Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Núi Sầm và con trâu nước


Núi Sầm nằm lọt thỏm giữa xã Hòa Trị, cách TP. Tuy Hoà 3 cây số về phía tây theo đờng chim bay. Núi Sầm được bao bọc bởi cánh đồng xanh tốt và làng xóm. Gọi là núi nhưng kỳ thực chỉ là dãy đồi thấp, chu vi khoảng trên 1.000 mét, cao chừng 50 mét, cấu tạo bởi đất bazan và sỏi trắng xám.

070502-nui-sam.jpg
Núi Sầm Phú Hoà - Ảnh: TRẦN QUỲ

Núi Sầm có vị trí chiến lược quan trọng, là tiền đồn án ngữ phía tây thành phố Tuy Hòa. Thời chống Pháp và chống Mỹ, Núi Sầm là đồn bót của địch để ngăn chặn du kích và bộ đội từ Trường Sơn đánh thọc xuống. Địa điểm này đã xảy ra những trận đánh dữ dội và phần thắng luôn thuộc về quân ta. 

Có nhiều truyền thuyết chung quanh núi Sầm. Song nét chung thì núi Sầm là đụn đất rơi vãi của người khổng lồ gánh đất lấp biển thành đồng ruộng. Nhưng núi Sầm cũng có một truyền thuyết khác:

Xưa vùng này là vùng đất trũng thấp, mà người dân địa phương gọi là đồng Thủy, do thế đất thấp hơn các nơi khác. Hàng năm vào mùa mưa, thì nơi đây là biển nước mênh mông. Còn trước đó là vùng sình lầy, lắm đỉa và rắn độc nên cư dân khó lòng cày cuốc. Thần Nông từ trời cao nhìn xuống thấy cảnh cơ cực của nông dân không đủ sức chống chọi với những khó khăn trước mắt nên đã sai Ngưu Ma Vương đưa con trâu thần xuống để san ủi, cày xới vùng đất này trở nên thành thục. Cuối cùng thì công việc cũng hoàn tất, trâu thần bay về trời, để lại xác của mình là mô đất to giống như con trâu khổng lồ nằm xoãi, đầu hướng về phía tây. Đó chính là núi Sầm.

Ca dao địa phương có câu:

Lẻ loi như cụm núi Sầm
Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan. 

(Theo lời kể của ông Nguiyễn Hoạt 82 tuổi  và nhiều bô lão ở thôn Long Tường xã Hoà Trị).

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét