Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Thành Hồ và thần Cao Các


Thành Hồ là công trình quân sự của người Chăm được xây dựng từ thế kỷ thứ VII nằm trên địa phận xã Hoà Định Đông huyện Phú Hoà, cách Tp. Tuy Hoà về phia Tây 13km trên QL25. Trải qua bao biến cố lịch sử, thành Hồ chỉ còn dấu vết của những bờ tường phủ đất cao. Gạch xây thành bị chiến tranh và dân địa phương tàn phá, tháo dỡ. Thành Hồ được phân thành hai khu vực riêng biệt, nối lại bằng một bờ thành dài hơn 700 mét. Khu phía tây giáp núi Hòn Mốc, khu đông thấp hơn mà dấu tích lưu lại là là một số hố khai quật khảo cổ còn nhiều viên gạch xếp chồng lên nhau tựa như những khoảnh sân, lối đi rộng hẹp không đều.

070428-cao-cac.jpg
Đền thờ thần Cao Các  - Ảnh: TRẦN QUỲ

Mọi thông tin mang tính chất sử học về thành Hồ, ngày nay chỉ còn được biết đến trên những dấu phế tích hoang tàn. Nhưng trong quyển “Non Nước Phú Yên” của ông Nguyễn Đình Tư, thì Thành Hồ liệt vào chương cổ tích, và được mô tả như sau: “… mỗi phía thành có mở hai cửa ra vào, gọi là cửa sinh và cửa tử. Cửa sinh là cửa dùng cho quân lính ra vào hàng ngày, không có gì là nguy hiểm, nhưng lại được canh gác rất cẩn mật. Trái lại, cửa tử là cửa để cho quân địch vào, và lẽ dĩ nhiên, sẽ bị những bẫy đã được bố trí sẵn làm thiệt mạng. Cửa này canh gác sơ sài, cố ý đánh lừa quân địch. Người ta kể lại rằng: khi ông Lương Văn Chánh vào đánh Chiêm Thành, cứ điểm kháng cự cuối cùng của địch quân là Thành Hồ, tướng tiên phong của ông là Cao Các đến công kích thành, thấy có cửa kém đề phòng, thúc quân vào, liền ngộ nạn tử trận. Do cái chết đó người ta khám phá ra cửa sinh và cửa tử. Ông Lương Văn Chánh liền thúc quân đánh phá các cửa sinh và phá được thành” [45, tr.108]. Tất cả các tư liệu có liên quan đến Thành Hồ còn lưu lại đến ngày nay chỉ có vậy.

Nhưng liên quan đến Thành Hồ còn có một địa danh là đèo Dinh Ông, và ông Nguyễn Đình Tư mô tả một cách sơ sài như sau: “Ngày nay, phía trên Thành Hồ, sát liên tỉnh lộ số 7 bên sườn núi còn có đền thờ Cao Các, mà dân địa phương thường gọi là Dinh Ông. Tại đây có cái đèo mang tên là đèo Dinh Ông” [45, tr.108].

Cao Các là ai, trong chính sử không thấy ghi lại, tuy nhiên có nhiều công trình sưu tầm hiện nay lại khẳng định Cao Các là một viên tướng của Lương Văn Chánh, như trong tập “Danh Nhân Lương Văn Chánh” đưa Cao Các từ nhân vật dã sử thành nhân vật chính sử: “Trợ giúp cho ông Lương Văn Chánh có các phụ tá Cao Các, Trần Tài, Văn Phong… Các ông Cao Các, Trần Tài được ông Lương Văn Chánh trực tiếp giao quản lý dân và điều hành công việc khai hoang, tổ chức định cư ở khu vực 1 và 2..”. Trong tập sách này, các tác giả còn đưa ra những tư liệu không có căn cứ xác thực: “Năm 1578 ông Lương Văn Chánh cùng với các phó tướng là Văn Phong, Cao Các chọn binh sĩ trong số lưu dân của ông tổ chức đánh úp Thành Hồ” (!?) [6, tr.33].

Trong tâm thức nhân dân bấy lâu nay vẫn tin Cao Các là một vị tướng có công lao lớn đối với quốc gia, dân tộc nên suy tôn thành thần và thờ phụng ông như bậc khai quốc công thần, hằng năm đều cúng tế linh đình, và hình bóng ông sống mãi trong lòng người dân như một huyền thoại anh hùng dân tộc.

Thật ra trong các khảo cứu, đối chiếu, so sánh thì Cao Các chính là một vị nhiên thần giúp nước độ dân như các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố.

Về vị thần Cao Các, xin được trích dẫn bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Sĩ Huệ viết như sau:

Ông Lê Nguyên Thẩm có kèm theo 5 bản sao các đạo sắc, một sắc  phong của vua Tự Đức và 4 sắc chỉ cho tiếp tục thờ phụng của các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định.

Nội dung sắc phong năm 1852 (dịch nghĩa):

Sắc: Cao Các Quảng Độ tôn thần nguyên (được) tặng (là) Hoằng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phù Hựu Trạc Dương Thượng đẳng thần, giúp nước độ dân thực rõ linh ứng. Đến nay, cả vâng mệnh lớn kính nghĩ ơn thần gia tặng (là) Hoằng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phù Hựu Trạc Dương Trác Vĩ Thượng đẳng thần. Vẫn chuẩn cho thôn An Nghiệp huyện Tuy Hòa phụng sự như cũ. Thần hãy giúp đỡ bảo vệ cho lê dân của ta. Kính thay!

Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5. 
Nội dung sắc chỉ năm 1924 (dịch nghĩa):

Sắc cho xã An Nghiệp tổng Hòa Tường phủ Tuy Hòa tỉnh Phú Yên theo như trước mà phụng thờ Cao Các Quảng Độ Đại Vương nguyên được tặng (là) Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần giúp nước độ dân thực rõ linh ứng đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng sự. Đến nay đúng dịp tứ tuần đại khánh của trẫm đã ban chiếu giáng ân đăng trật lễ lớn, đặc chuẩn phụng sự như cũ để ghi nhớ quốc khánh và mở rộng đền thờ. Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9.

(…)

Về địa điểm miếu thờ Cao Các, ông Lê Nguyên Thẩm viết:

Jusqu’en 1922, le temple du génie était situé sur un montagne au bord du song Ba (village d’An Nghiep). Dans la même année, se faisait l’étude des Iirigations don’t le canal principal traverse justement remplacement du temple. Celui-ci alors transféré sur un terrain propre et aéré du village.

Dịch nghĩa: (Từ trước) cho đến năm 1922, ngôi đền thờ vị thần được xây cất trên một hòn núi cạnh bờ sông Ba (thuộc làng An Nghiệp). Trong năm này công trình dẫn thủy nhập điền tiến hành khảo sát thì kênh chính chạy trúng vị trí ngôi đền. Lúc bấy giờ phải di chuyển ngôi đền đến một khoảnh đất của làng sạch sẽ và thoáng đãng. 

Ông Lê Nguyên Thẩm còn cho biết trước kia mỗi năm cúng tế hai lần vào mùa xuân và mùa thu, hiện nay chỉ cúng tế một lần vào mùa xuân. (Ông Lê Nguyên Thẩm ghi ngày 10 tháng 12 năm 1937)”. [19, tr.83]. 

Về lai lịch của vị thần Cao Các, ông Trần Sĩ Huệ dẫn các sách báo đưa vào bài viết của mình (đã dẫn trên) như sau:

Tìm tông tích của thần xin cậy vào tác phẩm “Đình Nam Bộ Xưa Và Nay” (Nxb Đồng Nai 1999). Hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường đã thống kê các vị thần được nhà Nguyễn phong tặng. Trong số các “nhiên thần” có vị thần núi là “Cao Các Thượng Đẳng thần”. Mỹ tự vua Minh Mạng phong tặng là “Hoằng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu”, sau đó gia tặng “Phù Hựu”, vua Thiệu Trị gia tặng “Trạc Dương”, vua Tự Đức gia tặng “Trác Vĩ”, nhiều sắc phong với mỹ tự: “Hoằng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phù Hựu Trạc Dương Trác Vĩ Thượng đẳng thần”.
Hai ông Huỳnh và Trương còn đi vào chi tiết hơn:

“Theo Nguyễn Duy Hinh trong quyển Tín Ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam thì Cao Các Đại Vương chủ yếu có gắn bó với dân Thanh Nghệ. Khi họ di cư vào phía Nam theo Nguyễn Hoàng thì thần Cao Các cũng vào Đàng Trong. Nhiều tài liệu cho thấy chỉ vùng Thanh Hóa có làng thờ Cao Sơn Đại Vương. Tài liệu chính thức của nhà Nguyễn là Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ cũng xác nhận Cao Các và Cao Các Đại Vương chỉ là một thần hiệu. Thanh Hóa liền với Ba Vì, có thể tín ngưỡng thờ thần Cao Sơn (hay Cao Các) tức thần núi Tản Viên có thể trực tiếp vào Thanh Hóa, Nghệ An và được tôn thờ phổ biến hơn ở vùng ngoài. Nhưng ở miền Trung và miền Nam chỉ thấy thờ danh hiệu Cao Các, không thấy thờ danh hiệu Cao Sơn… Mỹ tự thần Cao Các thường gặp là: Bổn xứ Cao Các tôn thần, Bổn xứ Cao Các đại vương tôn thần, Bổn xứ Thành Hoàng Cao Các đại vương chi thần…” [19, tr.83].

Như vậy truyền thuyết trong dân gian bấy lâu nay đã nhầm một Cao Các là vị nhiên thần giúp nước độ dân trở thành một vị tướng giỏi ở cuối thế kỷ XVI có công lao đánh giặc cứu nước đã ăn sâu vào tâm thức mọi người. Nhưng dẫu cho Cao Các là nhiên thần hay vị tướng tài ba thì ngàn đời sau ông vẫn còn mãi những hình ảnh đẹp trong lòng mọi người.

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét