Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Đường 7 xưa...quốc lộ 25 nay

Đường 7 tên gọi một con đường đi qua địa phận hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên có chiều dài 181km, được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX với mục đích làm tuyến giao thông để khai thác vùng Tây Nguyên. Sau năm 1975 được đổi tên thành quốc lộ 25. Quốc lộ 25 có điểm đầu của đường nối với quốc lộ 1A tại km1332 thuộc địa phận TP. Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên) và điểm cuối giao với quốc lộ 14 tại km 567+ 800, thuộc địa phận huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Đây là một trong hai tuyến đường ngắn nhất nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với các nước Campuchia, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan; đồng thời là trục đường thứ hai trong vùng Bắc Tây Nguyên nối liền hai trục xuyên quốc gia là quốc lộ 1A và quốc lộ 14 đi Đăk Lăk tại ngã 3 Chư Sê.

d7100509.jpg
Khu vực Sơn Hà, tháng 3-1975. Không ảnh chụp quân đoàn 2 Việt Nam cộng hoà rút chạy trên đường số 7 – Ảnh: TƯ LIỆU

ĐƯỜNG 7 NĂM XƯA…

35 năm trước đường 7 đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công chói lọi. Những tên đất, tên làng… dọc tuyến đường 7 đã trở thành những địa danh huyền thoại của thế kỷ 20. Chính nó đã làm cho quân thù khiếp sợ… và đó cũng là niềm tự hào của quân và dân hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai. Trong trang sử vàng của dân tộc đã ghi rõ, 35 năm trước vào những ngày tháng ba lịch sử năm 1975, cả Tây Nguyên rạo rực trong không khí giải phóng sau khi bộ đội ta giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975). Bị thua tan tác, bọn tàn quân Mỹ ngụy buộc phải rút xuống đồng bằng thông qua con đường duy nhất là đường 7 với mục đích co cụm lực lượng ở duyên hải miền Trung để đối phó với các mũi tiến công của ta và tìm cơ hội phản công chiếm lại Tây Nguyên.

Đoán trước sự di chuyển của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã lệnh cho Sư đoàn 320 phải thần tốc truy kích, tiêu diệt địch tại Cheo Reo - Phú Bổn, không cho địch tháo chạy về Duyên hải miền Trung. Trước đó, từ đầu tháng 3/1975, lực lượng Trung đoàn 95 của Bộ Tư lệnh B3 và lực lượng địa phương của H11 Gia Lai và H37 Đăk Lăk đã được lệnh chủ động đánh bật các chốt phòng vệ của địch dọc theo đường 7, giải phóng ấp chiến lược và giải phóng dân, chia cắt thường dân ra khỏi đội hình tháo chạy của địch, tạo điều kiện cho Sư đoàn 320 cắt rừng từ Đăk Lăk qua chiếm lĩnh các núi cao bao vây khu vực Cheo Reo - Phú Bổn, tiêu diệt địch...

Từ sáng ngày 18/3, lực lượng của ta đã bao vây khu vực Cheo Reo - Phú Bổn. Trong 2 ngày 18 - 19/3, nhiều trận đánh ác liệt, dữ dội giữa Sư đoàn 320 của ta và quân địch đã diễn ra ở trại Ngô Quyền, sân bay Phú Bổn, cầu sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na... Đến 12 giờ ngày 19/3/1975, Sư đoàn bộ binh 320 của ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Bổn (nay là huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai).

Sau khi thất thủ, quân địch kéo nhau chạy về Củng Sơn (Sơn Hòa), tiến hành bắt cầu phao dã chiến vượt Sông Ba qua đường 5 để chạy về Tuy Hòa. Cầu phao dã chiến Sông Ba bị sập khiến cho đội hình di tản của địch bị dồn ứ, xe pháo, xác lính chết chồng chất, hàng chục nghìn lính ngụy bỏ xe chạy tắt vào rừng kiếm đường xuống Củng Sơn khiến tình hình càng thêm náo loạn. Tiểu đoàn 96, Trung đoàn 9 và các lực lượng vũ trang Sơn Hòa, Tuy Hòa 2 được phân công triển khai chốt chặn đường rút lui của địch theo Tỉnh lộ 7. Tiểu đoàn 13, Đại đội 7, 377, 203 và các lực lượng vũ trang huyện Tuy Hòa 1 được phân công chốt chặn đường 5. Trên đường 5, tuy tương quan lực lượng địch đông hơn ta nhiều lần cả về quân số và trang bị vũ khí, nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lực lượng vũ trang Phú Yên đã nhanh chóng làm chủ trận địa, kiên quyết tiến công địch, làm tan rã và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng địch rút chạy từ Tây Nguyên xuống. Cùng với cánh quân chủ lực thuộc Sư đoàn 320 truy đuổi địch, ngày 24/3/1975 quân và dân Phú Yên đã giải phóng thị trấn Củng Sơn và toàn huyện Sơn Hòa, tạo điều kiện để giải phóng thị xã Tuy Hòa.

Chiến thắng đường 7, đã từng được Đại tướng Văn Tiến Dũng đánh giá là cuộc truy kích mang tầm nghệ thuật quân sự lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Đông Dương tính đến thời điểm đó.

VÀ QUỐC LỘ 25 NGÀY NAY

Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, đường 7 được đổi tên thành quốc lộ 25, trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên và Trung Trung Bộ. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, một thời gian dài, quốc lộ 25 gần như rơi vào cảnh bị lãng quên và hầu như không được đầu tư lớn để nâng cấp, cải tạo. Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện trạng quốc lộ 25 chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi- cấp đường thấp nhất hiện nay, trên tuyến có nhiều đoạn đường đèo chỉ rộng 3,5 mét- 4,5 mét, lớp láng nhựa mặt đường bị bong tróc khá nhiều; đó là chưa kể đến việc có tới 34 cầu cũ tải trọng thấp đã bị hư hỏng nặng. Vì thế từ lâu quốc lộ 25 đã mất sức “cạnh tranh” về chuyên chở hàng hóa, hành khách so với quốc lộ 19 (từ Pleiku xuống thành phố biển Quy Nhơn và ngược lại). Nhu cầu cấp thiết về mở rộng, nâng cấp để “đánh thức” quốc lộ 25 đã trở thành niềm khát khao của hàng triệu người dân Tây Nguyên và Phú Yên từ nhiều năm nay. Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 25 được Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Đường bộ làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 1.389 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Dự án triển khai trên địa bàn hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, với tổng chiều dài toàn tuyến 88,12 km, phạm vi dự án chia làm hai đoạn, đoạn 1 từ Km 21+ 600 đến Km 99 + 432; đoạn 2 từ Km 113 đến Km 123. Sau khi cải tạo nâng cấp quốc lộ 25 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III, nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 7 m, tốc độ thiết kế 60 km/giờ; toàn tuyến có 13 cây cầu xây mới và các công trình cống, rãnh thoát nước, nút giao thông. Hiện nay, Ban quản lý dự án 6 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai tổ chức bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan để các địa phương này triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thi công dự án đúng tiến độ và dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong quý IV-2012.

hai-duong100509.jpg
Đường Hải Dương TP Tuy Hòa nối với QL 25

Theo ông Phạm Ngọc Biên, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 6 - đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư, việc sớm “đánh thức” QL25 thông qua đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến đường đang là một yêu cầu cấp thiết. Ngoài việc rút ngắn quãng đường từ khu vực Tây Nguyên ra biển, đặc biệt là cảng biển khu vực tỉnh Phú Yên, khi cảng Vũng Rô được đầu tư nâng cấp có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000 tấn, giúp chi phí vận chuyển hàng hóa lên Tây Nguyên và ngược lại giảm đi rất nhiều, QL25 còn có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều là đánh thức tiềm năng kinh tế của nhiều địa phương 3 nước Đông Dương. Mục tiêu đầu tư xây dựng QL25 nối QL1A với đường Hồ Chí Minh tạo ra tuyến giao thông quan trọng nối liền các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và các tỉnh Tây Nguyên xuống Nam Trung Bộ và các cảng biển lớn. Đây sẽ là tuyến đường đi qua nhiều vùng đất đai rộng lớn có tiềm năng kinh tế nằm trong tam giác phát triển kinh tế 3 nước Đông Dương. Hơn nữa, đầu tư xây dựng QL25 còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 25 đang được triển khai và dự kiến dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý IV-2012õ. 

Việc đánh thức quốc lộ 25 thông qua đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường đang là một yêu cầu cấp thiết. Nó không chỉ đem lại động lực cho cả vùng kinh tế mà còn là tuyến đường nối liền Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mê Kông trong việc trung chuyển hàng hóa ra biển đông và ngược lại. Quốc lộ 25 từ Gia Lai về Phú Yên sẽ tạo ra một lối ra biển gần nhất cho Tây Nguyên .

35 năm sau ngày giải phóng, trong những ngày tháng Tư lịch sử này, đi trên con đường 7 năm xưa – quốc lộ 25 hôm nay, chúng ta không khỏi ngạc nghiên trước sự đổi thay của vùng đất. Đi qua biết bao sự tích hào hùng của quân và dân hai tỉnh Gia Lai – Phú Yên, những tên làng, tên đất ghi bao dấu tích hào hùng một thời giờ cũng đang trở thành những đô thị đông vui Chư Sê, Phú Thiện, AyunPa, Phú Túc, Củng Sơn, Phú Hòa, Tuy Hòa… Những làng mạc, những công trình mới, những trang trại, hồ tiêu, những cánh đồng lúa, mía ngút ngàn đã và đang hình thành dọc theo tuyến đường báo hiệu một sự hồi sinh mạnh mẽ, một sức sống mới ấm no, thanh bình, hạnh phúc trên chiến trường xưa.

Theo ông Phạm Ngọc Biên, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 6 - đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư, việc sớm “đánh thức” QL25 thông qua đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến đường đang là một yêu cầu cấp thiết. Ngoài việc rút ngắn quãng đường từ khu vực Tây Nguyên ra biển, đặc biệt là cảng biển khu vực tỉnh Phú Yên, khi cảng Vũng Rô được đầu tư nâng cấp có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000 tấn, khiến chi phí vận chuyển hàng hóa lên Tây Nguyên và ngược lại giảm đi rất nhiều, QL25 còn có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều là đánh thức tiềm năng kinh tế của nhiều địa phương 3 nước Đông Dương. Mục tiêu đầu tư xây dựng QL25 nối QL1A với đường Hồ Chí Minh tạo ra tuyến giao thông quan trọng nối liền các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và các tỉnh Tây Nguyên xuống Nam Trung Bộ và các cảng biển lớn. Đây sẽ là tuyến đường đi qua nhiều vùng đất đai rộng lớn có tiềm năng kinh tế nằm trong tam giác phát triển kinh tế 3 nước Đông Dương. Hơn nữa, đầu tư xây dựng QL25 còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.
 

ANH KIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét