Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Rừng ngập nước tỉnh Cà Mau - : Các loài nhuyễn thể

Theo tài liệu Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam thì: Giáp xác và nhuyễn thể trên nền rừng là nhân tố quan trọng tham gia trong chuỗi thức ăn và chuyển hóa vật chất của rừng ngập mặn, đồng thời cũng là một nguồn lợi đáng kể đối với cư dân địa phương.
Một trong những điểm bán vọp, sò huyết và ốc len ở chợ Phường 7 - Tp. Cà Mau
Sạt sò ở bãi bồi Mũi Cà Mau
    Nhuyễn thể là loài thân mềm có hai mảnh vỏ, sống ở chân rừng ngập mặn, ở bãi bồi hoặc ven sông. Thức ăn chính của chúng là các chất phù du, phiêu sinh vật có trong nước. Chưa có một tài liệu nào thống kê ở rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau có bao nhiêu loài nhuyễn thể, nhưng người dân địa phương có thể điểm tên một số loài quen thuộc như sau: họ hàng nhà ốc thì có: ốc len, ốc lá, ốc gạo, ốc gai; họ hàng nhà sò thì có: sò huyết, sò lụa, só lông, sò điệp, vọp, nghêu, hàu, chem chép, móng tay…
    Trong các loài này thì vọp, sò huyết và ốc len là món ăn đặc sản thông dụng, có giá trị kinh tế cao và là một nguồn lợi đáng kể của dân địa phương. Trước đây, các loài nhuyễn thể này ở rừng ngập mặn Cà Mau nhiều vô số kể. Ông Phạm Văn Bé - một lão nông sống lâu đời ở làng cá Hố Gùi kể: Thời còn trai trẻ, gia đình ông chuyên sống bằng nghề mò cua bắt ốc, mỗi ngày có thể bắt tới 10 bao tời vọp và khoảng 50kg ốc len, nhưng vào thời ấy giá rẻ như bèo, bán ra ngần ấy cũng chỉ mua được vài ký gạo sống qua ngày. Ông đã tiếc rẻ: Nếu như ngày nay, sản vật của rừng còn nhiều tiềm năng như thế thì gia đình ông đã giàu to, vì chúng là nguồn hàng xuất khẩu, giá rất cao.
Ốc len  
    Ốc len thường sống dưới chân rừng. Nước ròng thì chúng vùi dưới sình hoặc ẩn mình dưới lớp rễ đước, rễ mắm, khi nước lớn thì bò lên gốc cây, thậm chí lên tới cành, đọt những cây mắm thấp để ăn lá mắm. Thịt ốc len rất thơm, ngon và ngọt. Ốc len xáo nước cốt dừa hoặc xào sả ớt là một món ăn ấn tượng và cực kỳ hấp dẫn.
Vọp  
    Vọp cũng sống ở dưới chân rừng, nhưng không leo được lên cây, chúng vùi sâu dưới mặt đất bùn bất kể là nước ròng hay nước lớn. Hình dáng của con vọp giống như con nghêu sống ở bãi cát ven biển nhưng có màu đen nâu và lớn hơn nghêu gấp 4-5 lần, có con to bằng cái chén ăn cơm, thịt ăn rất ngọt và ngon. Vọp hấp giấm, nhúng nước dừa hoặc xào bồn bồn là những món ăn độc đáo, khó quên.
Sò huyết 
    Sò huyết sống tập trung nhiều ở bãi bồi Mũi Cà Mau. Vỏ ngoài có khía, thịt đỏ tươi như máu, có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người. Vào những ngày nước ròng bỏ bãi thì dân địa phương lũ lượt kéo ra bãi sạt sò. Vì đất bãi bồi mềm, nhão, rất lún, không thể đi được nên người dân địa phương nghĩ ra cách là dùng gỗ đóng thành cái thùng, rồi ngồi lên đó, dùng hai chân đạp ra phía sau để đẩy cái thùng đi, sức nặng của người ngồi trên thùng lướt trên bùn, tạo thành đường khuyết sâu xuống bùn và sò huyết lồi lên, người ngồi trên thùng chỉ việc lượm sò bỏ vào thùng. Bằng biện pháp này mới có thể đi được trên bãi bồi và bắt được nhiều sò huyết.
    Ngày nay, các loài nhuyễn thể nói chung và ốc len, vọp, sò huyết nói riêng còn lại trong môi trường tự nhiên không nhiều, hay nói chính xác hơn là chúng không kịp lớn để cung cấp cho con người. Do đó, tất cả đều phải nuôi. Cách nuôi cũng rất đơn giản: thu gom các con giống nhỏ sống trong tự nhiên - vì chưa sản xuất được giống nhân tạo - tập trung lại một khu vực như vuông nuôi tôm hoặc một khoảnh rừng nào dễ quản lý, 5-7 tháng sau thu hoạch, bán ra thị trường. Có những người thu hoạch hàng tấn ốc len, vọp hoặc sò huyết từ nghề nuôi như thế và đã làm giàu.
    Đến với Cà Mau, xin bạn đừng quên nếm thử các món được chế biến từ ốc len, vọp và sò huyết nhé.
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét