Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Qua làng Tân Thạnh, nhớ đảnh Xuân Đài


Làng Tân Thạnh nằm bên quốc lộ 1A, cách TP Tuy Hòa khoảng 40km về phía bắc, nay thuộc phường Xuân Đài, TX Sông Cầu. Đây là một làng cổ được hình thành vào loại sớm nhất ở Phú Yên. Địa bạ triều Nguyễn lập dưới thời vua Gia Long vào những năm 1814-1815 đã chép: “Tân Thạnh thôn: Đông giáp núi, Tây giáp địa phận thôn Triều Sơn , Nam giáp xã Xuân Đài, Bắc giáp địa phận thôn An Vĩnh”. Đây cũng là một trong 176 làng cổ ở Phú Yên được lập địa bạ thời bấy giờ. Vì thế, tại làng Tân Thạnh hiện nay còn dấu tích của một hệ thống các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, đền, miếu tương đối phong phú.

tan-thanh100714.jpg
Biển Vũng Lắm - Ảnh: L.BIẾT

Sự hình thành và phát triển của làng Tân Thạnh gắn liền với thương cảng cổ Vũng Lắm mà biểu hiện rõ nhất là về mặt thành phần dân cư. Ở Tân Thạnh ngoài cộng đồng người Việt thì còn có cả cộng đồng người Hoa. Người Hoa đến sinh sống tại làng Tân Thạnh trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Những nhóm người Hoa đến sinh sống ở Tân Thạnh sớm nhất hầu như không còn mối liên hệ nào với quê hương bản quán – đó chính là người Minh Hương. Trong khi đó, cộng đồng người Hoa hiện nay ở Tân Thạnh đến đây vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX do điều kiện làm ăn thuận lợi. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người Hoa chiếm khoảng một nửa dân số ở làng Tân Thạnh, bao gồm các dòng họ Diệp, Dương, Ngô… Trong đó tổ tiên họ Diệp, họ Dương vốn gốc người Hải Nam đến Phú Yên vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Phần lớn người Hoa đến làm ăn, buôn bán ở Tân Thạnh đều trở nên giàu có, nhiều người giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng người Hoa như ông Diệp Năng Xi từng làm Ban trưởng người Hoa ở Phú Yên vào những năm đầu thế kỷ XX. Cho đến giữa thế kỷ XX, do những biến động nhiều mặt về kinh tế, chính trị, xã hội, cộng đồng người Hoa ở Tân Thạnh bắt đầu di chuyển đến những nơi khác để làm ăn, sinh sống, vì thế số lượng người Hoa ở Tân Thạnh bắt đầu giảm dần. Hiện nay, người Hoa ở làng Tân Thạnh chỉ còn lại một số lượng nhỏ.

Làng Tân Thạnh nằm ở một vị trí thuận lợi, đây là đầu mối giao thông cả về đường bộ và đường thủy. Từ làng Tân Thạnh có thể đi đến nhiều địa phương trong phạm vi toàn tỉnh cũng như trên phạm vi cả nước một cách dễ dàng. Về đường thủy, cảng Vũng Lắm nằm ngay phía trước làng Tân Thạnh là đầu mối giao thông quan trọng nhất của vùng đất Phú Yên dưới thời kỳ phong kiến. Từ hải cảng này tàu thuyền đi ra biển qua cửa Xuân Đài để đến các hải cảng khác khắp cả nước. Ngoài ra, tàu thuyền từ Vũng Lắm ra cửa Tiên Châu rồi có thể theo sông Cái đi ngược lên các vùng phía tây của Phú Yên.

Nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi nên sự hình thành và phát triển của làng Tân Thạnh gắn liền với nhiều sự kiện kiện liên quan đến lịch sử của vùng đất Phú Yên cũng như của cả nước.

Cuối thế kỷ XVIII, khu vực làng Tân Thạnh là nơi xảy ra nhiều trận đánh trong cuộc chiến tranh giữa quân nhà Tây Sơn với quân chúa Nguyễn. Vào khoảng tháng 6/1775, tướng Tống Phước Hiệp của chúa Nguyễn Phước Thuần đánh chiếm Phú Yên, quân bộ và quân thủy đều đóng tại khu vực Xuân Đài. Nhưng tháng 8 năm đó, đội quân này bị quân Tây Sơn đánh bại, phải lui vào Hòn Khói (Khánh Hòa). 18 năm sau, tháng 6/1793, Nguyễn Ánh đích thân chỉ huy đại quân đánh chiếm Phú Yên. Đến tháng 4/1794, Phú Yên bị quân Tây Sơn giành lại. Tháng 6/1800, quân của Nguyễn Ánh tiếp tục đánh chiếm  Phú Yên, thủy quân đóng tại Vũng Lắm. Nhưng đến tháng 4/1801, quân Tây Sơn bí mật đột kích Vũng Lắm, tướng của của Nguyễn Ánh là Lưu Tiến Hòa bị tử trận, quân Nguyễn Ánh thua to. Nhưng không lâu sau đó quân của Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn, đồng thời tiêu diệt cả vương triều Tây Sơn để lập ra vương triều Nguyễn.

Đầu thế kỷ XIX, tại Vũng Lắm đã diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Năm 1832, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ do Edmund Robert và George Thompson mang theo thư của Tổng thống Andrew Jackson đến Vũng Lắm. Vua Minh Mạng cử Ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức đến cùng quan tỉnh Phú Yên tiếp đón. Phái đoàn Hoa Kỳ cho biết họ đến đây để xin giao hảo thông thương. Khi dịch quốc thư ra Hán Việt thì có chỗ không hợp thức nên vua Minh Mạng giao quyền Lãnh thương bạc (cơ quan ngoại giao) trả lời không có gì trở ngại trong việc thông thương, nhưng phải tuân theo pháp luật của nước ta và lần sau nếu có đến thì vào vụng Sơn Trà cho tiện.

Vào năm 1885, cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo nổ ra ở Phú Yên, Vũng Lắm được nghĩa quân chọn đặt căn cứ thủy quân. Từ Vũng Lắm, lực lượng nghĩa quân tiến theo đường thủy vào các tỉnh Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Bình Thuận. Vũng Lắm đồng thời cũng là đầu mối tiếp nhận lương thực, vũ khí từ bên ngoài. Lo sợ sự lớn mạnh của nghĩa quân Cần Vương, tháng 6/1887, quân viễn chinh dưới sự chỉ huy của Chevreux, Tirant và Trần Bá Lộc đã đổ bộ vào vịnh Xuân Đài để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Căn cứ của nghĩa quân đóng ở vịnh Xuân Đài do Bùi Giảng chỉ huy nhanh chóng bị thất thủ, hai tuần sau đó cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Các thủ lĩnh chỉ huy của cuộc khởi nghĩa bị bắt và bị hành hình, trong đó có Ngô Kiêm Ký, một Hoa kiều tại Vũng Lắm chuyên cung cấp vũ khí cho quân khởi nghĩa.

Đến cuối thế kỷ XIX, Vũng Lắm lại trở thành một thương cảng nhộn nhịp, thực dân Pháp lập Sở Thương Chánh ngay tại Vũng Lắm để tăng cường hoạt động thương mại thông qua đường thủy. Do vậy, vào năm 1888, thủ phủ của Phú Yên lúc bấy giờ đang đóng tại thành An Thổ đã được chuyển về làng Tân Thạnh. Nhưng chỉ một năm sau đó, bộ máy quan lại phong kiến lại chuyển về thành An Thổ vì lúc này toàn bộ hoạt động của người Pháp đã chuyển ra khu vực trung tâm TX Sông Cầu hiện nay.
Mặc dầu là địa bàn xảy ra nhiều sự kiện lịch sử nhưng những dấu tích về các sự kiện trên không còn nhiều. Chỉ còn lại dấu tích một con đường cổ còn khá rõ. Con đường này bắt đầu từ khu vực làng Triều Sơn, chạy men theo sườn núi phía sau làng Tân Thạnh để lên đỉnh Xuân Đài, sau đó đổ dốc xuống khu vực Đồng Đèo ở xã An Dân thuộc huyện Tuy An. Đây là con đường đá được xây đắp công phu, tương truyền là con đường quân sự được hình thành trong cuộc chiến tranh giữa nhà Tây Sơn với nhà Nguyễn. Sau đó đoạn đường này đã trở thành một phần trong tuyến đường thiên lý Bắc – Nam . Do vị thế địa lý nên đoạn đường đi qua đỉnh núi Xuân Đài có một vị thế hiểm yếu, vì thế ngay tại đỉnh Xuân Đài có một pháo đài cổ có đặt hai khẩu súng thần công để canh giữ đoạn đường này.

Đến nay hai khẩu súng không còn và pháo đài thì cũng đã trở thành phế tích, nhưng hình ảnh về một pháo đài cổ thì vẫn còn lưu truyền trong dân gian: “Ngó ra ngoài đảnh Xuân Đài/ Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông”. Trước đây dốc Xuân Đài là đèo dốc hiểm trở, vượt qua được dốc Xuân Đài được xem như vượt qua được thử thách khó khăn: “Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc/ Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài/ Đèo cao, dốc ngược đường dài/ Anh còn qua đặng huống chi vài lạch sông”. Đến đầu thế kỷ XX, đoạn đường đi qua dốc Xuân Đài không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhiều phương tiện vận tải lớn vì thế người Pháp đã nắn lại đoạn đường này chạy dọc ven biển qua trước làng Tân Thạnh, qua Gành Đỏ, vào dốc Vườn Xoài rồi nhập vào con đường cũ tại khu vực Đồng Đèo. Hiện nay, con đường này còn dấu tích một vài đoạn có chiều rộng khoảng 3-4m, mặt đường lát đá, hai bên đường có các bờ thành đá rộng khoảng 2m và cao khoảng 1,5m.

Hiện nay, làng Tân Thạnh đang chuyển mình đổi mới, những dấu tích về một thời kỳ lịch sử sôi động ở đây không chỉ là nguồn tư liệu để tìm hiểu về làng Tân Thạnh, về thương cảng cổ Vũng Lắm mà còn là những nguồn tư liệu để góp phần tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của vùng đất Phú Yên.
___________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Hiền Ân, Phú Yên miền đất ước vọng, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004
2. Ban công tác người Hoa TX Tuy Hòa, Người Hoa ở Phú Yên, 2003.
3. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - tỉnh Phú Yên, NXB TP Hồ Chí Minh, 1997.
4. Châu Hải, Các cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992
5. Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục, tập XXXI, NXB Khoa học Xã hội,  Hà Nội 1974.
6. Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế 1993.

NGUYỄN DANH HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét