Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Ở miền Tây Phú Yên

Những ngày đầu thu Tháng Tám chúng tôi ngược về miền Tây Phú Yên. Tuyến đường T 643 nối quốc lộ 1A với cao nguyên Vân Hòa đã được trải nhựa phẳng lỳ.

Trang-7.090913.jpg
Nhà thờ Bác Hồ ở Sơn Định - Ảnh: Lê Minh

Đoạn qua ba xã phía bắc của huyện Sơn Hòa là Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà mới xây kiên cố, nhiều công trình phúc lợi công cộng được xây dựng khang trang, bề thế. Hai bên đường trải dài một màu xanh của những cánh rừng; màu xanh bạt ngàn của mía và sắn - hai loại cây trồng chủ lực của vùng miền núi.

Nơi chúng tôi ghé thăm đầu tiên là Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ, một công trình trong quần thể di tích Khu căn cứ kháng chiến trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Phú Yên vừa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền thờ Bác Hồ được xây dựng tại thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa. Chúng tôi gặp lại người thanh niên có cái tên khá ấn tượng: Phan Nguyễn Hoàng Quốc. Anh là người đã tình nguyện làm công tác bảo vệ Đền thờ Bác Hồ từ khi mới được xây dựng. Quốc tâm sự: “Được công tác tại nơi thiêng liêng này, chúng em rất vinh dự. Mỗi sáng mai thức dậy em càng hiểu nhiều hơn về công lao trời bể của Bác. Chúng em tự tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và đi tìm nhiều tài liệu quý giá về thời hoạt động của Bác; về lịch sử của việc xây dựng Đền thờ Bác trong chiến tranh để phục vụ tốt hơn việc giới thiệu mỗi khi các đoàn khách về đây viếng Bác...”.

Tại vùng đất này 40 năm trước là vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các cơ quan đầu não của tỉnh đặt tại khu rừng trải dài hàng nghìn hecta này. Nơi đây ngày 9-9-1969, Tỉnh ủy Phú Yên đã bí mật dựng lên một ngôi nhà tranh để làm lễ truy điệu Bác Hồ. Nơi thờ Bác được dựng sát bên đường dưới những cây dẻ cổ thụ để cán bộ, chiến sĩ khi ngang qua đây vào thắp hương viếng Bác. đến năm 2003 Đền thờ được phục dựng gắn liền với Di tích lịch sử quốc gia - Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến, (gồm Đền thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân, cơ quan Tỉnh ủy, cơ quan UBND cách mạng, Nhà Giao tế, cơ quan UBMTDT Giải phóng, cơ quan Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Trường Đảng, cơ quan Tỉnh đội, Xưởng Quân giới 200, cơ quan Ban an ninh, Bệnh xá Trúc Bạch và Trường Y tế).

Mấy năm nay xã Sơn Định có bước phát triển kinh tế-xã hội khá mạnh mẽ. “Năm nay bà con phấn khởi lắm vì sắn, mía được mùa lại được giá, có nhà thu nhập đến cả trăm triệu đồng. Hộ đói không còn, hộ nghèo giảm còn 4,1%, so với 5 năm trước là hơn 15%”. Chủ tịch UBND xã Sơn Định Nguyễn Thanh Tân cho biết. Thế mạnh vùng đất ba-dan này là cây mía và cây sắn với diện tích 407 ha mía, 250 ha sắn cao sản, đàn bò 750 con trong đó bò lai chiếm 40,2%. Hiện nay nông dân cũng đang tập trung mạnh các dự án trồng rừng, tổng diện tích lâm nghiệp trên địa bàn xã 2.600 ha, dự án cao-su tiểu điền cũng là cây trồng mới được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, từ 2002 đến nay toàn xã đã trồng  được 301 ha cao su đang phát triển tốt.

Cũng như vùng căn cứ cách mạng Sơn Định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung  ương 7 (Khóa IX) về phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi. 5 năm qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư 1.400 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần làm thay đổi rõ diện mạo vùng miền núi, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. đến nay, tất cả 45 xã miền núi đều có đường giao thông thông suốt đến trung tâm xã và các thôn, buôn; hiện nay đang tiếp tục đầu tư nâng cấp bằng nhựa hóa, bê-tông hóa nhiều tuyến khác. Trục giao thông phía Tây - một dự án giao thông trọng điểm nối ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đăùc Lắc đang khẩn trương xây dựng và dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 2-9-2009. Tuyến đường này dài 115,6 km, khởi công từ năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2011 với tổng kinh phí đầu tư 609 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. đến nay đã xây xong 12 chiếc cầu lớn nhỏ và đang nâng cấp mở rộng mặt đường. Con đường này sẽ là tuyến giao thông quan trọng góp phần vực dậy kinh tế trong vùng. Hơn 90% số hộ ở miền núi đã sử dụng điện lưới. Nhiều công trình thủy điện lớn đang được xây dựng. Nhà máy thủy điện Sông Hinh đã hoàn thành năm 2004, Công trình thủy điện Sông Ba Hạ công suất 220 MW đã phát điện tổ máy số 1, thủy điện Krông H’năng đang giai đoạn chuẩn bị tích nước. Riêng huyện Sơn Hòa, vùng trọng điểm nguyên liệu mía mỗi năm trồng 7.500-8.000 ha, cung cấp 2/3 sản lượng mía cho các nhà máy đường hoạt động. Sản xuất gắn với chế biến, trong khu vực hiện có ba nhà máy đường, hai nhà máy sắn xây dựng ngay trên vùng nguyên liệu góp phần tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, nhờ chính sách đầu tư  từ các chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình 135, 134, chương trình định canh định cư... đã góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống người dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Tỉnh cũng đã xây dựng hàng chục công trình thủy lợi ở miền núi tưới hơn 11 nghìn ha đất gieo trồng.

Thuy-dien-Song-Ba-ha.090913.jpg
Công trình thủy điện Sông Ba Hạ

Xã vùng cao Phước Tân huyện Sơn Hòa là xã xa và nghèo nhất tỉnh. Trước đây hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đói, có thời điểm trước năm 2000 cả xã có 80% hộ đói nghèo. Sau khi tiếp nhận chương trình 135, huyện Sơn Hòa đã ưu tiên xây dựng tại Phước Tân năm công trình thủy lợi. Mỗi thôn buôn đều có một đập dâng để người dân làm lúa nước. Từ đó đã giải quyết được cái ăn tại chỗ, tình trạng thiếu ăn triền miên không còn. Ma Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: “Bây giờ Phước Tân không có người thiếu đói, có đập lúa nước, bà con được hướng dẫn trồng, chăm sóc các loại cây như bắp lai, trồng mía, nuôi bò lai rồi. Tin chắc bà con chúng tôi sẽ vươn lên...”.  Già làng Ma Tứ vui vẻ nói: “Khi mới giải phóng, bà con mình chỉ có chiếc gùi và cái rựa trên vai. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ bà con mới có được ngày hôm nay...”.                          

Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, tại 20 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Yên được đầu tư 54 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó ưu tiên phát triển cây lúa nước, phát triển đàn bò. Đồng bào các dân tộc thiểu số  được giúp đỡ xóa 2.819 nhà ở tạm bợ, định canh định cư cho 1.998 hộ, cấp 80 ha đất ở cho 137 hộ nghèo và 265 ha đất sản xuất cho 761 hộ; xây dựng 204 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ 3.810 hộ, với kinh phí gần 16 tỷ đồng. Mỗi năm các xã miền núi có hơn 4.300 lượt người nghèo được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác nuôi trồng, cách chọn giống, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi. 

Cùng với tất cả số xã có trường tiểu học, vùng miền núi Phú Yên còn có ba trường dân tộc nội trú và ba trường bán trú dân nuôi cụm xã. Qua đó thu hút 11.489 em là người dân tộc thiểu số đến trường, chiếm 29,5% số học sinh trong vùng. Trong 5 năm gần đây, tỉnh Phú Yên thực hiện chính sách không thu tiền sách giáo khoa, vở học sinh và các loại báo, tạp chí cho vùng miền núi, với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Tất cả ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hiện có 346 sinh viên là người dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng.

Miền Tây Phú Yên đang từng bước chuyển động. Cuộc sống mới bừng lên trong những buôn làng xa xôi. Cái chữ về vùng sâu và mang đến nguồn sáng cho cuộc đời, cho mọi người.

TRÌNH VĂN KẾ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét