Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Pù Luông làm du lịch cộng đồng

TTCT - Hai ngày tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cùng với Câu lạc bộ du lịch Trách Nhiệm cho tôi những thời khắc trải lòng cùng thiên nhiên đẹp như tranh vẽ nơi đây và những hi vọng về một mô hình du lịch bền vững.
Pù Luông đẹp như tranh vẽ - Ảnh: Hoàng Tùng
Guồng tưới nước hoạt động ngày đêm - Ảnh: Hoàng Tùng

Từ Hà Nội theo quốc lộ 6 qua thành phố Hòa Bình, chúng tôi rẽ vào ngã ba Tòng Đậu và chạy thẳng hướng Mai Châu, Co Lương dọc theo đường 15C đến Pù Luông. Pù Luông - thuộc địa phận hai huyện Cầm Thước và Quan Hóa (Thanh Hóa) - còn khá lạ lẫm với du khách nói chung nhưng đang dần trở nên quen thuộc với những bạn trẻ thích đi “phượt” và dân du lịch mạo hiểm, khám phá.
Phần thưởng sau những  gian nan
Chỉ riêng đoạn đường 15C xuyên rừng đầy những cú xóc nảy đến ê ẩm đã là thách thức đối với bất cứ tay lái nào, xe bốn bánh cũng như hai bánh. Dốc ngoằn ngoèo rồi dốc thẳng đứng. Đến độ người dân ở đây khi đi xe máy xuống dốc thường buộc một cành cây phía sau xe để hãm đà. Anh lái xe bảo: “Đường này mà vào mùa mưa thì chịu, không thể nào đi nổi”. Nên cứ mỗi độ mưa lớn tràn về Pù Luông lại bị cách ly với bên ngoài.
Đổi lại những mệt nhọc trên đường là cảnh quan thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ. Trong màu nắng cuối xuân, những ngôi nhà sàn thoắt ẩn thoắt hiện sau hàng cau cao vút dọc những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, và dãy núi đá vôi vòng đôi cánh tay cường tráng ôm chặt lấy rừng già khiến mọi người trong đoàn đều buột miệng trầm trồ. Các thành viên CLB du lịch Trách Nhiệm đều có thâm niên trong ngành du lịch và từng đến với nhiều vùng đất nhưng ai cũng ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên thuần khiết của Pù Luông.
Con đường vào bản Hon đang được xây dựng. Chúng tôi nghỉ ăn trưa tại nhà bác Truyền, trưởng bản - một trong những ngôi nhà thí điểm đủ tiêu chuẩn của Tổ chức Động thực vật quốc tế FFI (Fauna Flora International Organization) thành nhà nghỉ tại cộng đồng (homestay) cho khách du lịch.
Anh Bùi Hoàng Hà, cán bộ FFI và cũng là người dẫn đường của chúng tôi, cho biết: “FFI kết hợp cùng địa phương chọn một số gia đình nhằm trang bị những cơ sở vật chất tối thiểu như nhà vệ sinh, chăn, nệm để đạt chuẩn trở thành homestay. Ngoài ra FFI cũng đào tạo cư dân trong cộng đồng biết cách thức nấu ăn đạt chuẩn phục vụ du khách và tiến tới dạy tiếng Anh cho một số người để có thể làm hướng dẫn viên phục vụ du khách”.
Sau đó chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ (trekking) từ bản Hon đến bản Hin theo một vòng cung dọc dãy Pù Luông, xuyên qua rừng với những con dốc gập ghềnh. Quen sống trong bốn bức tường bức bối nên những thời khắc ở giữa núi rừng hoang dã, trong không khí trong lành đến tuyệt đối khiến người ta như trẻ lại. Thỉnh thoảng chúng tôi đi ngang qua một bản làng của người Thái. Dưới những nếp nhà sàn ươm khói, các em nhỏ với ánh mắt lạ lẫm nhìn ngắm chúng tôi. Những bủa vây của đời sống thường nhật nơi phố thị đã thật xa...
Đến bản Hin, chúng tôi nghỉ qua đêm ở nhà bác Đanh - một trong những gia đình nằm trong dự án phát triển du lịch cộng đồng của FFI. Bữa ăn giản dị với bát cơm gạo mới còn vương mùi rơm rạ khiến tôi nhớ về cả một thời thơ ấu của mình.
Bác Đanh tâm sự: “Nghề nông vẫn là nghề chính. Với mức thu phí lưu trú 40.000 đồng/khách/ngày cùng tiền nấu ăn, tiền bán đồ uống, những gia đình ở bản cũng có thêm nguồn thu nhập”. Anh Hà nói thêm: “Nếu có thời gian, du khách đến Pù Luông có thể đến thăm bản Son, bản Bá, bản Mười, kết hợp thăm vườn quốc gia Cúc Phương hoặc thăm suối cá thần Cẩm Thủy”.
Ráng chiều vàng óng đổ xuống ruộng đồng xanh ngắt chạy dọc con đường đất đỏ và núi đá vôi xám trầm tạo thành một bức tranh phong cảnh đẹp đến mê hoặc. Đêm đến thật yên bình. Những con suối lớn với những chiếc guồng tre dẫn nước vào ruộng kẽo kịt ngày đêm làm thành một điệu nhạc êm đềm. Rồi tiếng củi liu riu cháy giữa nhà sàn, tiếng côn trùng rả rích xa xa khiến thời gian như ngừng lại. Có người cho rằng đi trekking hành xác là “thú vui điên rồ” nhưng rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến VN lại thích loại hình du lịch “điên rồ” này. Tôi đã phần nào cảm thấy sự thích thú có phần lạ lùng đó khi “nhấm nháp” sự nghỉ ngơi thanh thản trong đêm Pù Luông, lắng nghe những khớp xương và cơ chân mình giãn ra sau một ngày băng rừng.
Rồi tiếng gà gáy gọi ban mai rải lên những đám mây trắng bảng lảng vắt quanh sườn núi. Sương đọng trên những đọt lúa non chấp chới những giọt nắng bình minh. Có tiếng mõ trâu xa xa thanh bình: Gốc cây hòn đá cũ càng/Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay (thơ Nguyễn Duy).
Nhà sàn của bác Đanh ở bản Hin - Ảnh: Hoàng Tùng

Làm du lịch cùng cộng đồng
Những cung đường trekking ở Sa Pa đã được trải bêtông. Không ít người dân Sa Pa đã trở nên lọc lõi khi tiếp xúc với du khách. Đó cũng là lúc nhiều du khách không còn thích thú những tuyến đi xuyên bản ở Sa Pa nữa bởi họ không còn được cảm xúc khi len lỏi giữa những con đường đất đá, hai bên cây cối rì rào và tiếp xúc với những người dân thuần phác. Những con đường quanh Pù Luông đang rộng mở cho khách du lịch tìm đến. Không biết sự cân bằng giữa thiên nhiên và sự phát triển của con người có được duy trì hay không? Liệu những cánh rừng nguyên sinh, những cây gỗ trăm năm tuổi sẽ vẫn đứng vững trước sự phát triển cần thiết ấy?
Thật ra, nếu được tiến hành bài bản và kiên trì, du lịch cộng đồng và du lịch bền vững là một công cụ marketing tuyệt hảo để quảng bá cho một vùng đất như một điểm đến. Để du lịch cộng đồng thật sự bền vững đòi hỏi người dân địa phương phải tham gia và được hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Anh Nguyễn Văn Lâm, quản lý dự án du lịch cộng đồng tại Pù Luông của FFI, nói: “Dự án này sau khi thành công sẽ được nhân rộng ra cộng đồng. Khi đó người dân sẽ đủ năng lực tự chủ phát triển du lịch tại cộng đồng”.
Hai ngày là quá ngắn nhưng với những gì được chứng kiến ở Pù Luông trong khuôn khổ dự án du lịch cộng đồng đang được tiến hành, tôi tin rằng trong tương lai gần nơi đây sẽ trở thành một mô hình của du lịch bền vững.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích 17.662ha, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 130km về hướng tây bắc, giáp các huyện Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình về phía đông bắc. Pù Luông (tiếng Thái nghĩa là đỉnh núi cao nhất) ở độ cao gần 1.200m, là nơi lưu giữ nhiều thảm động thực vật quý giá.
Cách Pù Luông không xa là thung lũng Mai Châu của Hòa Bình vốn đã là một điểm du lịch rất nổi tiếng. Với những ai thích mạo hiểm, sau một đêm ngủ tại Mai Châu có thể kéo dài chuyến đi của mình sang Pù Luông để có thêm những trải nghiệm mới mẻ về một vùng đất còn hoang sơ.

HOÀNG TÙNG
_____________
(*) Tham khảo thêm về Tổ chức FFI tại địa chỉ: www.fauna-flora.org và CLB du lịch Trách Nhiệm:www.rtcvietnam.org.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét