Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Ông Chăm Mùng và con thuồng luồng

Làng Vân Hòa thộc xã Sơn Long, nằm ở phía Bắc thị trấn Củng Sơn huyện Sơn Hòa, cách 15 cây số đường chim bay. Còn từ thành phố Tuy Hòa, đi theo ngả Hòa Đa lên Vân Hòa khoảng hơn 30 km. Do  nằm ở độ cao hơn trăm mét so với mặt nước biển, nên Vân Hòa có khí hậu quanh năm mát mẻ. Ngay cả mùa hè nóng bức, ngủ ở Vân Hòa vào ban đêm vẫn phải đắp mền. Đây là điểm duy nhất của Phú Yên có khí hậu tựa như Đà Lạt, Bà Nà... Trước đây khi những cánh rừng nguyên sinh còn đứng ken dày thì Vân Hòa có những loại hoa lan hiếm, như Hồ Điệp, Tai Tượng, Kim Điệp… Đặc sản nổi tiếng của Vân Hòa là mít và thơm. Mít Vân Hòa ngọt, dòn, vàng ươm màu mật ong; thơm Vân Hòa ít mắt, ngọt. Cả hai loại trái cây này thường được muối mắm (mắm thơm, mắm mít) để dành ăn trong mùa mưa bão:

Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít thơm gửi xuống, cá chuồn đưa lên 

070511-ong-cham.jpg
Phong cảnh Sơn Hoà - Ảnh: TRẦN QUỲ

Vân Hòa còn có một loại trái cây rừng là trái đỏ. Đến mùa trái chín đỏ, ken dày thành từng chùm từ gốc lên đến tận nách thân, trông rất đẹp mắt. Trong tương lai gần, nếu có được những ý tưởng đầu tư thành khu nghỉ mát tại đây, hẳn sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Ở làng Vân Hòa có câu chuyện kể còn được lưu truyền tới tận ngày nay: 

Thuở xa xưa, người dân sống tại cao nguyên Vân Hòa không mấy đông đúc như ngày nay. Họ thường làm lúa rẫy, trồng hoa màu và săn bắt thú rừng. Cuộc sống đang rất bình yên thì một ngày kia có một con thuồng luồng bỗng nhiên xuất hiện, chiếm cứ khu rừng Tống Đạt làm giang sơn riêng, khiến muông thú, chim rừng táo tác lẩn tránh đi nơi khác, dân làng không còn ai dám bén mảng đến khu rừng này để bẫy thú như trước kia.

Con quái vật này to lớn khác thường, dài đến hơn trăm bước chân, thân hình to bằng gốc bằng lăng bốn người giang tay ôm không hết, mình đầy gai và vẩy lấp lánh lân tinh, mõm ngoác rộng đỏ lòm và xông mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi khi thở, một loại khí độc tựa khói đen phun ra từ hai lỗ mũi nhô lên như hai lỗ cống rất tanh tưởi. Đặc biệt tiếng kêu của nó mỗi khi phát ra với những âm thanh ồ ồ làm cong cả những đọt cây, ngã rạp những đám bắp đang trỗ cờ…

Nơi trú ngụ của con thuồng luồng hung dữ này là một chiếc hang rộng, sâu hoắm, không một ai trong làng dám đến gần

Nhưng con thuồng luồng này không nằm yên trong hang khu rừng đã chiếm cứ, mà hàng đêm ngang nhiên bò vào tận làng. Ban đầu là bắt gà vịt, rồi heo dê, đến trâu bò và bắt cả người lớn trẻ con ăn thịt. Trong số gia súc của dân làng Vân Hòa có một con trâu trắng to lớn gấp hai lần trâu thường, còn sức mạnh của nó thì cả đàn xúm lại cũng không thể nào địch lại nổi, nó từng giết nhiều cọp dữ để bảo vệ đàn. Vậy mà một đêm kia, con thuồng luồng mò vào tấn công bằng cái đập mạnh chiếc đuôi vào thân mình con trâu. Chỉ trong chớp mắt con vật đáng thương kia ngã lăn ra. Con thuồng luồng lập tức cuộn lại và nuốt chửng.

Cũng may, con ác xà này chỉ có sức mạnh khi trườn bò dưới đất, chứ không thể leo trèo như trăn rắn được, nên dân làng đối phó bằng cách lánh ra khỏi nhà, leo lên những ngọn cây to cao để lẩn tránh.

Một ngày kia có người mách rằng, trên buôn làng xa hai lần mặt trời mọc và lặn có một người đàn ông có phép trừ được con vật hung ác kia. Đó là ông Chăm Mùng. Dân làng bèn cử người khăn gói ra đi, thỉnh mời ông đến cứu giúp. Sau khi nghe câu chuyện, ông nhận lời và lập tức lên đường với người con trai, mang theo cung tên.

Đến làng, cha con ông Chăm Mùng ra ngay cửa hang thuồng luồng ngồi đợi, nhưng ngày này qua ngày khác, bóng dáng con thuồng luồng vẫn biệt tăm, chỉ có mùi hôi thối xông ra phía cửa hang. Để đề phòng con vật bất ngờ tấn công, cha con ông cùng dân làng cất một chòi cao bằng những cột gỗ ké thật chắc, vừa sinh hoạt vừa canh chừng, còn dân làng thì tiếp tế lương thực nước uống bằng cách gõ mõ từ xa để cha con ông biết mà mang lên chòi. Một tháng hai tháng rồi ba tháng… trôi qua, con thuồng luông vẫn biệt dạng, khiến ông Chăm Mùng thất vọng gói ghém hành lý trở về buôn cũ.

Khi ông vừa bước xuống khỏi bậc thang cuối cùng, đặt chân lên mặt đất bỗng nhiên mùi hôi thối xông lên nồng nặc, con thuồng luồng lao ra như mũi tên, nhằm thẳng chỗ ông đứng phóng tới. Ông Chăm Mùng chỉ xoay thân mình, lạng qua một bên rồi giương cung nhắm vào một bên mắt thuồng luồng bắn liền mấy phát. Mũi tên găm vào một bên mắt thuồng luồng khiến nó đau đớn và hung tợn hơn, quật đuôi làm lung lay chiếc chòi đứa con trai ông còn đang đứng trên đó. Bắn hết tên trong ống cũng chỉ trúng thêm mắt thứ hai, làm nó bị mù, quẫy mạnh cả thân hình làm thành một một vệt dài sâu tựa lòng con suối lớn (sau này dân làng Vân Hòa gọi là suối ông Năm (ông Chăm?) và khi thành lập nông trường cà phê Vân Hòa chiếc hố này được vét sâu và rộng đến mấy mẫu tây làm hồ chứa nước tưới cho cây cà phê). Mặc dù bị mù nhưng con quái vật vẫn chưa ngã quỵ, mới hay đó là loại tên bình thường để săn bắn thú rừng. Ông gọi đứa con ném ống tên thứ hai xuống. Và chỉ với lần lảy nỏ đầu tiên, mũi tên bay vút đi, trúng ngay vào đầu con vật. Trong nháy mắt thuốc độc ngấm vào cơ thể làm nó nằm gục chết ngay tại chỗ.

Sau khi trừ khử được con ác thú, cha con ông Chăm Mùng cáo từ dân làng trở về buôn cũ, mặc cho tất cả mọi người nài nỉ cha con ông hãy ở lại sống với dân làng.

Nhớ ơn cứu tử, hàng năm dân làng đều mang lễ vật đến tận nơi ở xa xôi của cha con ông. Về sau khi ông chết (già), mỗi khi cúng thổ trạch, gia tiên, ngày lễ tết… mọi người dân làng Vân Hòa đều sắm một mâm riêng để dâng cúng vong linh ông gọi là mâm cơm cúng “phụ tử Chăm Mùng”. Tục lệ này kéo dài mãi đến những ngày gần đây mới bỏ hẳn. 

Dị bản:

 Ở chương III, phần nói về cổ tích, ông Nguyễn Đình Tư có viết về Hang Thuồng Luồng ở làng Vân Hoà, dựa theo lời kể dân gian. Xin được ghi lại để đối chiếu:
           “Theo tục truyền thì ngày xưa, trong hang này có một con thuồng luồng lớn lắm. Thỉnh thoảng nó lên khỏi hang, bò vào các xóm tìm bắt người hay gia súc, gây sự khủng khiếp cho dân chúng địa phương. Để tránh tai hoạ bất ngờ, người ta dựng chòi mà ở.

Bấy giờ ở một làng Thượng cách đó khá xa, có một người tên là Chăm Mùng, goá vợ, chỉ có một đứa con trai. Ông ta bắn ná rất giỏi. Dân chúng Vân Hoà bèn đến thỉnh cầu ông ta đến trừ giúp con quái vật. Họ bằng lòng trích ruộng đất để cha con ông sinh sống. Ông Chăm Mùng nhận lời. Hai cha con đến Vân Hoà làm một cái chòi ở gần hang, đêm ngày chầu chực, hễ thuồng luồng chui ra là bắn tên độc hạ sát ngay. Song quái lạ, từ khi có ông ở đó, thuồng luồng không còn ra nữa.

Một thời gian khá lâu, dân chúng được yên ổn làm ăn. Ông Chăm Mùng cũng bắt đầu rời cái chòi vào khu rừng gần đó săn hưu nai, chim chồn làm vui. Bỗng nhiên một hôm, ông Chăm Mùng đi săn vắng, ở nhà đứa con nhóm lửa nấu cơm phía dưới đất. Khi nồi cơm đang sôi thì con thuồng luồng xuất hiện, há hốc miệng toan cắn. Con ông Chăm Mùng hoảng hốt, không kịp trèo lên chòi, bèn bưng cả nồi cơm đang sôi liệng vào miệng thuồng luồng, đồng thời kêu cứu inh ỏi lên. Nghe tiếng kêu thất thanh, ông Chăm Mùng vội chạy về, bồi cho con vật mấy mũi tên độc, kết liễu đời nó.

Từ đó dân chúng Vân Hoà thoát khỏi cái nạn thuồng luồng, hết lòng cảm tạ cha con ông Chăm Mùng và tiếp đãi như thượng khách. Ít lâu sau, đứa con bị bệnh chết, ông Chăm Mùng sinh buồn tìm về quê cũ rồi chết già. Dân chúng Vân Hoà nhớ ơn, hàng năm vào những ngày tiết lễ, hoặc khi trong gia đình có giỗ, đều sửa soạn lễ vật riêng cúng cha con ông Chăm Mùng. Tục ấy nagỳ nay vẫn còn.

Sau khi con thuồng luồng chết, người ta thấy ở Vân Hoà xuất hiện một loại giun khổng lồ (dài đến 1 thước 20, ngắn lắm cũng 70 phân, lớn bằng ngón tay cái). Người ta cho rằng, đó là do những chất nhớt nhơ của con thuồng luồng sinh ra”. [45, tr.113].

(Theo lời kể trong dân gian, tham khảo thêm bài”Phụ Tử Chăm Mùng” của Trần Sĩ Huệ trong “Văn nghệ Nghệ Phú Yên”  số 72).

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét