Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Rừng ngập nước tỉnh Cà Mau - : Đuông chà là

Những người lớn tuổi sống ở rừng ngập mặn Cà Mau không ai lạ gì con đuông chà là, nhưng với lớp trẻ chúng tôi thì chỉ được nghe nói lại hoặc đọc qua sách vở mới biết. Và tôi cứ ngỡ rằng món ăn từ con đuông chà là chỉ mãi mãi là huyền thoại thì thật bất ngờ, vào những ngày cuối năm 2007, khi những cơn gió bấc thổi về, tiết trời se se lạnh, trong chuyến công tác, tôi được Ban quản lý và bảo vệ rừng Đầm Dơi chiêu đãi món đuông chà là - món ăn đã đi vào huyền thoại.
 
    Đuông chà là là ấu trùng của một loại côn trùng có cánh gọi là kiến dương. Cây chà là thuộc họ ARECHCEAE, có tên khoa học là PHOENIX PALUDOSA ROXB - là một trong những thành phần chính của rừng ngập mặn, hình dáng giống như cây cau kiểng, mọc thành từng bụi, mỗi bụi có nhiều cây và gai sắc nhọn. Ngày xưa, rừng ngập mặn Cà Mau có rất nhiều chà là, nên cũng rất nhiều đuông. Nhiều người đã từng biết đuông tơ tằm, đuông dừa. Đuông chà là cũng giống như vậy nhưng lớn con hơn - cỡ bằng ngón tay cái và ngón chân cái với hình thù béo ú, no tròn, trắng nõn. Điểm đặc biệt là mỗi đọt chà là chỉ có một con đuông. Không hiểu do đọt chà là nhỏ, ít dinh dưỡng nên chỉ có một con đuông tồn tại hay là do giống côn trùng này chỉ đẻ một con, nên đã trở thành quý hiếm? Nghe kể lại thì vào đời ông tôi, đuông chà là nhiều lắm; đến đời cha tôi thì thỉnh thoảng mới được ăn; đến đời tôi thì không còn thấy bóng dáng nữa, bởi lẽ rừng chà là đã bị tiêu diệt.

Đuông Chà Là chiên bột
    Nhắc đến đuông chà là, không thể bỏ qua giai thoại vui ở xứ sở Công tử Bạc Liêu, đó là Hội đồng Điều, thông gia của Hội đồng Trạch rất mê ăn đuông. Để tìm ra hương vị lạ, ông Hội đồng Điều bắt đuông chà là về khoét lỗ trên cây mía rồi cho chúng vào, đến khi thấy cây mía bị đuông ăn xơ xác mới bổ mía, lôi đuông ra ăn. Cách ăn đuông lạ đời của ông đã để lại câu chuyện nửa hư nửa thực, bổ sung cho những câu chuyện ẩm thực kỳ thú của đất Nam Bộ. Trong bộ đại từ điển Việt Nam của tác giả Nguyễn Nhã Ý cũng cho rằng đuông chà là là món ăn ngon và quý. Còn nhà văn Sơn Nam trong cuốn Nam Bộ xưa thì ví von đuông chà là bằng cái tên thật ngộ: Hồ đa tử.
    Ngày xưa, rừng còn nhiều mà đuông chà là còn quý và hiếm như vậy thì ngày nay nó càng quý và hiếm hơn, nên ít ai có dịp nếm thử được hương vị của nó, thậm chí còn chưa nhìn thấy nó bao giờ. Ông Trần Trung Vũ - Trưởng Ban quản lý và bảo vệ rừng Đầm Dơi cho biết: Rừng Đầm Dơi đặc biệt là khu vực sân chim với diện tích gần 150ha hiện còn tương đối nhiều chà là. Hễ có cây chà là thì có đuông và mùa có đuông là mùa gió bấc - từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch năm sau. Biết đọt cây chà là có đuông nhưng muốn bắt được cũng không đơn giản, vì đầy gai nhọn ở lá, ở thân và cả gốc cây. Phải là thợ rừng chuyên nghiệp, có dụng cụ chuyên nghiệp thì mới bắt được nhiều đuông chà là, còn nếu như tay ngang, đi bắt mỗi ngày chắc chỉ được vài con, nhưng tay chân, mình mẩy phải rướm máu vì bị gai đâm phải.
 
    Hôm chúng tôi đến, anh Trần Trung Vũ cho người bắt được 19 con, đem lăn bột chiên, Anh cho biết, có người đem nướng ăn, có người còn ăn cả đuông sống. Nhìn thấy những con đuông no tròn, béo ị, trắng nõn trong đọt chà là vừa được chẻ ra, to bằng ngón chân cái, thật thích thú và ấn tượng.
    Cầm đũa gắp một con đuông chà là vừa lăn bột chiên trên chảo mỡ, vàng óng, thơm phức, tôi cứ ngắm mãi, thật bồi hồi xúc động. Đưa vào miệng cắn thử một cái, sữa trào ra miệng, ngọt và béo không thể tả. Đuông chà là, đúng là danh bất hư truyền!
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét