Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Ông Ruộng và đồng Bầu Sấu


Cánh đồng Bầu Sấu trước đây nằm lọt thỏm trong tổng Hòa Tường, nay một phần thuộc Tp. Tuy Hòa và huyện Phú Hòa thuộc khu vực xã Hòa An hiện nay. Khoảng 400 năm trước đây là vùng sình lầy, lau sậy, cây cối mọc um tùm; từ sông Đà Rằng có nhiều luồng lạch nhỏ ăn thông vào các vùng đất trũng, là nơi cư trú của các loài chim thú như cọp, beo, cá sấu, rùa rắn…

070430-QUY.DONG-BAU-SAU.jpg
Phong cảnh đồng Bầu Sấu ở Phú Hoà - Ảnh: TRẦN  QUỲ  

Theo lời kể của các bậc lão niên, trong số những người theo ông Lương Văn Chánh vào khai hoang lập ấp có một người tên Ruộng, cao lớn khác thường, da đen trùi trũi, sức mạnh hơn người. Lại có giọng nói vang to như chuông đồng. Tiếng hú của ông đứng xa chục dặm đều nghe rõ như đang ở gần bên (có lẽ vì vậy mà dân địa phương gọi trại Ruộng thành Rộng?). Mỗi lần cất tiếng, đến các loại thú dữ cũng phải cong đuôi chạy xa (!?).

Khi đặt chân đến vùng đất trũng thấp này để khai hoang, mọi người chỉ dám ở ngoài rìa rừng lá, riêng ông đi sâu vào trong, chọn vùng đất tương đối bằng phẳng, dẫn theo vài chục tráng đinh khai phá lùm bụi, trồng tỉa hoa màu. Toán của ông chẳng mấy chốc đã khẩn hoang hàng chục mẫu. Khẩn hoang tới đâu ông cho trồng tỉa ngay đến đó. Khi lấn sâu vào bên trong, ông gặp một bầu nước rộng mênh mông. Ở đó toàn cá sấu, con nào con nấy to bằng chiếc thuyền câu, chúng thường lao lên tấn công mọi người và phá hại cây trồng. Trong số đó có con sấu đầu đàn, hai mắt đỏ màu máu, hung dữ hơn cả, thường gọi là sấu lửa.

Một bữa nọ, ông Ruộng đi ngang mặt bầu, sấu lửa lao lên tấn công. Quần thảo với nhau từ sáng sớm đến xẩm tối, ông tóm được mõm con vật, dùng hai tay căng miệng sấu, hò hét mọi người dùng cọc gỗ chống miệng sấu và lôi đi. Cả toán lôi con sấu từ bầu ra sông kéo theo cả đàn sấu trong bầu cùng lao theo con sấu chúa. Từ đó đàn sấu không còn quấy nhiễu nữa, nhưng đặc biệt, khi đàn sấu di chuyển, chúng tạo ra vết lõm sâu dưới đất thành mương nước, để sau này ông Ruộng lợi dụng đưa nước từ sông vào cánh đồng mỗi khi nắng hạn.

Nhân vật này không rõ thực hư thế nào, nhưng dân trong vùng vẫn coi ông như người có công “khai sơn phá thạch” cho vùng đất tươi tốt này, lập nên làng ấp, dân cứ đông đúc, đồng ruộng tươi tốt, phì nhiêu như hiện nay.

Trước đây, tổng Hòa Tường có lập ngôi miếu thờ ông (!?). Hỏi địa điểm nhưng không ai rõ chỗ nào, chỉ nhớ vào độ ấy, hàng năm vào dịp cúng xuân-thu đều van vái tên ông, cầu mong ông phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt. Sau thì bỏ hẳn.

(Theo gia phả họ Đoàn và lời kể của các ông Đoàn Tợ , Đoàn Trở xã Hoà An).

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét