Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Thăm Huyền Không Sơn Thượng

TTO - Từ thành phố Huế đi về hướng tây gần 10km mới thật sự tới đoạn đường thử thách. Trưa nắng chang chang, chiếc xe máy cài số một cứ gầm gừ nhích từng chút một qua những ổ voi, ổ gà hơn 3km đường đất ngoằn nghèo dọc triền núi nữa mới tới được chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Hai bên đường nhà cửa thưa thớt lọt dưới những tàng cây rợp bóng, thảng gặp vài ao nhỏ với dăm ba chú vịt nhàn rỗi bơi lội, quang cảnh rất hoang sơ.
Am nhỏ cho khách nghỉ chân ngắm thư pháp thấp thoáng bên hồ

Xây dựng đã khoảng 20 năm, tới nay ngôi chùa vẫn tiếp tục được hoàn thiện.
Chùa tọa lạc trên khu đất rộng dưới chân núi Hòn Vượn, ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển. Ngút tầm mắt chỉ là màu xanh rợp của rừng và lá, nhưng ngay từ lúc bước chân vào khu vực chùa nhiều người đã sững sờ trước một hồ rộng ngút ngàn các loại sen, súng đủ sắc đỏ, tím, hồng… đua nhau khoe sắc.
Bên kia hồ, thấp thoáng trong màu xanh cây lá là mái ngói hồng của gian nhà thư pháp cho khách nghỉ chân thưởng lãm những tác phẩm thư pháp. Các cụm kiến trúc được xây dựng rất giản dị, thông thoáng, không lệ thuộc những cốt thép ximăng nặng nề sơn vẽ lòe loẹt, hài hòa với thiên nhiên núi rừng.
Cầu Lãm Thượng

Bước qua cầu Lãm Thượng tới phần kiến trúc chính của chùa, chợt đôi chút phiêu diêu trước cảnh rừng thông hàng vạn cây tỏa bóng, hương nhựa thông theo gió thoang thoảng ướp không gian. Với những người yêu văn thơ và có chút tâm hồn nghệ sĩ, có thể nói đây là thiên đường cho cảm xúc thăng hoa vì mỗi mét đất nơi núi rừng rộng lớn này đều được chăm chút cẩn thận qua những vườn cỏ, vườn lan, vườn đá, những giống cây cảnh quý hiếm tuyệt đẹp.
Huyền Không Sơn Thượng là một trong tám ngôi chùa ở Huế tu theo phái Nam Tông tiểu thừa, giữ nguyên gốc Phật giáo nguyên thủy của Ấn Độ nên gian chính điện và các am hay ngoài vườn chỉ duy nhất thờ tượng Phật Thích Ca. Bởi vậy nội thất các gian thờ cũng hết sức giản dị thông thoáng, không bài trí rườm rà hay tạo ấn tượng nặng nề cho khách vãng cảnh.
Trong khuôn viên chùa còn có am Mây Tía để các thi nhân mặc khách tìm đến đàm đạo, bình thơ, cũng là nơi các nhà thư pháp tìm tới luyện bút, khoe chữ.
Hiếm ở đâu chữ thư pháp hiện diện với mật độ nhiều như nơi đây: thư pháp khắc trên đá trong vườn, chạm trên gỗ, trang trọng treo trên các vách tường và cả trên cột cổng tam quan, nói về những điều hay lẽ phải ở đời, những cảm xúc trước thiên nhiên hay những lời Phật răn dạy con người trong đối nhân xử thế…
Bên hiên tư thất của sư trụ trì, dưới những giò phòng lan treo đầy trên cao thả từng chùm bông khoe sắc, một du khách đang ngồi đàm đạo chuyện đời, chuyện đạo cùng trụ trì. Chợt nghe một cảm giác rất lạ xâm chiếm như cuộc sống bộn bề hình như ở xa nơi này lắm.
Thơ thẩn dạo bước trong khuôn viên thích thú ngắm nhìn từng khóm hoa tảng đá, gặp một nhóm người đang lặng lẽ khoanh chân ngồi xếp bằng thiền dưới những gốc thông già, chúng tôi cũng tìm một góc riêng thả cho tâm hồn mình thanh tịnh…  
Vượt quãng đường núi vất vả để tới chốn hoang sơ tìm chút thanh tịnh thật sự không hề uổng. Một sư thầy cho biết có rất nhiều người khi tới nơi đây đã tự động tìm một góc riêng ngồi thiền trong ít phút như vậy. Đều dặn mỗi chiều hay thậm chí với nhiều người, có chút thời gian rảnh cũng sẵn sàng ghé chùa lặng lẽ ngồi thiền như một thói quen thanh tịnh… 
Tượng Phật Thích Ca trong khuôn viên chùa

Bên hiên tư thất, trụ trì cùng đàm đạo chuyện đời, chuyện đạo với khách vãng chùa

Du khách tới thăm chùa ngồi thiền bên rừng thông tìm chút tĩnh tâm

HƯƠNG VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét