Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Thắng cảnh suối nước Vàng

Cách thành phố Bắc Giang chừng 60 km về phía đông bắc, thắng cảnh nước Vàng ở xã Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử là điểm đến đầy kỳ thú cho các chuyến dã ngoại của những du khách “bụi” đi tìm cảm giác mạnh. Độc giả Nguyễn Văn Hưởng viết.
Đường vào suối nước Vàng quanh co, uốn lượn, những cung đường đất đá chênh vênh, mỗi khi có trận lũ đi qua mọi thứ đá sỏi, cành cây, lá rừng lại chặn ngang khiến đường đi càng thêm khó. Những con suối vắt ngang đường làm xe không thể lội qua, người dân Lục Sơn dựng những chiếc cầu tạm bằng gỗ thì mới có thể đi được.
Từ UBND xã Lục Sơn đến suối nước Vàng chừng 5 km, đường đá sỏi lô nhô, những con “tuấn mã” mang nhãn hiệu Mink của Nga được nhiều du khách chọn làm phương tiện trên hành trình đầy gian nan này.
Núi rừng Tây Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng.
Nước Vàng là tên gọi của dòng suối chảy từ trên đỉnh dãy núi Phật Sơn thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, (núi Phật Sơn), tên gọi của con suối cũng chính là màu nước rất độc đáo và kỳ lạ ở đây. Quanh năm nước chỉ có một màu duy nhất đó là màu vàng óng như màu mật ong rừng, những du khách mới đến đây lần đầu đều không khỏi ngạc nhiên về màu nước độc đáo và đặc trưng có một không hai trên đất nước ta này.
Đến suối nước Vàng là đến một vùng đại ngàn hùng vĩ, bao la rộng lớn, khu bảo tồn rừng nguyên sinh Tây Yên Tử với hệ thảm thực vật, động vật phong phú, đa dạng, các loài lan rừng, thảo dược quý hiếm như: trầm hương, ba kích, sa nhân, Pơ mu… cùng các loài động vật như: vọc đen má trắng, gấu ngựa, hươu vàng, sóc, cầy hương cùng các loài chim rừng… Khí hậu nơi đây ôn hòa, mát mẻ các tháng cuối năm thường có mây mù bao phủ rất thích hợp cho việc du lịch nghỉ dưỡng.
Du khách trải qua những khoảnh khắc vượt thác, băng rừng, lội suối đầy thú vị và đáng nhớ. Để khám phá và chinh phục con suối từ phía hạ nguồn lên miền thượng mất quá nửa ngày, sau khi băng qua gần 20 thác ghềnh lớn nhỏ, một số thác đẹp như thác Anh Vũ, thác Mây, Thác Giót, Thác Nước Vàng… Thác nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn và lạ mắt, phía dưới mỗi thác đều có những bồn tắm thiên tạo có thể chứa đến vài chục người, là nơi để bạn có thể thỏa sức vùng vẫy, giải nhiệt cùng dòng nước mát lạnh từ trên cao dội lên cơ thể ta.
Đường đến nước Vàng. Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng.
Đỉnh suối nước Vàng cách chùa Đồng - Yên Tử và am Ngọa Vân (nơi Điều Ngự Giác Hoàng - vua Trần Nhân Tông tu ẩn và viên tịch tại đây) không xa, đứng bên này có thể trông thấy rất rõ Yên Tử bên sườn đông. Từ đây du khách có thể vượt núi Phật Sơn để lên thiền viện Hồ Thiên (nơi tổ đệ nhất Trần Nhân Tông tu hành, giảng đạo).
Danh thắng nước Vàng được UBND tỉnh Bắc Giang khoanh vùng bảo vệ và ra quyết định công nhận là danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Danh thắng nước Vàng, núi Phật Sơn - Yên Tử với những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm và nhiều thảo mộc, muông thú, lại vắt lên mình một dòng suối có sắc vàng lung linh và bồn tắm thiên tạo, chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách khi đến đây.
Nguyễn Văn Hưởng

Theo vnexpress.net

Khám phá suối Nước Vàng

Dòng suối nước màu mật ong, một thảo nguyên trên núi cao... Tất cả cứ ngỡ trong mơ. Nhưng với chúng tôi, chuyến du ngoạn về suối Nước Vàng (huyện Lục Nam, Bắc Giang) là câu chuyện cổ tích có thật.
Vượt qua bảy con suối như thế này mới tới được thác Giót - Ảnh: Tiến Thành
Vượt qua bảy con suối như thế này mới tới được thác Giót - Ảnh: Tiến Thành
Hành trình tới suối Nước Vàng không đơn giản như chúng tôi nghĩ. Cánh xe ôm Lục Nam cũng mới chỉ nghe nói tên suối chứ chưa một lần đến đó. Từ thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam) đi khoảng 37km đến ngã ba chợ Đủng Đỉnh. Những người dân ở thôn Đồng Vành (xã Lục Sơn) bảo đến đấy còn phải vượt qua bảy con suối nữa mới lên được thượng nguồn thác Giót.
Chiếc xe xóc nảy như ngồi trên lưng ngựa qua những con đường đất đá lởm chởm... Mặt trời treo trên đỉnh đầu, chúng tôi mới đặt chân đến con suối đầu tiên. Những mệt mỏi chùng trên đôi chân, mồ hôi lã chã trên mặt được xua tan bởi hơi nước mát lạnh tỏa lên từ mặt suối.
Dõi mắt nhìn ra xa, nơi thác Giót hùng vĩ gọi mời, chỉ thấy ngút ngàn cây cối, lớp lớp mây vờn trên đỉnh núi chập chùng. Chặng đường hứa hẹn những gập ghềnh, hiểm trở...
Đến con suối thứ hai, theo lời khuyên của những người săn phong lan, chúng tôi quyết định nán lại trạm kiểm lâm Nước Vàng đóng ở cửa rừng để lấy sức khởi hành vào sớm mai.
Trời đổ mưa, cơn mưa rừng nặng hạt nhưng mau ngớt. Trời xanh dần, bên đập nước ríu rít tiếng trẻ con trong làng chơi đùa. Mới 17g nhưng đàn trâu đã thong thả ra về trong tiếng túc tắc vui tai.
Thôn Đồng Vành không có hàng quán, người dân phải đi chợ mất 7km, một tuần chỉ có 2-3 phiên chợ nên tối hôm ấy chúng tôi được thưởng thức bữa cơm đặc biệt với canh măng rừng, đĩa lạc rang và đĩa trám kho... mặn chát. Trạm kiểm lâm có ba người, vừa ăn mọi người vừa rộn ràng chuyện trò trong ánh đèn tù mù nạp bằng bình ăcquy xe máy.
Bên ngoài bóng tối và rừng già bao phủ một màu đen kịt.
Hành trình xuyên rừng
Được sự tình nguyện dẫn đường của “thổ địa” Lương Văn Cường, 7g sáng khi ánh nắng vừa xé toang màn sương mù trên dãy Phật Sơn, chúng tôi bắt đầu hành trình tới thác Giót. Cường sinh năm 1990, dáng gầy nhưng nhanh nhẹn, hay cười hay nói. Cường đi trước, vừa dò đường vừa hướng dẫn chúng tôi chụp ảnh như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.
Đường tới thác Giót dài 4km nhưng hiểm trở, khó đi. Giữa rừng già thâm u, vắt, muỗi và bụi gai... trở thành nỗi ám ảnh. Băng qua những lùm cỏ dại, cây cối chắn ngang đường... đôi bàn tay chẳng mấy chốc đã rướm máu. Cứ đi một quãng, cả đoàn phải dừng lại gỡ vắt.
Nhưng hiểm trở hơn cả là những vách núi đá dựng đứng, phải bám vào cây rừng, xê thật nhẹ bàn chân mới leo tới thượng nguồn.
Bù lại, cứ một quãng lại bắt gặp dòng suối nước vàng óng ánh như mật ong. Dưới lòng suối là những viên sỏi trắng, đá nhám vàng. Tiếng suối róc rách, khi réo rắt khi êm đềm tạo nên những âm điệu trầm bổng của bản nhạc núi rừng.
Sau hơn ba giờ băng rừng vượt suối, cuối cùng thác Giót hùng vĩ cũng hiện ra trước mắt. Dòng thác như dải lụa phấp phới bay trong gió. Hết lớp nước này đến lớp nước khác chạm vào đỉnh đá bắn ra hàng tỉ bọt nước mát lạnh bao trùm không gian. Ngồi trước bậc đá phủ rêu vàng có thể liên tưởng đến việc ngồi trong căn phòng có máy lạnh, không gì tuyệt bằng.
Ngỡ ngàng thảo nguyên trên núi cao
Đang ngồi thảnh thơi, chợt Cường bảo: “Đã lên thác Giót mà không đến đồng cỏ xanh thì kể như chưa đến đây”. Cái tên đồng cỏ xanh khiến bọn tôi tò mò, thế là lại balô, máy ảnh trên vai, tiếp tục hành trình. Con đường rừng 2,5km băng qua những bụi rậm, những rừng tre xanh mướt, mỏm đá phủ đầy rêu phong. Gần hai giờ loanh quanh trong rừng, đã có lúc bị lạc đường nhưng rồi mọi sự tốt đẹp.
Cảm giác choáng ngợp khi trước mắt là một đồng cỏ rộng thênh thang, điểm xuyết những cánh hoa tím ngát và những hòn đá tảng hình thù kỳ lạ như con rùa, quả trứng, hình người ôm ấp... Đặc biệt trên những tảng đá nằm bẹp dưới đất, từ các khe tiết ra thứ nước trong vắt, nhìn từ xa có ảo giác như một dòng suối đang tuôn chảy giữa thảo nguyên, cảnh vật cứ nửa hư nửa thực...
Cả bọn ngất ngây, bỗng chốc bao mệt mỏi như được xua tan!
14g30, trời lại đổ mưa cũng là lúc chúng tôi xuống núi về nhà. Đường rừng trơn và dốc nên cứ thế tất cả bám vào cây rừng để... trượt. Cầm hơi bằng những quả sim chín dọc đường, cuối cùng bọn tôi cũng xuống được tới cửa rừng trước khi màn đêm bao phủ...
Theo TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét