Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao: Kỳ quan vùng biên ải

Nếu đã chọn Cao Bằng là điểm đến cho hành trình du lịch, ngay cả khi bạn đã biết rất nhiều thác, ghềnh nổi tiếng, thì thác Bản Giốc với vẻ đẹp nguyên sơ lộng lẫy vẫn chinh phục bạn với trọn vẹn cảm xúc.
Giữa núi rừng Việt Bắc sơn thủy kỳ thú, nơi địa đầu Tổ quốc là thác nước hùng vĩ, đẹp nhất Việt Nam. Thác Bản Giốc cũng là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia.
Thác Bản Giốc
Đường đến Bản Giốc là một hành trình thú vị. Bạn nên vừa đi vừa hỏi thăm bất kỳ người địa phương nào để tới đích. Thế nhưng, dường như những chỉ dẫn bỗng trở nên không cần thiết, khi từ khá xa bạn đã có thể nhận ra một vùng hơi nước trắng mờ bốc cao, với những đám mây bụi li ti. Nếu trời nắng đẹp, làn mây nước ấy còn khúc xạ lung linh, tạo nên những cầu vồng huyền ảo vắt ngang một góc trời - có cây xanh, mây xanh và núi xanh làm nền. 
Phóng rộng hết tầm mắt ngắm nhìn từ trên cao, sông Quây Sơn uốn lượn êm ả như dải lụa bạc, vắt mình theo chân núi Cô Muông, qua những cánh đồng lúa xanh mướt vùng Đàm Thủy, những bãi ngô của bản Giốc. Tiếng nước đổ xuống ầm ào, âm vang, nghe như tiếng vọng muôn đời, tha thiết cuồn cuộn tuôn chảy mãi không ngừng. Từ độ cao hơn 30m, nước tung tẩy buông trên những bậc đá vôi.

Dòng sông rẽ theo những mô đá rộng với những vạt cây, bụi cỏ, phân nhánh rất tự nhiên thành ba luồng nước. Dải nước rộng phía bên trái tràn ra thành vạt ngang trên diện rộng - gọi là thác phụ - với rất nhiều “dây” nước mảnh đan xen, uốn vồng cong như bức rèm vĩ đại đầy ngẫu hứng của thiên nhiên. Phần bên phải của thác - là thác chính, địa hình thấp nhưng sức nước tuôn mãnh liệt hơn. Sông Quây Sơn ở quãng này bỗng êm lặng như gương, dường như sức tuôn chảy ầm ào của con thác hùng vĩ ngay cận kề kia cũng chỉ đủ để miên man những vòng sóng mơ màng tỏa lan, hai bên bờ là phong cảnh nên thơ với rừng, núi vây quanh, những đàn bò, đàn trâu thong dong gặm cỏ.
Khách du lịch thường thuê bè tre (tiếng địa phương gọi là mảng) để dạo một vòng quanh chân thác. Bè tròng trành trôi ra giữa dòng sông rồi áp thật sát nơi nước đổ. Ngẩng mặt lên đón những làn hơi nước mát lạnh, bạn có thể cảm nhận rất đằm, rất sâu, rất lắng vẻ đẹp quyến rũ của thác nước. Đó là thứ cảm xúc bồi hồi, choáng ngợp khi được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, thâm nghiêm, hoang dã vùng biên ải.
Động Ngườm Ngao với thạch nhũ hình hoa sen rủ cánh
Cách thác Bản Giốc chỉ 3km là Động Ngườm Ngao, hang động đá vôi còn nguyên vẹn vẻ hấp dẫn hoang sơ. Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp, còn gọi là “hang giữa thung lũng đá”. Động Ngườm Ngao có chiều dài tổng cộng 2.144m, nhưng khai thác chỉ mới hơn 900m, gồm có ba cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh, nằm ẩn mình dưới những khối đá chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.
Thạch nhũ muôn hình vạn trạng trong động Ngườm Ngao
Thông thường, khi đón khách tham quan, hướng dẫn viên địa phương sẽ đưa khách đi từ cửa Ngườm Lồm và trở ra bằng cửa Ngườm Ngao, qua đó khách sẽ chiêm ngưỡng hầu hết những cảnh đẹp tuyệt vời trải khắp chiều sâu hang động. Ngoài những kiến tạo thạch nhũ hư ảo đầy gợi tưởng: hình người, cây rừng, các loài vật, nàng tiên nghiêng mình chải tóc, búp sen khổng lồ, cột chống trời, tiên ông, phật bà… nét độc đáo nhất của động Ngườm Ngao chính là những “thửa ruộng bậc thang” do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa suốt nhiều triệu năm. Những cảnh quan tuyệt diệu giữa chập chùng các thung lũng đá, núi đã khiến động Ngườm Ngao cùng với thác Bản Giốc hút hồn du khách tới Cao Bằng với những cảm xúc khó tả, khó quên.
Theo Phương Anh
 Phụ nữ Online
 

 
Thác Bản Giốc kiêu hãnh với hoang sơ
Thác Bản Giốc nằm trên biên giới Việt - Trung (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) từ lâu đã được coi là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng không chỉ của tỉnh này mà của cả Việt Nam.
Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong số các thác nước đẹp nằm trên biên giới giữa các quốc gia và đây cũng là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Một nhà báo trẻ địa phương từng tự hào nói rằng: “Danh thắng Bản Giốc là tuyệt phẩm vô giá của thiên nhiên ban tặng cho quê hương mình. Tỉnh Cao Bằng đang cho mở đường vào thác Bản Giốc và đang triển khai thực hiện đề án xây dựng, khai thác danh thắng này thành khu du lịch hấp dẫn du khách xa gần tới nghỉ ngơi, khám phá”.

Từ thị xã Cao Bằng đi thăm thác Bản Giốc chỉ mất 89 km nhưng do đường hẹp lại quanh co, khúc khủy và nhất là đang được nâng cấp mở rộng nên đi về phải mất cả ngày trời. Đoạn khó đi nhất và hay gặp trắc trở nhất là đoạn đường qua đèo Khau Liêu nằm ở khu vực giáp danh giữa huyện Trùng Khánh với huyện Quảng Uyên.

Do đi lại khó khăn như thế nên hiện nay thác Bản Giốc rất ít du khách tới thăm.

Có lẽ vì thế có người gọi danh thắng thác Bản Giốc là “Nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Xin giới thiệu tới bạn đọc Dân trí chùm ảnh phong cảnh kỳ vỹ , thanh bình của khu du lịch thác Bản Giốc mà chúng tôi vừa ghi lại trong chuyến thăm tỉnh biên giới Cao Bằng cuối tháng 11/2011.

Cột mốc biên giới quốc gia ở khu vực thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) được xây dựng xong ngày 14/1/2009 cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách

Hoàng Lan - Theo dantri



Vẻ đẹp lộng lẫy của thác Bản Giốc

Đứng thứ tư thế giới trong danh sách những thác nước nằm trên vùng biên giới tự nhiên giữa các quốc gia, thác Bản Giốc có một vẻ đẹp kiêu hùng và lộng lẫy.

Nằm ở Trùng Khánh cách thị xã Cao Bằng khoảng hơn 80km, ngay cả đường đi tới thác cũng là sự dẫn dắt để hình dung ra vẻ đẹp choáng ngợp của Bản Giốc bởi khung cảnh vừa hùng vĩ vừa êm đềm của những sông những suối, của núi và rừng.
Mùa nước đổ, những khoảnh ruộng ấm màu đất như những ốc đảo nhỏ nổi bật giữa nền màu xanh rất lạ. Khi mùa lúa đến màu vàng phủ đầy đem lại hình ảnh trù phú ấm no cho vùng biên bên cạnh bọt tung trắng xoá của thác. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5. Lượng nước dồi dào nên khi mùa mưa nước đổi màu đỏ rực mang theo phù sa cung cấp cho ruộng nương và bản làng 2 bên, mùa khô thác lại mang màu sắc trong xanh thanh bình, mỗi mùa đều có vẻ đẹp rất riêng.
Chút uốn lượn của đèo Khau Liêu
Những con nước lớn còn sót lại rất ít ở miền núi phía Bắc
Một chút êm đềm
Và rồi khi đang mải miết với những đường cua, chợt nghe tiếng nước dội lại những thanh âm dào dạt vang vọng. Một khung cảnh tuyệt đẹp tràn ra trước mắt. 
Khung cảnh yên bình với màu xanh mát mắt nơi chân thác
Ba tầng thác chính, một nửa phần thác chính này thuộc Trung Quốc nhưng khách du lịch 2 bên vẫn có thể thăm quan toàn bộ thác bằng mảng tre
Tầng trên của thác chính
Do được khai thác hợp lý nên toàn bộ nhánh bên trái của thác chính nằm trên lãnh thổ Việt Nam cũng tạo nên một hệ thống thác cao rất đẹp
Với những phần nước đổ dài như lụa vừa mạnh mẽ vừa mềm mại làm ngất ngây lòng người
Vào những ngày nắng, bọt nước trên thác còn tạo nên những chiếc cầu vồng lung linh muôn màu sắc. Nào cùng nằm xuống thảm cỏ thật êm ngắm nhìn dòng thác và tận hưởng không khí thanh bình nơi đây để cảm thấy đất nước mình còn nhiều nơi thật đẹp, thật đáng chiêm ngưỡng, để thấy yêu hơn từng dòng sông con suối…



Độc giả Hoàng Hạc
Theo Infonet

Thác Bản Giốc những ngày mưa

Tháng 7, đường tới thác chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn của ngô lúa và cảnh chiều yên bình trên con đường về làng của bà con dân tộc Tày.


Tỉnh lỵ Cao Bằng nằm trên vùng đất bằng phẳng giữa những núi đồi chập trùng. Để đến thác bản Giốc có hai con đường bạn có thể chọn. Với cánh đi bụi bằng xe máy, họ sẽ tiến vào con đường Trà Lĩnh - Tổng Cọt nhiều thử thách để tiến sâu hơn vào mảnh đất vùng cao hiểm trở. Làng Tổng Cọt nổi tiếng với cây đa già và phiên chợ trâu mỗi sáng chủ nhật. Trong khi đó, con đường vượt đèo Mã Phục, vượt qua Quảng Uyên là lựa chọn của đa phần những người ưa thích được khám phá con đèo nổi tiếng này.
Được đánh giá là một trong những con đèo nổi tiếng nhất miền Bắc, đèo Mã Phục sở dĩ có tên như vậy là vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Vượt qua những khúc cua tay áo, những dãy núi thâm thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc trải dài những cánh đồng hoa tam giác mạch tim tím vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới. Từ Trùng Khánh vào đến xã Đàm Thủy chỉ còn khoảng 20 km. Cả thị trấn chỉ có duy nhất một nhà nghỉ. Nhưng quyết định nghỉ lại đây có phần khôn ngoan hơn vì phía trong xã không có nơi ngủ lại cho khách.
Xuôi theo con đường quốc lộ 3 về phía mảnh đất vùng cao Đông Bắc của tổ quốc, chúng tôi ghé tới thăm Cao Bằng.
Xuôi theo con đường quốc lộ 3 về phía mảnh đất vùng cao Đông Bắc của tổ quốc, chúng tôi ghé tới thăm Cao Bằng.
Con đường từ đây vòng vèo chạy theo dòng Quy Sơn (hay còn gọi là dòng Quây Sơn), một bên bát ngát cánh đồng ngô xanh, một bên là sông xanh biếc với những chiếc cầu tre bắc ngang thơ mộng và những guồng quay nước giã gạo của bà con dân tộc Tày. Giờ tôi mới hiểu thế nào là sơn thủy hữu tình. Cảnh non cảnh nước, cảnh trời mây. Không gian xanh thẳm. Xe đi giữa màu xanh của trời đất, không gian thoáng đãng, dễ chịu.
Từ rất xa đã thấy làn khói nước của thác Bản Giốc trắng xóa một góc trời, tiếng thác đổ ầm ào. Thác có 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Dưới chân thác là mặt sông rộng, với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh. Giữa sông vào ngày chủ nhật vẫn có phiên chợ giao lưu buôn bán giữa hai biên giới Việt - Trung.
Thác Bản Giốc nhìn từ trên cao giữa những màu xanh bạt ngàn của núi, rừng trời và sông nước.
Thác Bản Giốc nhìn từ trên cao giữa những màu xanh bạt ngàn của núi, rừng trời và sông nước.
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới nằm trên một đường biên giới giữa hai quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil - Argentina, thác Victoria giữa Zambia - Zimbabwe và thác Niagra giữa Canada và Mỹ) nhưng vì đường xá xa xôi nên số người đến tham quan thác chưa nhiều. Tập trung khách chủ yếu vào những ngày lễ. Gần thác, các bản làng cũng chưa phát triển dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ nên khách chỉ đến trong ngày rồi về vào buổi chiều. Trong khi phía bên kia biên giới đã xây dựng khu nghỉ với đường xuống thác sát đường ven rất đẹp, thuận tiện cho khách đến chơi và nghỉ lại qua đêm.
Bản hùng ca của nước.
Bản hùng ca của nước.
Thác Bản Giốc mùa mưa ầm ào tiếng nước đổ. Đứng từ rất xa vẫn bị màn mưa bụi làm ướt từ đầu đến chân. Vạn vật cây cỏ đều ẩm ướt. Trước thác là sông và cánh đồng lúa xanh rì. Từ trên cao nhìn xuống, dòng thác ngoạn mục đổ trắng xóa. Ánh nắng tạo nên những cầu vồng bảy sắc ngoạn mục. Cách thác Bản Giốc 3 km là động Ngườm Ngao rất đẹp dài nằm sâu trong lòng núi, bạn không nên bỏ qua.
Thời điểm để đến với thác Bản Giốc đẹp nhất là vào những ngày cuối xuân đầu hạ, khi những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ hoa, cái nắng gắt chưa đến và những cơn mưa mùa hạ chưa làm thác trở nên dữ dội với những dòng nước ngàu bọt.
Bài và ảnh: Lam Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét