Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Plei Kần - dấu lặng trên cao nguyên

TT - Mỗi khi có dịp ngồi bên nhau và nhớ về chuyến đi Tây nguyên đầy phiêu linh ấy, các bạn tôi thường giơ tay lên và bảo: “Ngón tay mình vẫn thơm mùi cà phê cao nguyên”...
Đường từ ngã ba Đông Dương về cửa khẩu Bờ Y - Ảnh: DUDI
Từ Hà Nội, Tây nguyên luôn là một giấc mơ xa vời, xa hơn cả những địa danh heo hút như Mù Căng Chải hay Đồng Văn, Mèo Vạc... ở miền rừng núi phía Bắc. Nhưng với một chút phiêu du tuổi trẻ, chúng tôi đã “gồng gánh” nhau lên đường. Sáu chiếc xe máy được gửi vào Đà Nẵng trước khi cả nhóm lên xe khách một ngày.
Plei Kần là nơi giao nhau của nhiều con lộ huyết mạch, gồm đường 14B căng ngang suốt từ Bắc vào Nam, tiếp tục đi về phía nam qua Đăk Tô, Tân Cảnh, Kon Tum.
Từ cửa rừng quốc gia Chư Mom Ray - nơi khởi nguồn quốc lộ 14C huyền thoại, con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn.
Plei Kần cũng là nơi bắt đầu quốc lộ 40, con đường xuyên Đông Dương qua cửa khẩu Bờ Y sang Lào, Campuchia và Myanmar.
Thức dậy sau một đêm, Đà Nẵng đón chúng tôi với không khí trong lành của nắng, gió và biển xanh.
Đường từ Hòa Vang đi Thạnh Mỹ - Nam Giang thênh thang bát ngát, đẹp và không ngoắt ngoéo như đường đèo Tây Bắc. Chẳng mấy chốc các chiến mã đã bon bon trên đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Dòng sông Cái âm thầm, lặng lẽ chạy bên trái đường, lúc ẩn mình dưới khe núi rậm rạp cỏ cây, lúc lồ lộ vẻ dữ dằn và cộc cằn bởi lô nhô đá cuội. Thỉnh thoảng gặp những ngọn thác tuôn chảy ào ạt tự nhiên bên đường, các bạn lại tranh thủ dừng chân chụp ảnh.
Sau bữa trưa ở Khâm Đức, trời lất phất mưa, rất may không phải là cơn mưa Tây nguyên ào ạt năm nào, hăm hở, rào rạt và bất ngờ tới mức khi chúng tôi mặc xong quần áo đi mưa thì trời... tạnh. Đường 14B xuyên Tây nguyên thẳng căng như kẻ chỉ, vắng vẻ, hãn hữu mới gặp vài chiếc xe tải ì ì leo dốc ngược chiều.
Qua đèo Lò Xo thì trời hửng nắng, nắng vàng rực trên những vạt rừng, lưng dãy núi Ngọc Linh, óng ả như mật khi chúng tôi chạy ngang Đăk Glei. Từ đây tới Plei Kần chỉ còn chưa đến 50km đường.
Plei Kần, thị trấn huyện Ngọc Hồi nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum, trên sườn đông dãy Trường Sơn, nổi tiếng với ngã ba Đông Dương, biên giới VN - Lào - Campuchia.
Không phải vô cớ mà dân phượt thường chọn Plei Kần là chốn dừng chân đầu tiên cho hành trình chinh phục Tây nguyên. Đơn giản, ai cũng muốn có cơ hội được in dấu chân lên một trong những điểm đến đặc biệt của Tổ quốc mình, một cách tự hào và hân hoan.
Ở Sài Gòn ngược ra, Bảo Thạnh đã đợi nhập đoàn với chúng tôi từ chiều. Thạnh lập tức nhận ra đoàn xe máy đồ đạc lỉnh kỉnh lao vun vút từ ngoài cửa ngõ Plei Kần, bỏ lại sau lưng những rừng cao su thẳng tắp miết mải. Lần đầu gặp nhau tay bắt mặt mừng.
Trong ráng chiều hối hả và những cuộn khói lam trên những mái nhà, chúng tôi nhằm hướng cửa khẩu Bờ Y mà chạy. 20km đường như chạy đua với mặt trời, những mảng màu nhá nhem khi xe dừng trước cửa khẩu Bờ Y, những tấm hình chụp vội vàng không nét vì thiếu sáng.
Nào có hề gì khi những kẻ phiêu linh đã vượt cả trăm kilômet đường chỉ để tin rằng mình đã tới và đã thấy, đã thật sự hít thở thứ không khí khoáng đạt của miền cao nguyên đất đỏ.
Trên cột mốc Đông Dương - Ảnh: DUDI
Đêm Plei Kần. Thị trấn trầm tư như một dấu lặng trên cao nguyên, những cánh rừng cao su bạt ngàn bao quanh rầm rì như hàng ngàn câu chuyện kể. Câu chuyện của quá khứ, của chiến tranh, của những người lính đã nằm xuống để gìn giữ mảnh đất này. Câu chuyện của những người dân đi làm kinh tế mới, những người đang làm cao nguyên hồi sinh với những cánh rừng phòng hộ, cao su, tiêu, cà phê...
Chúng tôi thả bộ dọc theo con lộ thẳng băng căng ngang lòng thị trấn, dưới ánh đèn vàng heo hút và trong tiếng gió miên man đang trườn qua những tàng cây, những mái nhà. Ấn tượng một đêm cao nguyên diệu vợi và phiêu bồng.
Buổi sớm trên cao nguyên “trời xanh mây trắng nắng tràn”. Tiếng những người dân xuống chợ xôn xao đánh thức ngày mới. Mặt trời đã lên, nắng tràn ngập những cánh rừng cao su quanh thị trấn, những vạt rừng đỏ đất lẫn giữa màu xanh điệp trùng, xa xa là dãy Trường Sơn trên đường biên giới phía tây.
Tất cả tản mát vào chợ tự ăn sáng, theo cách của người địa phương, bánh rán, bánh chưng, bánh chiên phồng hay phở, mì khô, tranh thủ tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người dân. Thân thiện và giản dị, gần gũi và hồn nhiên, mộc mạc và không khách sáo. Chỉ một đám khách trẻ mà cả chợ thị trấn xôn xao, tiếng cười nói ồn ào khắp chốn.
Chúng tôi xách xe chạy vài vòng quanh thị trấn, qua những con dốc ngắn quanh co, “đi dăm phút lại về chốn cũ”, để tìm quán cà phê ngon nổi tiếng đất Plei Kần. Dường như những gì tinh túy nhất của cao nguyên được thu cả vào ly cà phê đậm đà và sóng sánh ấy.
Ai cũng ngẩn lòng xao xuyến và một câu nói thốt lên: Đây là ly cà phê ngon nhất mà tớ có cơ hội thưởng thức trong đời! Một ly cà phê thật sự của Tây nguyên...
BĂNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét