Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Thăm Hoàng thành Thăng Long

TTO - Những ngày tháng 10, dòng người đổ về khu di tích Hoàng thành Thăng Long (số 18 Hoàng Diệu, Ba Đình) ngày một đông. Ai cũng háo hức đi thật sớm, ở lại thật lâu để chiêm ngưỡng di sản văn hóa thế giới giữa thủ đô tròn 1.000 năm tuổi.
Mặt trước của di tích Đoan Môn. Đoan Môn nguyên là công trình được xây dựng từ đời Lý với tên gọi Ngũ Môn Lầu, là cổng có vị trí quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi thức lễ của hoàng thành - Ảnh: Tiến Thành
Con đường Hoàng Diệu tĩnh lặng thường ngày giờ trở nên sôi động đến lạ lẫm. Từ cổng vào khu trung tâm di tích hoàng thành đã nhộn nhịp tiếng người í ới gọi nhau. Trên những bậc tam cấp của cột cờ Hà Nội cũng tấp nập người đến thưởng lãm.
Dấu vết của con đường ngự đạo xưa dưới cổng thành Đoan Môn. Con đường được dự đoán nối Đoan Môn và điện Kính Thiên thành một trục - Ảnh: Tiến Thành
Tôi thênh thang trên con đường nhựa dẫn đến khu trung tâm hoàng thành. Trước mặt là Đoan Môn, một tòa thành bề thế và cổ kính. Xưa kia nơi này là cổng thành phía nam dẫn vào Cấm Thành - nơi ở và làm việc của vua chúa cùng hoàng gia.
Đã ngót ngàn năm, Đoan Môn vẫn uy nghi tráng lệ với lối kiến trúc hình chữ U, ba tầng, năm vòm cổng bằng gạch vồ và đá tảng được công phu ghè đẽo. Khắp bề mặt tường thành từ ngoài vào trong được xếp phẳng tới mức hoàn mỹ. Ấn tượng hơn là những cánh cổng thành được dựng từ những phiến gỗ lim nguyên khối được lắp chạy trên một hệ thống bánh xe lớn bằng gỗ có bịt thép.
Phía dưới chân thành, những khóm hoa rực rỡ tỏa hương thơm ngát đem đến chút thi vị lẫn hoài cổ.
Đôi rồng đá thời Lê dài 5,3m, 9 khúc trong thế trườn xuống từ thềm điện Kính Thiên, được tạc năm 1467 - Ảnh: Tiến Thành
Qua Đoan Môn là điện Kính Thiên, vị trí quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long. Sử sách chép lại qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đây là nơi vua quan cùng bàn những việc quốc gia đại sự.
Tiếc là qua thăng trầm của lịch sử điện đã thành phế tích, chỉ còn nền đất rộng 2.000m2 và một đôi rồng đá thời Lê dài 5,3m, uốn 9 khúc - biểu tượng quyền lực của các bậc đế vương.
Di tích Hậu lâu hay còn gọi là lầu Công Chúa hay Tĩnh Bắc lâu - tòa lầu gác trong cùng của trung tâm hoàng thành - Ảnh: Tiến Thành
Khung cảnh phía dưới nhìn từ lầu 3 di tích Hậu lâu - Ảnh: Tiến Thành
Hậu Lâu (hay lầu Công Chúa) là tòa lầu trong cùng, gần sát với Bắc Môn - cửa thành phía sau hoàng thành. Đó là một tòa lầu 3 tầng, xưa là nơi ở của các cung tần mỹ nữ. Nhưng đến thời Pháp đã bị phá hủy và xây mới nên có sự hòa trộn giữa kiến trúc cung đình Việt Nam và kiến trúc Pháp. Dấu hiệu nhận biết là những viên ngói ống, góc cong trang trí đầu rồng, những bức phù điêu đắp nổi trên bức tường dày cộm…
Súng thần công bên cổng vào di tích Hậu lâu - Ảnh: Tiến Thành
Thành Cửa Bắc xây dựng từ thời Nguyễn, trên nền Cửa Bắc thời Lê và hoàn thành năm 1805. Nơi đây còn lưu lại những vết đạn của súng thần công do thực dân Pháp bắn phá ngày 25-4-1882 - Ảnh: Tiến Thành
Từ đường Hoàng Diệu rẽ ra Phan Đình Phùng là cổng thành Cửa Bắc (Bắc Môn) - nhân chứng sống của buổi đầu lịch sử chống thực dân xâm lược. Trên bức tường thành vẫn hằn in vết đạn của khẩu súng thần công mà thực dân Pháp bắn ngày 25-4-1882. Vị tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu đã tuẫn tiết tại đây.
Năm tháng có qua đi, vết đạn năm xưa vẫn luôn là chứng tích ngàn đời về tội ác chiến tranh và về ý chí không chịu khuất phục trước xâm lăng của người sĩ phu đất Bắc.
Lối lên Hậu lâu - Ảnh: Tiến Thành
Khu khảo cổ học hoàng thành với những dấu tích thời Trần, Lê, Nguyễn  - Ảnh: Tiến Thành  
Ngày nay Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một di sản văn hóa thế giới. Đó là niềm tự hào khôn xiết của mỗi người dân Việt. Những thách thức về bảo tồn di sản theo đó được đặt ra, những bí ẩn lịch sử về hoàng thành cần phải được giải mã để mỗi người tìm đến - ôn cũ và biết mới về lịch sử của dân tộc.
TIẾN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét