Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Truyền thuyết huyền thoại trên vùng đất Tây Hòa

Huyện Tây Hòa được tách ra từ huyện Tuy Hòa cùng với huyện Đông Hòa vào năm 2005, phía đông giáp huyện Đông Hòa, phía tây giáp huyện Sông Hinh, phía bắc giáp huyện Phú Hòa và Sơn Hòa. Ngày nay huyện Tây Hòa có diện tích 610 km2 với dân số gần 121 ngàn người.

070419-QUY.BAU-HUONG.jpg
Phong cảnh bàu Hương Tây Hoà  - Ảnh: TRẦN QUỲ

Chảy dọc theo huyện Tây Hòa từ tây sang đông, ven theo ranh giới giữa Tây Hòa và Phú Hòa là dòng sông Ba có chiều dài nằm trong huyện gần 40 km và các sông nhỏ, như sông Đồng Bò là một phụ lưu hữu ngạn của sông Ba, sông Bánh Lái (phần thượng nguồn của sông Bàn Thạch), sông Bầu Hương, sông Bầu Quay, sông Trong...   

Cũng như huyện Đông Hòa, huyện Tây Hòa có chung một chiều dày lịch sử cûa huyện Tuy Hòa trước kia. Từ 1611 cho đến trước năm 1963 Tây Hòa và Đông Hoà nằm trong huyện Tuy Hòa, sau đó nhập vào quận Hiếu Xương. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, quận Hiếu Xương đổi thành huyện Tuy Hòa. Sau một lần nhập-tách với thị xã Tuy Hòa vào năm 1977-1978, huyện Tây Hòa chính thức được thành lập vào năm 2005 sau khi được tách ra từ huyện Tuy Hòa.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, huyện Tây Hòa có một vết son chói ngời được lưu danh trong lịch sử không chỉ của huyện, của tỉnh mà còn của cả nước-đó là Phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh. Đây là phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng có quy mô lớn nhất không chỉ trong tỉnh mà còn cả khu vực, mở đầu cho hàng loạt các cuộc nổi dậy tấn công quân địch, làm chủ tình hình ở các địa phương khác trong huyện như Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Mỹ, Hòa Hiệp, Hòa Xuân...Phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh là tiền đề quan trọng dẫn đến việc thành lập các tổ chức cách mạng như Mặt trận dân tộc giải phóng, Nông hội, Ban Binh vận, trạm xá, lực lượng An ninh của huyện, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, phá ấp chiến lược, đưa dân về làng.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, quân và dân huyện Tây Hòa đã chặn đánh tan tác các đám tàn quân địch và các lực lượng hỗ trợ tháo chạy theo đường Năm từ Tây Nguyên xuống Tuy Hòa, bắt sống hàng ngàn tên giặc, đốt cháy và phá hủy hàng trăm xe quân sự, hàng tấn quân trang quân dụng. Chiến thắng đường Năm của quân và dân Tây Hòa đã góp phần quan trọng trong việc giải phóng hoàn toàn huyện Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tây Hòa được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi còn nằm trong huyện Tuy Hòa và cán bộ, nhân dân xã Hòa Bình 1 được phong danh hiệu Anh hùng lao động sau ngày giải phóng..

Địa hình Tây Hòa chủ yếu là đồng bằng do phù sa của các con sông Ba, sông Đồng Bò và sông Bánh Lái bồi đắp nên, một ít là vùng đất đỏ bazan nằm ở các xã tiếp giáp với miền núi là Sơn Thành và Hòa Phú, nên ở Tây Hòa ít có những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như các huyện khác ven biển, do đó mà các huyền thoại, truyền thuyết cũng ít hơn. Danh thắng nổi tiếng nhất ở Tây Hòa là vực Phun nằm trong dãy núi Đá Đen, trên con suối Đá Đen-thượng nguồn của sông Bánh Lái, thuộc địa phận xã Hòa Mỹ Tây. Gọi là vực, nhưng thực ra đây là cái thác nhỏ, dưới chân thác là một hồ nước sâu như vực, bọt tung trắng xóa tạo nên một phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng với câu chuyện huyền thoại về chàng trai dũng cảm quyết tâm tiêu diệt mãnh thú cứu giúp dân làng. Ngoài ra ở tây Hòa còn lưu truyền các huyền thoại trên sông Bầu Hương và trên núi Vọng Phu.

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét