Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Rừng ngập nước tỉnh Cà Mau - Cua

Họ hàng nhà cua ở rừng ngập mặn Cà Mau rất phong phú và đa dạng về chủng loài: Cua biển, cua đá, ghẹ, ba khía, chù ụ, nha, còng gió… Trong các loài vừa kể thì cua biển là món đặc sản nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao nhất - chỉ đứng sau con tôm sú mà thôi.
Người dân thường bắt cua trong rừng, ven sông và kinh rạch.
Đặt cua trên sông rạch.
    Cua là loài giáp xác sống phổ biến ở dưới chân rừng ngập mặn, bãi bồi, sông rạch, ao, đầm. Vậy tại sao có tên là cua biển? Theo kỹ sư thủy sản Võ Tuấn Kiệt - Trưởng trại Thực nghiệm giống thủy sản nước lợ thuộc Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau thì đó là do tên gọi trong dân gian để phân biệt giữa hai loài cua sống nước ngọt và nước mặn. Cua sống nước ngọt gọi là cua đồng, còn cua sống ở nước mặn, nước lợ thì gọi là cua biển. Cua biển trong điều kiện thiên nhiên thì sống ngoài biển và sinh sản ngoài biển, ấu trùng trôi theo nước thủy triều vào kinh rạch, ven rừng và trưởng thành. Chúng cũng đào hang ở ven sông, trong rừng để sinh sống, nhưng tới mùa thì bơi ra biển sinh sản. Vòng đời của cua biển từ 3 - 4 năm.
    Vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ hai mươi trở về trước, cua biển ở Cà Mau sống trong tự nhiên nhiều vô kể. Ông Phạm Văn Bé ở làng cá Hố Gùi huyện Đầm Dơi kể, vào khoảng thời gian nêu trên, cha con ông vào rừng bắt một ngày từ 80 - 100kg cua nhưng cũng chỉ đủ sống vì giá rẻ như bèo, chỉ tiêu thụ nội địa là chính, chưa có phong trào xuất khẩu như ngày nay. Còn bây giờ, ông vào rừng cả ngày cũng chỉ bắt được khoảng 1,5kg cua. Ông tiếc nuối: Nếu cua biển còn nhiều như ngày xưa thì ông đã làm giàu.
Cua biển sống trong môi trường tự nhiên.
Cua mẹ ôm trứng (tại trại Thực nghiệm giống thủy sản nước lợ). 
    Về giá trị kinh tế của con cua biển, nói là chỉ đứng sau con tôm sú, thật ra chưa chính xác, bởi giá cua -  đặc biệt là cua gạch son thường là cao hơn giá tôm, nhưng do số lượng ít hơn tôm bởi được bắt trong thiên nhiên là chính. Chỉ những năm gần đây, cua biển mới được nuôi mà nguồn con giống chủ yếu bắt trong thiên nhiên và thả vào vuông tôm nuôi chung với tôm, khi xổ tôm thì bắt luôn cả cua, từ đó năng suất không ổn định. Dọc dài theo ven biển và các cửa sông, cửa biển ở Cà Mau, người ta giăng đủ các loại lưới để bắt cua con và cả trứng cua để bán cho người nuôi, nên nguồn giống cua trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt, không đủ cung cấp. Con giống đã trở thành vấn đề nan giải đối với người nuôi cua.
    Thấy được giá trị kinh tế của con cua và trước nhu cầu của người dân, các nhà khoa học đã vào cuộc. Năm 2006, trại Thực nghiệm giống thủy sản nước lợ thuộc Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau đã tiếp nhận công nghệ sản xuất cua giống nhân tạo từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 TW.  Trại đã cho cua đẻ thể nghiệm thành công và trung tâm đã nuôi thử, đồng thời giao cho một số hộ dân nuôi thử thấy phát triển tốt không thua kém chất lượng cua giống được bắt từ thiên nhiên.  Từ đó trung tâm đã mở nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân để nhân rộng mô hình. Đến nay trong tỉnh Cà Mau đã có vài chục cơ sở sản xuất cua giống nhân tạo thành công, giải quyết được bài toán thiếu hụt con giống và mở ra một hướng mới cho người nuôi cua.
    Cua là một món ăn đặc sản cao cấp, ngon và bổ dưỡng. Ngoài tiêu thụ nội địa, nó còn có giá trị xuất khẩu. Sắp tới khi nguồn con giống ổn định, phong trào nuôi cua phát triển, thì cùng với con tôm, con cua biển Cà Mau sẽ khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thương trường quốc tế.
THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét