Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

RỪNG NGẬP NƯỚC TỈNH CÀ MAU - : THÚ RỪNG

Thú rừng ở U Minh Hạ rất phong phú và đa dạng về chủng loài. Theo ghi nhận, nơi đây có 158 loài động vật, trong đó lớp thú có lông 21 loài, lớp chim có 96 loài, lớp bò sát có 30 loài và lớp lưỡng cư có 11 loài. Riêng về thú rừng thì hiện ở U Minh Hạ đang tồn tại một số loài thú lớn và quý hiếm có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ và bảo tồn.

Nai được nuôi ở Cty Lâm nghiệp Sông Trẹm 
    Trong những thập kỷ gần đây, cọp, voi, cá sấu hầu như không còn có mặt ở rừng U Minh Hạ, nhưng thuở xưa thì nhiều vô kể, được truyền lại qua những câu chuyện kể từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua.
    Bằng chứng không thể nghi ngờ là trong quá trình đào đìa, xẻ kinh mương… thỉnh thoảng người dân địa phương bắt gặp bộ xương của những loài này còn nằm rải rác dưới lòng đất, lòng sông và kinh rạch.
Heo rừng 
    Ngày nay, do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp và do áp lực từ phía con người nên thú rừng U Minh Hạ sống tập trung chủ yếu ở khu Vồ Dơi, khoảng trên 3000ha thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đây là nơi có diện tích rừng lớn tuổi, liền khu, liền khoảnh còn sót lại duy nhất ở U Minh Thượng và U Minh Hạ, có môi trường phù hợp để bảo tồn các loài thú trong điều kiện thiên nhiên hoang dã.
    Theo khảo sát và ghi nhận của Ban Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ thì các loài thú nơi đây đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ so với trước kia. Nai là loài thú lớn nhất, có con nặng vài trăm ký, kế đến là heo rừng, có con nặng tròm trèm 100kg. Số lượng cá thể của hai loài này chưa ai thống kê được, chỉ biết chúng còn tương đối nhiều theo quan sát của cán bộ Vườn Quốc gia U Minh Hạ và nhân dân quanh vùng. Có thể nói, khỉ là loài phục hồi nhanh nhất về số lượng. Đây là loài khỉ mặt xanh, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Hiện nay, số lượng hàng đàn, thậm chí chúng còn vào phá phách ở trụ sở làm việc của các tiểu khu Vườn Quốc gia. Ngoài ra, còn có nhiều loài thú quý hiếm khác như chồn cáo ngựa, chồn cáo cộc (mèo ri), chồn cáo mèo (mèo cá), tất cả đều có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt là rái cá - rái cá thường đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong khi đó năm 2005, Ban Quản lý Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã phát hiện mới một loài rái cá đặc biệt quý hiếm, chẳng những có tên trong Sách Đỏ Việt Nam mà còn có trong Sách Đỏ thế giới, đó là loài rái cá lông mũi. 
Mèo rừng
Khỉ    
    Bên cạnh các loài thú thì các loài chim, các loài bò sát ở rừng U Minh Hạ cũng rất phong phú và đặc biệt quý hiếm, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu trên các số báo sau. Ở đây, một vấn đề nhức nhối đặt ra là hiện nay tình trạng săn bắt trái phép rất khó kiểm soát dẫn đến thú rừng ngày càng bị cạn kiệt là điều khó tránh khỏi.
    Do đó, phòng chống cháy rừng và các biện pháp bảo vệ rừng phải đồng nghĩa với việc bảo vệ các loài thú quý hiếm, đừng để cho chúng phải bị tuyệt chủng như các loài voi, hổ, cá sấu của rừng U Minh Hạ vốn có trước đây…!
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét