Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Tiên nữ Bàu Hương

Bàu Hương và núi Hương xưa kia là hai thắng cảnh của hai xã Hòa Phong và Hòa Mỹ, nay ở địa phận huyện Tây Hòa.


Núi Hương thuộc xã Hòa Phong, cao 142 mét, có con sông nhỏ chạy vắt qua chân núi rồi vòng xuống thôn Thạnh Phú của xã Hòa Mỹ. Tại đây dòng sông nhỏ bỗng dưng phình to ra tạo thành bàu rộng mà dân gian gọi là bầu Hương. Ông Nguyễn Đình Tư viết về núi Hương như sau: “Núi Hương không cao (132 mét) nhưng cảnh trí nơi đây đầy thơ mộng, dưới chân núi có bầu Hương, sâu đến 18 sải, nước ngập quanh năm, cá tôm đủ thứ. Theo tục truyền thì xưa kia, nơi đây có một con rùa khổng lồ, thường nổi lên mặt nước, làm thành một tấm phù thạch chư tiên hiện xuống ngồi uống rượu đánh cờ trong những đêm trăng êm dịu hay những ngày xuân mát mẻ. Dưới chân núi có chùa Hương Tích, khách thập phương tới lui không ngớt. Và điều đặc biệt là phụ nữ vùng này rất đẹp,ăn nói có duyên và đa tình”. [45, tr.27].

070421-Bau-Huong.jpg
Bàu Hương - Ảnh: Trần Quỳ

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có nhà chí sĩ về ẩn cư tại đây, lập một thư quán tên gọi Tam Thai. Trong cuốn địa chí “Non Nước Phú Yên” của mình, ông Nguyễn Đình Tư đã trích đăng bài thơ của ông Tam Thai vịnh cảnh đẹp nơi đây:

Bàu Hương mà núi cũng Hương

Nước bích non xanh cảnh khác thường
Sâu cạn quanh co bàu một giải
Vuông tròn cao thấp núi năm sườn
Thiên nhiên tám cảnh gồm năm xã
Địa thắng ngàn xưa chiếm một phương
Mai, Sặc, Thơm, Lây[1] bao phủ lại
Tam Thai thư viện mở văn chương. [45, tr.27]. 
Năm 1937, sư Vạn Ân đi ngang qua đây, thấy cảnh sơn thủy hữu tình bèn dừng chân lập chùa Hương Tích, thu nạp tín đồ mộ đạo ngày càng đông. Ngày nay Hương Tích là một trong các ngôi chùa lớn của tỉnh Phú Yên.

Cả một cụm núi Hương, bàu Hương và chùa Hương Tích đã tạo nên một thắng cảnh đẹp. Và bên cạnh đó còn truyền tụng một truyền thuyết bàng bạc màu sắc lãng mạn về cuộc tình duyên giữa người trần và tiên giới. Truyện được kể lại nhiều đời như sau: 

Ngày kia, có một chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ, nghèo khổ. Một thân một mình tự lập nuôi lấy thân. Túp lều tranh nhỏ dựng dưới chân núi, ngay sát cạnh bàu chỉ đủ chỗ để chàng trai nọ tránh nắng mưa.

Để có cái ăn, cái mặc hàng ngày chàng trai trẻ kia phải cật lực vỡ hoang, trồng tỉa khoai sắn, chăn nuôi gia súc. Nhờ chăm chỉ làm ăn và gặp mưa thuận gió hòa, nên chẳng bao lâu sau cơ ngơi của chàng đã khấm khá: ruộng đất được vài mẫu, nhà cửa dựng lại khang trang hơn trước, nương lúa, nương dâu mượt màu xanh mơn mởn.

Vào một đêm trăng sáng vằng vặc, bầu trời cao trong xanh huyền diệu, các nàng tiên nữ rủ nhau ngắm cảnh hạ giới. Họ ngao du khắp chốn sơn cùng thủy tận, nơi nào cũng đẹp, cũng lạ. Cuối cùng bầy tiên nga đến chân núi này, nhìn thấy cảnh đẹp chẳng khác chốn bồng lai, bèn dừng chân men theo các nương lúa rẫy bắp của chàng thanh niên nọ. Rong số họ có nàng tiên út, vì mải mê ngắm cảnh trần gian, vô ý để tà áo của nàng vướng lên những luống bắp, luống khoai. Và lạ thay, tấm áo của nàng từ màu trắng muốt bỗng dưng hóa thành màu xanh của cây lá và không thể nào cất mình bay lên được nữa, đi đứng rất khó khăn. Những nàng tiên khác trong bầy hoảng hốt, vội vàng dìu nhấc nàng cùng bay về trời. Nhưng mọi cố gắng đều hoài phí. Họ đành để nàng ở lại đó, và trước khi chia tay, một người trong bọn họ không quên trao cho nàng viên ngọc quí và dặn rằng:

-Em hãy giữ vật này hộ thân. Khi nào về trên ấy, may xong áo các chị sẽ mang xuống cho em mặc, đón em về trời.

Nói xong các nàng tiên  bay mất trong tầng không.
Sáng hôm sau, chàng trai vác cuốc thăm rẫy, thấy một con thỏ có bộ lông màu xanh mượt rất lạ mắt đang thung dung gặm cỏ, vừa đùa giỡn với muôn ngàn cánh bướm màu sắc sặc sỡ đang chao lượn bên trên. Chàng đến gần, con thỏ không chạy trốn mà tỏ ra rất thân thiện. Chàng bèn mang về nuôi.

Hàng ngày chàng chăm sóc tử tế, nào cỏ non, củ lạ tươi tốt… Cho đến một ngày kia, chàng trở về nhà lúc chiều xâm xẩm tối, thì thấy nhà cửa như có ai quét dọn sạch sẽ, xếp đặt ngăn nắp. Càng lạ lùng hơn là trên bàn có mâm cơm bày sẵn, thức ăn còn nóng hôi hổi như vừa nấu xong. Lòng phân vân, nhưng bụng đang đói nên chàng ngồi vào bàn ăn uống ngon lành.

Những ngày tiếp sau, khi trở về nhà chàng đều thấy cảnh tượng như ngày đầu tiên: nhà cửa quét dọn sạch sẽ, mâm cơm bày sẵn… Sinh nghi, ngày hôm sau chàng dậy từ sáng tinh mơ vác cuốc lên nương, nhưng nửa đường chàng lộn quay về, nhìn thấy con thỏ đang thoát xác biến thành người thiếu nữ đẹp tuyệt trần. Chàng chạy tới cầm lấy tay nàng khiến nàng không kịp trở lại xác thỏ. Từ đó hai người quyến luyến, yêu thương nhau và trở thành vợ chồng, sinh được mụn con trai kháu khỉnh. Ban ngày chàng làm công việc đồng áng, nàng ở nhà thêu thùa, cơm nước, cuộc sống rất hạnh phúc. Của cải tạo dựng được càng nhiều hơn. Và do đó tiếng đồn lan xa, tới tai tay trọc phú trong vùng.

Một bữa nọ, tên này giả danh người đi mua thổ sản, tới nơi ở của hai vợ chồng, hắn nhìn thấy vợ chàng nông phu là một thiếu phụ đẹp có một không hai, lòng nổi tà tâm muốn cướp ngay vợ người, bèn sai những tên đầy tớ theo hầu bắt trói nàng mang về làm thiếp.

Trong cơn nguy khốn, nàng chợt nhớ đến viên ngọc các chị trao cho trước khi về trời, liền chạm tay vào khấn: “Ngọc ơi! Hãy cứu ta”. Tức thì trời đất bỗng tối sầm lại, sấm chớp đùng đùng, giông gió nổi lên đẩy ngã tên trọc phú và đám lâu la chết chìm trong hồ nước. Hai vợ chồng lại sống cuộc sống an bình với đứa con ngày mỗi lớn khôn.

Ngày kia chàng ra đồng, vợ ở nhà khâu vá, nội trợ, bỗng đâu có cơn gió thoảng qua và các nàng tiên năm xưa xuất hiện trước khung cửi, nói:

-Các chị đã cố gắng may xong áo sớm nhất cho em để kịp về mừng thọ cha mẹ.

Nàng đang bịn rịn, chần chờ bên đứa con thơ chưa kịp suy tính thiệt hơn thì các nàng tiên khoác tấm áo mới cho nàng và nhấc bổng bay về trời. Nàng chỉ kịp ném viên ngọc quý xuống đất cho chồng phòng thân sau này.

Khi trở về, chàng chỉ thấy đứa con đang thơ thẩn trong sân mà không có mẹ bên cạnh. Chàng chạy ra mé bàu nước, lập tức một bông sen trắng muốt từ dưới hồ vươn lên xòe cánh và tỏa ra mùi hương thơm ngát, sau đó là cả một bàu sen trắng, hương bay khắp vùng…” 

Có lẽ từ tích này, nên nhân dân trong vùng đặt tên là bàu Hương, trở thành cảnh đẹp có tiếng. Sau này trong dân gian có câu:

Ngó lên Mỹ Thạnh cảnh tiên

Cảnh tiên chưa thấy, thấy duyên của nàng
Muốn gây tơ tóc cùng nàng

Sợ e duyên kiếp bẽ bàng mai sau để chỉ mối tình ngắn ngủi trong huyền thoại vừa là lời bóng gió của chàng trai xứ khác với các cô gái Mỹ Thạnh, bàu Hương. Vì thiếu nữ bàu Hương nổi tiếng nhan sắc xưa nay : “Trai ngũ Thạch[2], gái bàu Hương”

 Dị bản:

Liên thông với bàu Hương, ở phía dưới có một bàu nước nhỏ khác mà dân địa phương gọi là bàu Trạnh. Chuyện kể cũng mang màu sắc thần tiên như ở bàu Hương, nhưng khác ở chỗ đây lại là các tiên ông:

Một ông lão chuyên sống bằng  nghề bắt cá quanh khu vực bàu Hương. Buổi trưa nọ, ông lão mang dẹp đặt xuống bầu xong, lên bờ ngồi nghỉ dưới bóng cây to. Nhìn xuống lòng hồ, bỗng nhiên ông thấy mặt nước xao động, rồi sau đó một con trạnh to ngoi lên, bơi quanh bàu rồi lại lặn xuống. Một lát sau, giữa mặt bàu mặt nước lại xao động và con tranh lại nổi lên. Nhưng lần này trên lưng nó có hai ông lão râu tóc bạc phơ, cốt cách nho nhã, ngồi đánh cờ trên lưng trạnh. Ông lão đánh cá sửng sốt nhìn hai người đang mải mê đánh cờ, chợt cơn ho đột ngột nổi lên. Nghe tiếng động con trạnh lập tức lặn xuống đáy bàu và hai ông lão đang đánh cờ khi nãy cũng biến mất. Liền lúc đó, trời đất bỗng tối sầm, sấm chớp đùng đùng nổi lên, mưa gió kéo đến phủ kín khắp cả vùng. Nước bàu Hương đang trong xanh leo lẻo liền biến thành màu đỏ bầm, loang kín các mép bờ.

Mưa gió sấm chớp rồi cũng ngưng, mặt nước trở lại như cũ và ngay lúc đó có hai bóng trắng từ lòng bàu bay vụt lên trời cao, rồi biến mất nhanh như cái chớp mắt. Và lạ lùng thay, mặt nước khi nãy còn lưng lửng thì giờ đã tràn đầy bàu, chảy xuôi xuống phía đông mang theo xác con trạnh trôi đi một đoạn dài rồi mắc cạn, chắn ngang dòng chảy. Nước từ bàu cứ chảy ào ào, lướt qua xác con trạnh rồi xoáy sâu xuống bên dưới tạo thành cái hố rất sâu và rộng. Đó chính là bàu Trạnh ngày nay, mà theo dân gian cho rằng khi ngoi lên mặt nước quan sát, trạnh không phát hiện có người trần ngồi quanh bầu, để khi đưa hai tiên ông lên đánh cờ thì bị người trần nhìn thấy. Hai tiên ông tức giận, bèn chém đầu trạnh làm nước loang màu đỏ của máu, còn xác thì bị nước xói đẩy mạnh tạo thành bầu trạnh. [37, tr.52]. 

(Theo lời kể trong dân gian, có đối chiếu “Truyện cổ Phú Yên” của Ngô Sao Kim, “Truyện cổ Tuy Hoà”  của Nguyễn Hoài Sơn).
------------------------------ 
[1]  Gò Mai, hòn Sặc, hòn Thơm, hòn Cù Lây… bao quanh núi Hương.
[2] Ngũ Thạch gồm các thôn: Thạch Tuân, Thạch Chẩm, Thạch Lương, Thạch Yên và Bàn Thạch xã Hòa Xuân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét