Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

RỪNG NGẬP NƯỚC TỈNH CÀ MAU - HOA TRÀM VÀ MẬT ONG

Ong mật là một loài côn trùng cánh màng rất có ích cho cuộc sống của con người. Nếu theo vai vế phân cấp thì con ong đứng ở hàng cuối bảng của động vật, nhưng giá trị của nó thì rất lớn. Bởi vậy, người ta thường nói ở U Minh Hạ đặc sản quý giá nhất là thú rừng và mật ong. Toàn bộ rừng U Minh Hạ là một cái kho nguyên liệu khổng lồ để ong làm mật - đó là hoa tràm. Và mật ong U Minh Hạ đã nổi tiếng khắp cả nước từ xưa đến nay.

Ong non chấm với mật ong là món ăn ngon và bổ dưỡng
Thu hoạch ong gác kèo 
    Trong hàng ngàn sinh vật giúp ích cho cuộc sống của con người, ong đã trở nên hữu dụng ở đất nước ta từ rất sớm. Từ lâu, nhân dân ta đã biết dùng mật ong để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Nhà y học dân tộc nổi tiếng Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông) coi mật ong là cao của trăm thứ hoa, dùng rất tốt cho trẻ em, người bệnh, người già yếu…
    Mật ong lấy từ hoa nhãn hoặc các loài hoa khác đã tốt, nhưng mật lấy từ hoa tràm còn tốt hơn. Mật ong ở rừng tràm U Minh trong và vàng như nước cam. Mật đặc, rót vào chai không cần phễu. Mật không bị pha trộn, để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường.
Thợ rừng ăn ong
Hoa tràm 
    Đầu tháng 3, 4 âm lịch, rừng tràm bắt đầu lác đác trổ bông. Bông tràm nhỏ nhắn, cánh hoa, vòi nhụy phớt xanh như râu rồng, phủ trên ngọn tràm như mái tóc vừa ngả bạc. Từng chùm, từng chùm nhụy mềm mại, mùi thơm dịu, kín đáo lan nhẹ trong không gian, quyến rũ từng đàn ong bay đi hút mật, làm tổ. Đúng vào dịp này, dân địa phương len lỏi vào rừng thu hoạch mật từ những kèo gác trước cho ong làm tổ, dân địa phương gọi là “đi ăn ong”. Mật ong thu hoạch từ mùa này - tức là mùa nắng được xem là thứ mật tốt nhất và giá trị nhất.
    Công việc gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ là cả một nghệ thuật, từ chỗ nghiên cứu tính nết, tập quán của đàn ong, dần dần người ta rút ra kinh nghiệm và đi đến thành thạo trong việc lấy mật mà người ngoài cuộc khó tưởng tượng được. Kèo cũng là một nhánh tràm dài hơn thước, một đầu có cái nhánh con dùng làm cái mấu. Sau khi chọn được chỗ thích hợp, người thợ rừng gác chiếc kèo chênh chếch lên cây tràm xong, phải dọn sạch cành lá xung quanh để khi lấy mật khỏi bị vướng. Thời gian gác kèo lý tưởng nhất là vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch, để những cơn mưa muộn cuối mùa rửa sạch mùi sắt ở chỗ hai đầu bị dao chặt và nhánh kèo cũng đủ thời gian khô đi giống như những nhánh khô khác trên cây. Nếu chiếc kèo nào còn mùi sắt của con dao mới chặt thì con ong không bao giờ chịu làm tổ.
    Những người gác kèo ong mật ở rừng U Minh Hạ thường tập hợp lại thành một tổ chức gọi là tập đoàn phong ngạn. Mỗi tập đoàn như vậy khoảng vài chục người, có luật lệ hẳn hoi. Theo đó nếu ai vi phạm của người khác, bị phát hiện được thì căn cứ vào luật lệ mà xử, phạt tiền hoặc phạt heo… và tập tục này đã hình thành từ xa xưa đến nay. Mỗi một thành viên của tập đoàn phong ngạn gác đến vài trăm kèo và mỗi năm có thể thu hoạch hàng ngàn lít mật.
    Tuy nhiên, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, do nạn cháy rừng và nhiều nguyên nhân khác, số lượng mật ong ngày càng giảm - người nào thu hoạch mỗi năm vài trăm lít coi như đã nhiều. Do đó, nhiều thợ rừng đã chuyển nghề và luật lệ của tập đoàn phong ngạn không còn bị ràng buộc nghiêm khắc như xưa kia. Cộng thêm mật ong ngày càng có giá trị trên thị trường nên nhiều người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pha trộn mật ong với nước đường hoặc nhiều trò gian lận. Nên ngày nay, muốn tìm được mật ong nguyên chất như xưa kia cũng không phải chuyện dễ.
    Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho mật ong rừng U Minh Hạ là điều nên nghĩ tới và sớm bắt tay vào thực hiện, để củng cố uy tín, chất lượng một loại đặc sản đặc biệt của Cà Mau, thu hút khách du lịch, qua đó nâng cao đời sống của người dân sống nghề rừng và góp phần bảo vệ phát triển vốn rừng, các nguồn tài nguyên của rừng…!
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét