Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

RỪNG NGẬP MẶN

Rừng ngập mặn Cà Mau là một hệ sinh thái độc đáo và đa dạng, đứng hàng thứ hai thế giới, sau rừng Amazôn của Nam Mỹ. Rừng là một thảm thực vật bao gồm nhiều loại cây: Đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, nhiều loại dương xỉ và dây leo… trong đó đước là loài cây chiếm đại đa số và có giá trị kinh tế cao nên còn được gọi là rừng đước.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Trí – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia con người và sinh quyển Việt Nam (MAB) – Phó Chủ tịch MAB Quốc tế, cùng với phái đoàn Ủy ban UNESCO Việt Nam khảo sát Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau để làm tham mưu cho UBND tỉnh lập hồ sơ khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
 
    Diện tích rừng ngập mặn Cà Mau luôn có sự biến đổi theo thời gian và ngày càng thu hẹp dần do chiến tranh, do thiên tai và do áp lực dân số. Theo các tài liệu cũ ghi chép lại thì năm 1945, rừng đước Cà Mau có diện tích 200.000ha, trong đó có 144.500ha rừng giàu được các kỹ sư thủy lâm người Pháp lúc đó quy hoạch thành các khu rừng kinh doanh vĩnh viễn và hơn 50.000ha rừng không xếp hạng.
    Trong chiến tranh chống Mỹ, rừng Cà Mau nói chung và rừng ngập mặn nói riêng bị tàn phá nặng nề. Chỉ tính trong khoảng 10 năm, từ 1961 - 1971, Mỹ đã sử dụng 44 triệu lít chất độc màu da cam, 20 triệu lít chất độc màu trắng và 8 triệu lít chất độc màu xanh lơ ở khắp miền Nam Việt Nam, thì đã có tổng số 1/5 số ấy được rải xuống rừng ở Cà Mau. Nên sau ngày đất nước được giải phóng, theo số liệu thống kê vào tháng 4-1983 rừng ngập mặn diện tích chỉ còn 129.530ha và theo số liệu mới nhất được thống kê vào năm 2006 thì tổng diện tích có rừng chỉ còn 59.537ha, trong đó riêng huyện Ngọc Hiển là 34.166ha, diện tích còn lại được phân bổ ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân và Trần Văn Thời.
Rừng phòng hộ
Bãi bồi Mũi Cà Mau 
    Và cũng theo số liệu thống kê mới nhất vào năm 2006 của Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau thì hiện rừng ngập mặn Cà Mau có 22 loài cây, 13 loài thú, 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 14 loài tôm, 175 loài cá, 133 loài động thực vật phiêu sinh.
    Rừng ngập mặn Cà Mau còn có một mảng rừng phòng hộ ven biển kéo dài từ đông sang tây (từ Bạc Liêu xuống tới Mũi Cà Mau và đi dọc sang biển Tây tới cửa biển Khánh Hội huyện U Minh) dài 307km, trong đó riêng tỉnh Cà Mau là 254km giúp ngăn chặn sự xâm thực của biển, chống xoáy lở, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái… Ngoài ra còn có một bãi bồi rộng lớn ở phía tây Mũi Cà Mau với tổng diện tích 6.456ha, mỗi năm lấn thêm ra biển hàng trăm mét làm cho đất nước ta thêm dài, thêm rộng; đồng thời, đây cũng là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài thủy sinh - là nguồn cung cấp con giống thiên nhiên vô tận cho ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau.
Rừng mắm
Rừng đước 
    “Vùng Đất Mũi Cà Mau có các hệ sinh thái hết sức đa dạng và phong phú, đặc biệt là rừng ngập mặn và rừng tràm. Các hệ sinh thái này cung cấp nguồn con giống thủy hải sản tự nhiên cho cả một vùng rộng lớn phía tây nam của Tổ quốc và Vịnh Thái Lan. Việc đề cử Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau không chỉ tôn vinh giá trị đa dạng sinh học mà cả truyền thống lịch sử và văn hóa nơi tuyến đầu Tổ quốc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch sinh thái của địa phương, quốc gia và quốc tế. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển của Việt Nam ủng hộ kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau về việc xây dựng hồ sơ để xin công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới”.
(Trích thư phúc đáp của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi UBND tỉnh Cà Mau ngày 28-2-2007).
THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét