Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Rừng ngập nước tỉnh Cà Mau - : Các loài cá

Rừng ngập mặn Cà Mau có 174 loài cá, trong đó có nhiều loài là đặc sản và có giá trị kinh tế cao. Đây là nguồn tài nguyên vô tận chẳng những nuôi sống con người miền cực nam Tổ quốc mà còn là nguồn hàng xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước.
    Tại buổi hội thảo khoa học về xây dựng khu dự trữ sinh quyển quốc tế Mũi Cà Mau diễn ra ngày 30-11-2007 tại tỉnh Cà Mau có nhiều ý kiến đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc về rừng ngập mặn Cà Mau, trong đó đáng chú ý nhất là tham luận của tiến sĩ Nguyễn Văn Bé, trường đại học Cần Thơ. Ông cho rằng rừng ngập mặn Cà Mau - đặc biệt là khu bãi bồi Mũi Cà Mau là bãi đẻ của các loài thủy sản, riêng về trữ lượng cá trung bình cả năm ở vùng bãi bồi phía Tây khoảng 212 tấn và trữ lượng cá giống các loại khoảng 639 triệu cá thể. Thật khó có ai có thể kể đầy đủ tên của các loài cá ở rừng ngập mặn vì chúng quá phong phú về giống loài. Tuy nhiên, có một số loài rất quen thuộc với người dân miền Đất Mũi vì nó là nguồn thực phẩm rất ngon và bổ dưỡng trong bữa ăn hằng ngày như: cá mú, cá chẻm, cá đối, cá bống, cá nâu, cá kèo, cá dứa, cá thòi lòi, cá ngát, cá mao… 


Thu hoạch cá chẻm nuôi.

Cá nâu giống nhân tạo. 
    Trong các loài cá vừa kể thì mỗi loài đều gắn với một món ăn trứ danh như: cá chẻm nấu khoai môn, cá nâu kho trái giác, cá kèo kho tộ, làm khô; cá mao luộc cơm mẻ; cá ngát, cá dứa thì chưng tương hoặc nấu canh chua. Ngoài món ăn thường ngày thì cá mú, cá chẻm còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Và đặc biệt, cá dứa là một món ăn đặc sản nổi tiếng nhất mà bất cứ du khách nào đến vùng đất này đều muốn nếm thử cho biết. Theo một số tài liệu thì con cá dứa ở Cà Mau và con cá bông lau ở các tỉnh ven sông Hậu, sông Tiền là cùng loài, cùng họ, chỉ khác nhau ở môi trường sống mà thôi. Cá bông lau sống ở nước ngọt, còn cá dứa sống ở nước mặn và cả hai đều là món ăn đặc sản nổi tiếng của hai vùng.
    Con cá dứa thuộc loài da trơn, sống ở biển nhưng vào khoảng tháng 8  đến tháng 10 âm lịch hằng năm chúng tập trung vào các kinh rạch ở rừng ngập mặn để ăn trái mắm chín rụng đầy sông, sau khi ăn no, chúng nổi phình bụng lên mặt nước, đó là lúc người dân ở miệt rừng dùng xuồng bơi theo dòng nước đến những chỗ có rừng mắm để đâm cá bằng chĩa. Đó là xưa kia, còn ngày nay cá dứa trong tự nhiên không còn nhiều, không còn cảnh người dân dùng chĩa đâm mỗi khi đến mùa trái mắm chín rụng xuống sông nữa, mà người ta dùng các loại câu để bắt chúng quanh năm suốt tháng không từ cá lớn lẫn cá bé nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu của con người, chính vì vầy chúng đã hiếm, lại càng hiếm hơn.


Nghề câu, nghề lưới là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân dưới tán rừng ngập mặn.
    Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu năm 2007, huyện Ngọc Hiển đã lập dự án nuôi cá dứa nhân tạo. Mọi phương án kỹ thuật đã được nghiên cứu, xem xét, nhưng gặp khó khăn ở con giống nên chưa triển khai được. Hy vọng rằng dự án này sẽ sớm được thực hiện và mang tính khả thi bởi lẽ ngày nay con người đông đúc, nhu cầu khai thác ngày càng lớn, nếu không nuôi nhân tạo thì các loài có giá trị kinh tế cao sẽ dần cạn kiệt trong tự nhiên. Con tôm, con cua trên thị trường hiện nay không phải từ nuôi nhân tạo mà ra đó sao?
    Cá sống ở trong kinh, rạch rừng ngập mặn trước đây nhiều vô số kể và lớn con, như cá mú, cá dứa, cá chẻm nặng đến vài chục ký một con là chuyện thường, nhưng ngày nay cá lớn như thế rất hiếm. Sản lượng sinh sản không bù đắp được sản lượng khai thác, nếu chúng ta không có kế hoạch khai thác hợp lý, không bảo vệ thì nguồn tài nguyên này không bao lâu sẽ cạn kiệt và nếu nhìn xa hơn nữa thì sẽ phá vỡ sự cân bằng sinh thái, môi trường tác động tiêu cực đến cuộc sống con người.
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét