Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Sức hút gành Đá Dĩa


Gành Đá Dĩa, một di tích thắng cảnh cấp quốc gia, thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40 km về phía Bắc. Gành đá Dĩa là một thắng cảnh thiên tạo hiếm thấy. Đá ở đây, dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những chiếc dĩa lớn chồng xếp lên nhau. Bên cạnh gành đá dĩa còn có bãi cát trắng, mịn, dài khoảng 3km.



Gành Đá Dĩa là chặng dừng chân thứ ba, sau khi các văn nghệ sĩ dự Trại sáng tác văn học và mỹ thuật khu vực miền Trung và Tây nguyên tham quan chùa Từ Quang (tức chùa Đá Trắng) di tích lịch sử – nghệ thuật cấp quốc gia và nhà thờ Mằng Lăng.

Khi đến gành Đá Dĩa, 20 tác giả của 18 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên đều tròn xoe mắt. Họ ngạc nhiên chiêm ngưỡng một công trình của tạo hóa cực kỳ lạ mắt, hùng vĩ, ngoạn mục, hiếm có. Cảm giác chung của họ là: “Trên cả tuyệt vời!”.

5 họa sĩ trong đoàn đều trải giấy bút ra phác thảo. Đối với họ, ấn tượng mạnh nhất vẫn là Đá Dĩa, mặc dù họ đã tham quan Vũng Rô, Mũi Điện…

Chị Thu Sương viết tiểu thuyết, mắt sáng lên, buông lời thán phục trong gió biển: “Ối trời! Đĩa chén sao mà nhiều thế này! Các chư tiên ăn uống đã về cả rồi ư?” Trầm trồ xong, chị quay sang nói với tôi: “Em mê chỗ này quá, anh ơi! Cả nước V.N không có chỗ nào đặc sắc như chỗ này!”. Thán phục xong, chị đổ chai nước khoáng LaVie, múc đầy chai nước biển vừa đánh vào đá, tung bọt xà phòng để xách về TP Đà Nẵng kỷ niệm, vì đấy không phải là nước biển Đông nữa, mà là nước rửa bát đĩa của tiên!

Họa sĩ Quý Long của TP Huế đã xong 3 phác thảo với 3 điểm nhìn góc độ khác nhau, vậy mà còn vẽ nữa! Có lẽ, họa sĩ nghĩ rằng: ngồi tại gành Đá Dĩa vẽ mới là Đá Dĩa! Ừ, ông vẽ cho sướng tay, để trọn cảm giác sảng khoái của mình!

Cây bút văn xuôi Tấn Kỷ tỉnh Kon Tum mở rượu ra uống. Trước một công trình của tạo hóa đẹp ngần này, dân văn xuôi phải uống rượu để thưởng mình được diễm phúc đặt chân! Tôi cũng “văn xuôi” nên cùng anh “tác chiến” liên tù tì! Ừ, ngồi trên đĩa bát là phải uống rượu chớ!...

Các cây bút làm thơ, có lẽ về nhà mới làm được, giờ này họ leo trèo, họ chụp ảnh, giỡn chơi… và, lại cũng mở rượu ra uống! Chỉ tội các tay họa sĩ, cứ hì hục bút giấy!

Tôi nói với anh Văn Quang, nhà thơ Quảng Trị: “Tôi có một anh bạn nhiếp ảnh gia, anh ta có tư tưởng rất lạ. Anh ta sẽ bố trí, dựng cảnh để chụp ảnh gành Đá Dĩa. Tác phẩm sẽ là: cả trăm người tiền sử đang dự lễ hội ăn uống tại đây, nhan đề “Bữa tiệc hồng hoang”. Chụp toàn cảnh từ trên cao”. Anh Quang nói: “Một kỳ quan như thế này mà trong dân gian không có một thần thoại để giải thích? Có không?”. Tôi trả lời: “Tôi không biết có hay không. Nếu có, tôi cũng chưa nghe!”

Biển ở gành Đá Dĩa xanh như mực, bọt sóng trắng như tuyết. Ước gì ở đây có một cái quán nào hay một căng-tin để phục vụ du khách thì hay biết mấy! Càng hay hơn nếu có một nhà nghỉ! Càng hay hơn nữa, nếu con đường được đổ bêtông nhựa! Nếu được vậy, hẳn là du khách nườm nượp!

Gành Đá Dĩa, một kỳ quan thiên tạo trời ban cho tỉnh Phú Yên, luôn luôn là một dấu ấn đặc sắc, không quên cho mọi du khách, mọi miền, mọi nước!...

Gành Đá Dĩa tự thân đã có một sức hút kỳ lạ, nếu được con người quan tâm hơn nữa, hẳn sẽ hoành tráng biết bao!

NGÔ PHAN LƯU



061220-da-dia.jpg
Ảnh: LÊ NGỌC MINH
Các trụ đá xếp dựng đứng như những chiếc đĩa vô cùng lạ mắt và có thể nói là có một không hai ở Việt Nam.
Ghềnh Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hoà khoảng 40km. Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là ghềnh Đá Đĩa.
Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở Ghềnh Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động của núi lửa cách nay khoảng gần 200 triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa gặp nước biển bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang khiến những cột đá bị cắt thành nhiều khúc.
Ghềnh Đá Đĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét; nơi dài nhất 200 mét. Từ trên cao nhìn xuống trông giống như một tổ ong khổng lồ vì kết cấu lạ mắt của các dãy đá. Theo các bậc tam cấp tự nhiên do đá tạo nên, người ta xuống tận chân đá đĩa để tận mắt thấy sự tạo hoá của thiên nhiên làm nên một công trình nghệ thuật mà cứ như chính bàn tay con người tạo ra.
Ẩn số 'đá xếp chồng' ở ghềnh Đá Đĩa Phú Yên
Ghềnh Đá Đĩa có cấu tạo khá độc đáo về địa chất, gồm một tập hợp các cột đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng biển.
Ẩn số 'đá xếp chồng' ở ghềnh Đá Đĩa Phú Yên
Ẩn số 'đá xếp chồng' ở ghềnh Đá Đĩa Phú Yên
Bãi đã trải rộng san sát nhau cùng một màu đen.
Ẩn số 'đá xếp chồng' ở ghềnh Đá Đĩa Phú Yên
Trụ thì thẳng đứng, trụ lại nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng nhìn như chồng đĩa nên có tên gọi là ghềnh Đá Đĩa.

Theo Đất 

PHÚ YÊN CÓ GHỀNH ĐÁ ĐĨA - 

Nằm cách thành phố Tuy Hòa hơn 40 km, ghềnh Đá Đĩa nổi bật giữa trời biển mênh mông với những khối đá hình lục giác nằm sát bên nhau như những chồng đĩa lớn.
Ghềnh Đá Đĩa hay gành Đá Dĩa nằm trong xã An Ninh Đông, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 30 km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về phía Đông khoảng 12 km là đến ghềnh Đá Đĩa. Bạn cũng có thể đi theo tuyến đường ven biển từ Tuy Hòa đến ghềnh Đá Đĩa dài khoảng 35 km.
dsc0142-725711-1368299529-600x0-JPG.jpg
Ghềnh Đá Đĩa chưa được nhiều người biết đến.
Ghềnh Đá Đĩa rộng khoảng 50 m và trải dài hơn 200 m, là một trong những danh thắng tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên. Từ trên cao, có thể nhìn thấy khu ghềnh lấn biển với những khối đá mặt hình lục giác, gắn chặt với nhau tựa miếng sáp ong khổng lồ đều đặn, tạo nên một tổng thể vững chắc với màu đen bóng. Khu ghềnh đặc biệt này được hình thành khi núi lửa tuôn trào dung nham xuống biển. Dòng dung nham nóng gặp biển lạnh đông cứng lại, cùng với hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều tạo nên cảnh quan kỳ thú hôm nay.
Trải qua hàng trăm năm biến đổi khí hậu, những cơn sóng biển vẫn miệt mài tung bọt trắng bên ghềnh đá hoang sơ. Những ghềnh đá xếp lô xô cao thấp và bạn có thể dễ dàng đến sát mép biển, nơi sóng vỗ về, để ngắm toàn cảnh biển xanh tuyệt đẹp. Đi sâu xuống dưới gềnh, bắt gặp một hang ăn sâu vào chân núi, bọt tung trắng xóa. Xa xa là bãi Bàng với làn nước trong vắt in bóng mây trời.
Mui-Dai-Lanh-204-9279-1380524580.jpg
Những khối đá xếp chồng lên nhau tạo thành danh thắng đặc biệt.
Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và bắt đầu được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch. Nhưng do địa hình đường xá đi lại phải qua nhiều làng bản mới vào được nên việc đẩy mạnh du lịch tại ghềnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người dân lại biến ghềnh đá thành điểm picnic cuối tuần với vô số rác thải.
Năm 2010, con đường vào ghềnh Đá Đĩa được trải nhựa hoàn toàn với những biển chỉ lối cụ thể. Ghềnh cũng đã được làm sạch, nạo vét và thu nhặt rác bẩn, được địa phương quan tâm chăm sóc. Ghềnh Đá Đĩa đã trở thành một điểm đến thú vị cho du khách khi ghé thăm mảnh đất Phú Yên nắng gió.
dsc0371-copy-310689-1368299530-600x0-JPG
Những món quà nhỏ thú vị của biển.
Một buổi ghé chơi với ghềnh Đá Đĩa, bạn hãy dành thời gian ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính ngay đầu lối rẽ vào, đi chậm xuyên qua những làng mạc yên bình và đón những cơn gió lồng lộng thổi không ngừng từ trên ghềnh Đá Đĩa.
Bạn cũng có thể chạy sang bãi Bàng tắm biển và thưởng thức hải sản ngon giá rẻ. Chút đồ ăn mang theo giúp bạn có thể picnic ngay trên những phiến đá dọc ngang của ghềnh và đừng quên dọn dẹp ngay sau đó. Ghềnh Đá Đĩa hoang sơ nhưng ấn tượng với tạo hình thú vị của thiên nhiên, một trong những điểm du lịch đáng đến của tỉnh Phú Yên.
Bài và ảnh: Lam Linh


Gành Đá Đĩa - thắng cảnh độc đáo

PNO - Tọa lạc tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên), Gành Đá Đĩa là một thắng cảnh tuyệt đẹp, độc đáo với những khối đá hình lục giác, hình tròn liền khít...như những cái đĩa xếp chồng lên nhau.
    Quần thể Gành Đá đĩa có diện tích khoảng 2km vuông, chiều rộng của gành đá hơn 50m và chiều dài hơn 200m. Là một thắng cảnh được thiên nhiên ưu ái hiếm thấy, với những khối đá hình lục giác, hình tròn liền khít… giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau, tên gành Đá đĩa xuất phát từ đó.

    Có hai con đường dẫn đến Gành Đá đĩa. Du khách di chuyển từ TP Tuy Hòa theo QL1A khoảng 35km về hướng Bắc đến thị trấn Chí Thạnh, đi theo đường xã lộ An Thạch xuống xã An Ninh Đông khoảng 11km về hướng Đông là tới Gành Đá đĩa. Một đường khác đến xã An Hải, qua cầu An Hải xuống xã An Ninh Đông, đi khoảng 15km là tới gành đá.
    Từ thành phố Tuy Hòa, bạn đi qua các di tích như thành An Thổ, nhà thờ Mằng Lăng, qua những xóm nhỏ uốn lượn theo những con đường trải nắng. Hai bên đường, sau những ngôi nhà là màu vàng ươm của đồng lúa vào vụ gặt. Đi hết con đường, trước mắt một vùng biển trời xanh ngắt với khối đá kiến tạo đặc thù hiện ra. Khối đá đặc biệt này như những con ong nằm bên mép sóng, xa xa là vùng biển lặng có đoàn thuyền neo đậu.
    Gành Đá Đĩa đặc biệt về kiến tạo, xung quanh nó không thiếu những chuyện huyễn hoặc được dân gian thêu dệt về tạo hình độc đáo của gành. Theo kết quả nghiên cứu địa chất, Gành Đá Đĩa được tạo nên do hoạt động phun trào núi lửa cách đây hàng trăm triệu năm. Đá ở đây là loại đá bazan được hình thành do hoạt động phun trào núi lửa. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa trôi ra biển gặp nước lạnh nên bị đông cứng, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực. Chính hiện tượng ứng lực này làm các khối đá rạn nứt theo mạch dọc, xiên, ngang thành những cột đá liền khít, phần chìm dưới nước, phẩn nổi trên mặt biển rất đẹp mắt.
    Gành Đá Đĩa được UBND tỉnh Phú Yên công nhận danh thắng vào năm 1997. Mặc dù trở thành danh thắng cấp quốc gia, địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên… nhưng trên thực tế cảnh đẹp này vẫn như đang ngủ quên. Du khách đến đây ngoài thưởng lãm cảnh đẹp nguyên sơ của gành đá, gần như không có một dịch vụ du lịch nào tạo điểm nhấn lưu luyến du khách. Trao đổi về tiềm năng du lịch Gành Đá đĩa, ông Phạm Văn Bảy - Phó GĐ Sở VHTTDL Phú Yên, cho biết: “Gành Đá đĩa là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên, để phát huy tiềm năng từ những năm 96, 97 tỉnh Phú Yên đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên cơ sở vật chất hạ tầng chưa hoàn thiện, nên các nhà đầu tư chưa hào hứng. Mới đây tập đoàn Vincom đang khảo sát đầu tư Gành Đá đĩa. Về phía UBND tỉnh Phú Yên đang quy hoạch xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch, tuy nhiên kinh phí eo hẹp nên chưa triển khai được”.
    Được thiên nhiên ban tặng thắng cảnh đẹp hiếm thấy nhưng ngành du lịch Phú Yên chưa đánh thức được tiềm năng của một cảnh đẹp được coi là độc nhất vô nhị ở Việt Nam, chưa phát huy tối đa tiềm năng, chưa giúp người dân nơi đây thoát nghèo.
    Trong khi ở trên thế giới, kiến tạo như Gành Đá Đĩa rất hiếm hoi. Như núi đá Giant’s Causeway ở bờ biển Đông Bắc của Ireland, gành đá Órganos ở đảo La Gomera nổi tiếng của Tây Ban Nha, đá trong hang động Figal, đảo Staffa ở Scotland hay ở đảo JeJu của Hàn Quốc… Các danh thắng đó hoặc trở thành di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận như Giant’s Causeway (1986), hoặc trở thành các điểm du nổi tiếng như đảo JeJu hay Órganos… thì Gành Đá Đĩa (Phú Yên) vẫn chưa thực sự được giới thiệu đúng tầm, “nổi tiếng” như nó xứng đáng “sánh vai” với các di sản thiên nhiên tương tự trên thế giới.

    THU DỊU 

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét