Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Tài bắn của binh lính thời Lê trong con mắt người nước ngoài

Sử sách có nói nhiều tới hoạt động tuyển quân, tập trận, thao diễn võ nghệ của binh lính nước Nam. Những người ngoại quốc ở nước ta khi đó chủ yếu là các lái buôn, nhà truyền giáo cũng ghi chép khá tỉ mỉ về các hoạt động quân sự, việc thao diễn võ thuật và tài năng của quân lính Đại Việt.

Trong lịch sử, nước ta luôn phải đối phó với các thế lực ngoại xâm nên việc võ bị, quân sự rất được các triều đại coi trọng. Từ thời Hậu Lê, tổ chức quân đội ngày càng chặt chẽ và quy củ, không chỉ tập chung rèn luyện võ thuật, kiếm cung mà việc giảng kinh sách, binh thư cũng được nhà nước phổ cập nhằm có được đội quân khoẻ mạnh, dũng cảm, giỏi võ, giỏi văn. 

Trong Bản tường thuật mới mẻ và độc đáo về Đàng Ngoài của một người Pháp tên là J. B. Tavernier cho biết con cái các quan võ được học võ từ rất sớm, khoảng 11-12 tuổi. Đầu tiên là học múa gươm, sau đó học bắn cung nỏ và tập cưỡi ngựa, rồi vừa phi ngựa vừa bắn cung… Sau khi thành thạo, tiếp đến là học bắn súng, chế tạo các loại thuốc súng, pháo hoa… Các chương trình võ học được xây dựng khá hoàn chỉnh, bài bản về cả lý thuyết, thực hành và được kiểm tra, rèn luyện thường xuyên. 
Người lính thời xưa.
Giáo sĩ người Italy, Bandinotti trong bức thư ngày 12/12/1626 với nhan đề "Tường thuật về vương quốc Đàng Ngoài, vùng đất mới phát hiện được", viết: “…Nhà vua rất trọng võ, luôn cho tập cưỡi ngựa, voi và bắn cung. Người rất thích bắt những thuyền phải bơi đi bơi lại theo nhiều cách, theo nhịp điệu của những nhạc cụ gõ như là bắt các thuyền nhảy múa vậy… Nhà vua có 4.000 thuyền, mỗi thuyền có 26 người chèo ở mỗi bên. Người dân ở đây rất thích nghề binh, đặc biệt họ bắn súng thần công và súng tay rất giỏi. Da họ trắng, tầm người cao, nhanh nhẹn và can đảm”.
Chính nhờ luyện tập thường xuyên mà quân đội của Đàng Ngoài và Đàng Trong đều rất thiện chiến, dũng cảm. Thương gia Samuel Baron trong cuốnĐịa chí vương quốc Đàng Ngoài viết năm 1683 có những nhận xét về tài bắn của quân lính Đàng Ngoài như sau: “Binh sĩ của họ là những người bắn giỏi, tôi nghĩ rằng họ ít thua kém ai, họ vượt xa nhiều nước khác trong việc sử dụng khéo léo súng hoả mai và bắn nhanh. Họ ít dùng súng, thường dùng cung tên và họ sử dụng cung tên lại càng giỏi”.
Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo người Pháp có nhiều đóng góp trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, trong cuốn sách “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” viết năm 1651 có kể một câu chuyện thú vị:
Một nhà buôn người Bồ Đào Nha ở Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay) bắn súng khá giỏi, anh ta rất tự hào về điều đó nên thường có một thái độ tự cao. Hàng ngày, nhìn những người lính tập luyện về đi ngang qua cửa hàng của mình với một con mắt coi thường. Có một người lính biết vậy bèn thách nhà buôn nước ngoài kia thi bắn súng, anh ta nhận lời ngay vẻ mặt đắc ý những tưởng phần thắng không thể tuột khỏi tay mình.
Đến ngày thi, người Bồ nọ để người lính bắn trước, và điều không ngờ đã xảy ra với anh ta, viên đạn của người lính đã xuyên thủng chính giữa hồng tâm. Nhà buôn Bồ Đào Nha biết không thể nào thắng được, để vớt vát danh dự, anh ta đã lấy một viên đạn không đầu mang ra bắn và nói là đầu đạn của mình đã chui qua lỗ viên đạn anh lính kia đã bắn.
Thật là một bài học đáng nhớ cho kẻ kiêu ngạo, câu chuyện này cũng cho thấy người Việt ta tài giỏi đến thế nào.
Một người Anh tên là William Dampier cũng mô tả về cách luyện tập và tài thiện xạ của binh lính nhà Lê trong cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688: “…Cả kỵ binh và bộ binh đều rất khéo léo trong việc sử dụng vũ khí và họ bắn rất giỏi cả cung và súng vì họ thường được luyện tập để bắn vào đích… Đích là một cái bình bằng đất nung màu trắng, đặt trên một ụ đất. Khoảng cách đứng bắn khoảng 80 yard (= 0,914m). Xạ thủ nào bắn vỡ bình đầu tiên được thưởng chiếc áo choàng đẹp nhất. Những người may mắn bắn trúng những cái bình còn lại cũng được những thứ trị giá thấp hơn hoặc được thưởng bằng tiền. Vua chi tiền cho các hoạt động này nhằm khuyến khích sự hăng say luyện tập để họ có thể bắn trúng đích và trên thực tế họ rất chóng tiến bộ.
Họ tiến hành các động tác nạp đạn vào súng rất nhanh. Động tác thứ nhất là hạ súng xuống, động tác tiếp theo là nhồi thuốc súng và nạp đạn. Họ tiến hành thêm hai động tác nữa để thu súng về và đặt súng vào vị trí cũ. Tất cả bốn động tác được tiến hành rất khéo léo và nhanh. Khi họ bắn vào đích đã ngắm, phát đầu tiên thường rất thành công”.
Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét