạn luân nên bỏ nhà đi biệt tích. Người em không hề hay biết gì, cứ bồng con đứng trên đỉnh núi trông chồng, lâu ngày hai mẹ con hóa thành đá. Người đàn bà ấy có tên là nàng Tô Thị hóa đá trên núi Kỳ Lừa thuộc tỉnh Lạng Sơn. Trong thơ cổ có câu:Giấc bướm mơ màng núi vọng phu để chỉ cho tình cảnh oan trái kia”.

Với câu chuyện này, nhà thơ Tôn Thọ Tường đã cảm tác nên bài Vọng Phu Thạch:

Hình đá ai đem đặt biển Đông
Giống hình nhi nữ đang ngồi trông
Da giồi phấn tuyết phơi màu nắng
Tóc dãi dầu mưa giũ bụi hồng
Ngày ngắm gương ô soi đáy nước
Đêm cài lược thỏ chải trên không
Đến nay phỏng đã bao nhiêu tuổi
Trạc trạc bền gan chẳng thấy chồng. 

Còn nhạc sĩ Lê Thương từ câu chuyện bi thương này đã viết thành 3 ca khúc nổi tiếng “Hòn Vọng Phu” với những câu: “…Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp chàng, lấy cây hương thật quí, thắp lên thương tiếc nàng…” để ca ngợi lòng chung thủy của người chinh phụ.

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét