Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Đường lên xứ Mường

Người Mường được xem là hiện thân của người Việt cổ. Họ sống tập trung đông nhất ở Hoà Bình – nơi được mệnh danh là “thủ đô Mường”.
Dưới ngòi bút của nhà văn Nam bộ Nguyễn Trọng Tín, xứ Mường như ảo như thực với nhiều giai thoại, tầng nấc văn hoá. Đó còn là câu chuyện “hoà mạch cùng với xuôi” của thế hệ Mường ngày nay bên cạnh những cuộc đời bí ẩn xuyên thế kỷ…

Đường lên xứ Mường. Ảnh Trần Việt Đức

Kỳ 1: Tứ đại đất Mường
Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Đó là thứ tự của bốn mường lớn và cổ xưa nhất xứ Mường. Cả bốn mường này đều nằm trên địa bàn của tỉnh Hoà Bình ngày nay
Người già cho biết, sự nhất nhì theo thứ tự này là căn cứ từ diện tích vùng, dân số, sự sung túc, gái đẹp, rượu cần ngon, quyền lực của nhà Lang, trâu bò nhiều và những chiếc chiêng có tiếng vang xa nhất.
Từ “mường” đúng ra chỉ là tên gọi để chỉ một vùng cư trú gồm nhiều làng bản. Mỗi vùng được đặt dưới sự cai quản của một quan Lang. Người Mường thường tự xưng mình là con Mol hoặc là con Monl: con người. Mặc dù vậy, cùng sự biến động của lịch sử cũng như quá trình giao lưu kinh tế, văn hoá với các dân tộc khác, cho đến nay từ “Mường” đã được đồng bào chấp nhận, coi đó là tộc danh của mình.
Hồng thuỷ trên non
Điều lạ lùng là giữa chốn núi non chớn chở mà truyền thuyết lại bắt đầu từ một trận hồng thuỷ. Nó ập xuống bất thần trong đêm, cuốn trôi hết nhà cửa, con người, trâu bò, và cả rừng núi. Giữa cuộc tan tác ấy, có đôi vợ chồng bấu víu được trên chiếc bè luồng. Cứ thế chiếc bè chìm nổi trong sóng dữ hết ngày này sang ngày khác, nhưng đôi vợ chồng kia vẫn bám chặt lấy nhau không rời, cho đến khi chiếc bè vướng vào một cây cổ thụ khổng lồ, rễ cây ăn xuyên qua chín sông, mười núi đến nỗi cơn hồng thuỷ ghê gớm kia cũng không thể làm bật gốc. Cây cổ thụ ấy có tên là cây bi.
Khi cơn hồng thuỷ rút đi, đôi vợ chồng kia cũng không còn biết quê xứ của mình ở đâu để mà trở về. Họ ở lại dựng nhà dưới gốc cây bi, sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc thung lũng thành ruộng bậc thang, làm cọn (guồng) lấy nước, thuần phục muông thú thành vật nuôi, lập nên mường bản. Họ nhớ ơn cây thần đã cứu mạng mình và lấy tên cây đặt cho tên mường, đó là vùng Mường Bi ngày nay, một vùng mường rộng lớn bao gồm nhiều xã thuộc huyện Tân Lạc.
Chị Bùi Kim Định, người đưa đường cho chúng tôi lên đây, một người đẹp của đài Truyền hình Hoà Bình cũng là đứa con của đất Mường Bi, đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này.
Nóc nhà xứ Mường

Dân số người Mường là 1.137.515 người, đứng hàng thứ tư trong 54 dân tộc đang cùng sống trên lãnh thổ Việt Nam (chỉ sau người Việt, người Tày và người Thái). Người Mường cư trú lâu đời ở trung du và miền núi thuộc các tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Sơn La và Phú Thọ, nhưng tập trung đông nhất ở tỉnh Hoà Bình, chiếm gần 70% dân số của tỉnh này.
(Nguồn: sách Cộng đồng các dân tộc Việt Nam, năm 2006)

Từ Địch Giáo nhìn theo hướng con đèo ngoằn ngoèo có tên là Dốc Mùn trườn ngược lên sườn núi dốc đứng, trên cao ấy, nơi những ngọn núi chìm trong biển mây chính là nóc nhà của xứ Mường Bi, cũng là bản cao nhất của toàn xứ Mường Hoà Bình, có tên là Lũng Vân. Nếu không có con đèo, thật khó lòng hình dung trên ngàn mây ấy lại có con người sinh sống. Vây quanh lòng chảo là những bản Mường nhà sàn như treo trên lưng chừng sườn núi, lúc ẩn lúc hiện trong mây luồng.
Chẳng những có con người, mà con người còn có mặt ở đây đã ngàn năm. Xứ bồng lai này còn có cái tên cổ xưa mà ngày nay ít người còn biết, còn gọi, đó là Mường Chậm. Chị Kim Định giải thích rằng, chữ Chậm không phải là nhanh chậm theo nghĩa tiếng Việt, nhưng trong tiếng Mường nó cũng không có nghĩa gì. Nguồn gốc xa xưa của địa danh này vẫn chưa có ai lần ra được.
Ông Hà Đức Thọ, chủ tịch UBND Lũng Vân đưa cả đoàn chúng tôi về nghỉ tại nhà mình ở xóm Chiềng, một xóm cheo leo trên triền núi chỉ với 33 bếp lửa nhà sàn.
Thanh khiết trên mây
Đêm. Nhìn lên cao thấy trăng vàng óng, bầu trời chi chít ngàn sao. Nhưng nhìn xuống không thể tìm được đỉnh núi trong mây. Thung lũng thì như một biển bông gòn trắng xốp, bất tận. Và, mây còn len lỏi qua vai tôi để chui vào cửa sổ nhà ông chủ tịch.
Ông Thọ cho biết, mùa này mây chỉ  nhiều về đêm, ban ngày trời vẫn sáng và ấm. Từ qua tết kéo dài đến tận tháng tư, ban ngày đi cách mười bước đã không nhìn thấy nhau. Người Lũng Vân có câu: “Lên cao mang áo, xuống táo (xuôi) mang tiền”, là nói về cái lạnh quanh năm của vùng thung lũng này.
Cách người Mường đón khách có gì đó hao hao như dân Nam bộ. Ban đầu chẳng thấy nồng nhiệt chào mời gì. Nhưng chỉ chập sau thì mâm được dọn ra dọc dài trên sàn nhà. Khách chủ lẫn lộn không phân biệt mâm trên, mâm dưới. Thịt lợn Mường thả rông. Thịt gà leo cây (gà lên cây ngủ đêm). Xôi nếp nương. Cơm gạo hậu, hạt nhỏ, thơm lừng chỉ có ở ruộng bậc thang Lũng Vân. Rau tập tàng đủ loại hái từ rừng. Cách người Mường uống rượu cũng rất vui và bình đẳng. Đã chạm chén là “trăm phần trăm”. Sau cạn chén luôn có “tiết mục” bắt tay. Cha con, vợ chồng cũng bắt tay nhau như với khách. Trên mâm người già và trẻ con đều có chén riêng, dù không uống.
Tiệc tàn. Chăn nệm được “dọn” ra. Bà cụ chủ nhà cùng cô con dâu và hai khách nữ, nằm về một góc. Ông chủ nhà nằm xen giữa “đội hình” khách đàn ông.
Đêm nay Lũng Vân lạnh dưới 8 độ mà tôi lại không có cảm giác mình đang đi xa và lạ chỗ...
Ở thung lũng giữa mây ngàn như tên gọi Lũng Vân này, chưa đầy 400 nếp nhà sàn thì đã có hơn 30 cụ bà, cụ ông đang sống vượt qua một thế kỷ. Còn những người thọ tám, chín mươi tuổi thì chưa thể thống kê hết. Phải chăng thứ nước uống từ vỏ cây là thứ thuốc trường sinh bất lão cho người dân xứ này?
Kỳ 2: Những cuộc đời qua hai, ba thế kỷ

Cụ bà Đinh Thị Hệu năm nay 113 tuổi. Ảnh: Trần Việt Đức

Hôm chúng tôi đến thăm nhà cụ bà Bùi Thị Hỉm ở xóm Hượp, thì thấy nhà đông nghẹt người, cả trên lẫn dưới nhà sàn, ồn ào nói cười từ sân ra tận ngõ.
Thì ra tất cả đều là con cháu của bà, họ tụ họp về từ Gia Lai, Vũng Tàu, Hà Nội, Hoà Bình, và cả con cháu lấy chồng, lấy vợ ở nhiều vùng Mường gần xa cũng trở về để chuẩn bị cho hôm sau mừng thọ bà 101 tuổi.
Hỏi bà cụ có được bao nhiêu con cháu. Lần tay một lúc bà cho biết: bà có bảy con, ba trai, bốn gái; chúng sinh được 31 cháu, 57 chắt, tám chút, còn dâu rể thì bà không nhớ xuể. Chị con gái thứ sáu của bà, năm nay 61 tuổi “tổng kết” giúp mẹ: nếu tính hết thì có đến 165 người.
Hôm nghe chúng tôi đến và nghỉ lại ở nhà ông chủ tịch xã Hà Đức Thọ, nhiều cụ ông, cụ bà trong xóm Chiềng đã kéo đến chuyện trò. Trong đó có hai cụ bà là chị em ruột, cụ lớn 84 tuổi, cụ nhỏ 82 tuổi. Hai cụ cho biết mẹ mình vẫn còn sống khoẻ dù đã 103 tuổi, nhưng vì chân yếu nên không đến được.
Mỉm cười qua ba thế kỷ
Nhưng người cao tuổi nhất hiện nay trên vùng Mường Chậm xa xưa này là cụ bà Đinh Thị Hệu. Cụ Hệu sinh năm 1896 (113 tuổi), hiện sống với gia đình người con trai thứ sáu là ông Đinh Văn Nhển, 71 tuổi. Cụ Hệu có nghề thuốc nam được truyền lại từ nhiều đời. Cây thuốc ngày xưa chỉ lên rừng hái, nhưng về sau cụ có trồng thêm nhiều loại ở vườn nhà. Cách nay ba, bốn năm, cụ vẫn tự mình chăm vườn vì sợ con cháu nhổ nhầm cây thuốc khi dọn cỏ. Bây giờ thì cụ chỉ đi lại quanh quẩn trong nhà, đôi khi cũng tự mình xuống cầu thang đi dạo trong sân. Cụ ông đã mất từ năm 1972, năm cụ “mới” 75 tuổi.
Ông Nhển được mẹ truyền lại nghề thuốc và được nhiều người tin cậy, không chỉ ở Lũng Vân mà còn khắp cả vùng Mường Bi. Hôm chúng tôi đến, trong nhà có mấy người khách từ Gia Nhân, chợ Lồ đang chờ lấy thuốc và bà cụ vẫn ngồi canh nồi thuốc ở bếp lửa.
Bà Hệu có một “cô bạn” thân ở xóm Bách là cụ bà Hà Thị Ỉn. Cụ Ỉn nhỏ hơn cụ Hệu bốn tuổi (109 tuổi). Chừng bốn, năm năm nay, do chân yếu, đường xa nên hai cụ không còn lui tới viếng thăm nhau được. Tuy chân yếu, tai lãng nhưng cụ Ỉn vẫn còn rất minh mẫn. Thấy cả đoàn đông đảo đến nhà, cụ nói đã bảy lần cụ được người của Nhà nước đến nhà tặng gấm lụa. Hỏi thăm về ông cụ chồng bà, cụ nói ông mất lâu rồi, năm cụ mới 60 tuổi.
Bí ẩn món quà trời đất
Hỏi bí quyết gì giúp các cụ sống được lâu, câu trả lời được nghe là không ai biết bí quyết là gì. Họ chỉ biết sống vui với con cháu thôi. Con cháu nó thương mình, mình cũng thương nó thì phải sống cho chúng nó vui. Cô cháu dâu đang nuôi cụ Ỉn cho biết, mỗi ngày cụ vẫn ăn đều ba bữa, mỗi bữa đúng ba bát cơm và cụ chỉ thích ăn cơm với rau, cụ vẫn tự mình ăn cơm bằng đũa rất vén khéo. Ông Hà Ngọc Tuấn, cán bộ văn hoá xã cho biết, từ xưa nay người Lũng Vân vẫn ăn rất nhiều rau, nhưng chỉ trồng có hai loại rau, là rau bí và rau cải. Tất cả các thứ rau khác đều sẵn mọc trên rừng và trên các bờ ruộng bậc thang. Tôi tò mò hỏi những thứ rau có trong tự nhiên ấy là rau gì. Ông Tuấn nói, lá gì mọc lên xanh tốt đều có thể là rau, tuy không phải tất cả. Gặng hỏi mãi thì ông kể: sai đai, cờ, má, phiếu, dớn, cỏ ngọt, pèn… Ngẫm nghĩ thêm một lúc, ông cười: “Nhiều lắm, thấy thì biết, không kể hết được”. Ông Tuấn còn cho biết, cây không chỉ làm rau, ngày trước thiếu muối, còn có cây để ăn thay muối, đó là cây tụi phụi.
Ông Bùi Văn Kình thì khoe rằng, người Lũng Vân ai cũng có đôi chân rất khoẻ. Từ xưa nay, dù đi gần đi xa, họ đều đi bộ. Ngày xưa, khi chưa có chợ Lồ nằm dưới Địch Giáo, mỗi năm người Lũng Vân chỉ đi chợ một lần, xuống tận chợ Bờ. Chợ Bờ chính là thành phố Hoà Bình ngày nay. Hỏi chuyện các cụ cao tuổi, có một chi tiết làm tôi chú ý, là gần như ở mọi bếp nhà đều dùng một thứ thức uống thường xuyên, đó là nước lá. Nước lá là nước nấu những thứ lá hái từ trên núi. Đó là những thứ lá gì? Câu trả lời của người Lũng Vân là mọi thứ lá trên rừng. Và chỉ có họ mới biết lá nào, vào mùa nào là không nên hái. Thời tiết ở Lũng Vân gần như lạnh quanh năm, nên việc uống nước nấu nóng là lẽ tự nhiên. Vào những ngày trời ấm thì người ta vẫn uống trực tiếp nguồn nước chảy ra từ các khe đá. Tôi tò mò hỏi và ghi được vài tên lá sau đây, thực ra không chỉ lá mà cả vỏ cây: cây bìa, máu người, khôi xanh, khôi vàng, khôi xương…
Thật ngây thơ nếu tin rằng những gì chúng tôi dò hỏi là bí quyết đã giúp cho người Lũng Vân trở nên thượng thọ. Chỉ biết, ở cái thung lũng giữa mây ngàn này chưa đầy 400 nếp nhà sàn thì đã có hơn 30 cụ bà, cụ ông đang sống vượt qua một thế kỷ. Còn những người thọ bảy, tám, chín mươi tuổi thì chưa thể thống kê hết.
Kỳ 3: Sống lưng chừng giữa trời đất
“Ông ấy bận đi làm nhà cả ngày, không có ở nhà đâu!”. Bà Lưu, vợ ông Nguyễn Văn Hậu ở bản Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong cho biết như thế khi chúng tôi đến nhà tìm ông trưởng thôn
Hỏi ra thì biết ông Hậu phải đi làm nhà cho ông Dục cùng bản. Tìm đến nhà ông Dục thì thấy ông trưởng thôn đang trần lưng đẽo cột.
Mỗi đàn ông, một ông thợ mộc
Giúp nhau dựng nhà là phong tục của người Mường được lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: Trần Việt Đức
Trên các bản Mường, cho đến nay vẫn còn giữ được tục lệ rất hay là khi trong bản có người làm nhà thì cánh đàn ông sẽ đến làm giúp mà không phải tính tiền công. Có những bản Mường việc này được quy định một cách cụ thể, tuỳ vào địa vị uy tín của gia chủ, như ở Xuân Đài, Mường Thanh Sơn thì tuỳ khả năng mà giúp gỗ, lạt, nứa, lá nhưng bắt buộc mỗi nhà góp ba cân gạo nếp, hai chai rượu, một con gà. Ngày xưa, để nhận được sự giúp đỡ của dân làng, gia đình làm nhà phải mang lễ vật nhỏ đến nhà Lang để nhờ Lang báo cho mọi người trong bản được biết. Mỗi gia đình sẽ cử một người tới giúp.
Người Mường sống trên núi cao, nhưng lại sống quanh các thung lũng với truyền thống lúa nước trên ruộng bậc thang. Do địa hình triền dốc, lại gần nguồn nước, vì vậy nhà sàn vừa thích nghi địa hình, vừa tránh được lũ quét và cả thú dữ. Về mặt tâm linh, người Mường quan niệm có ba Mường: Mường Trời, Mường Đất và Mường Người. Mường Trời ở trên cao dành cho các vị thần linh; Mường Đất dành cho những người đã mất, thuộc thế giới âm; Mường Người là giữa trời và đất, nên họ sống trên nhà sàn.
Cũng từ truyền thống này mà tất cả đàn ông Mường đều biết làm nhà. Nói tất cả họ đều là thợ mộc thì cũng không ngoa. Mỗi khi dựng nhà mới đều có một ông thợ cả chỉ huy, nhưng đó không phải là người sống bằng nghề thợ mộc như ở dưới xuôi, mà đó là người có kinh nghiệm và khéo léo nhất trong bản. Ông thợ cả này cũng chỉ là người làm không công.
Lấy lửa làm trung tâm
Bếp lửa là trung tâm của ngôi nhà Mường, thường được đặt ở gian giữa. Bếp được đặt trệt dưới sàn nhà. Khuôn bếp làm bằng loại gỗ đặc biệt cứng, có đường viền xung quanh, đáy bếp lót bằng bẹ chuối, phủ lên lớp bùn và cát, tro trên bếp mới được đốt từ các loại cỏ thơm như cỏ mật rồi mới bắt kiềng lên để nấu nướng.
Thoạt trông, sàn nhà Mường cứ như một cái hội trường không bàn ghế, có vẻ luồng tuông suồng sã. Nhưng thật ra thì nó được phân định trong ngoài trên dưới rất rạch ròi. Gian trước chỗ cầu thang lên là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi tiếp khách và là chỗ tụ họp của đàn ông. Từ bếp về cuối nhà là gian sau của các bà các cô. Góc để nồi niêu mâm bát nằm ở đây. Cuối gian sau có một cửa sổ to, bậc cửa thấp đến tận sàn, gọi là cửa voóng. Cửa voóng chỉ để đưa quan tài người chết ra khỏi nhà, không ai được bước ra vào nơi cửa này. Phụ nữ cũng không được ngồi ở đây vì sẽ làm cản trở linh hồn người chết trở về ân hưởng sự cúng dâng của con cháu.
Nấc thang trong xã hội Mường
Không gian sống của người Mường. Ảnh: Trần Việt Đức
Hoạ sĩ Vũ Đức Hiếu ở thành phố Hoà Bình có sưu tập được cho bảo tàng tư nhân Không gian văn hoá Mường của mình một ngôi nhà cổ trên vùng Mường Bi. Chưa biết được tuổi thọ, nhưng có thể biết đây là ngôi nhà rất cổ, vì toàn bộ phần mái kết cấu theo kiểu kê gác gá đỡ ràng buộc lẫn nhau, không hề có khớp ngàm mộng mẹo hay con nêm, mà vẫn rất vững chắc. Những ngôi nhà Mường kiểu này nay rất hiếm thấy. Kiểu mái nhà có ngàm khớp, đinh gỗ mà ngày nay thường thấy là có ảnh hưởng qua quá trình giao thoa văn hoá với người dưới xuôi.
Ông Hiếu cho biết ngôi nhà cổ này có nguồn gốc của một quan Lang. Lang là tầng lớp quý tộc cao nhất của xã hội Mường từ ngàn năm cho tới Cách mạng tháng 8 năm 1945, theo chế độ cha truyền con nối. Người Mường xưa không được sở hữu đất đai. Toàn bộ đất Mường đều là công thổ do nhà Lang quản lý. Lang Cun cai quản cả vùng Mường rộng lớn. Lang Đạo quản lý từng Mường nhỏ nằm trong vùng của Lang Cun, thường là con cái hay người họ tộc của Lang Cun. Chỉ có nhà Lang mới được đặt hai bếp, bếp cạnh cầu thang chỉ dành cho Lang và khách khứa của Lang. Cũng chỉ nhà Lang mới được có hai cầu thang. Cầu thang thứ hai phía cuối nhà dành cho phụ nữ và người ăn kẻ ở.
Dưới Lang là tầng lớp Ậu, giúp Lang coi việc trị an, quản lý ruộng đất, thu tô, bắt phu…
Đại bộ phận dân chúng còn lại gọi chung là Nhà Nóc. Dưới Nhà Nóc còn có tầng lớp cùng đinh gồm người bị Lang bắt tội, nhà không người kế tự, nhà có con gái chửa hoang, vợ goá, trẻ mồ côi… Tầng lớp này gọi là Nhà Nóc Trọi sống ở rìa bản, chỉ hái lượm, săn bắt, làm nương, không được chia ruộng bậc thang để cấy.
Lang là tầng lớp cai trị, bóc lột. Song, Lang cũng phải là người gương mẫu thực thi các luật tục của xã hội Mường. Chuyện xưa còn kể về ông Lang Quách Rui bắt tội chú ruột mình vì vi phạm bẻ măng hay đánh cá gì đó trong thời gian cấm, trên khúc sông cấm, buộc phải nộp trâu nái để làng giết thịt. Nhưng ông chú này nghèo quá, Quách Rui phải đem trâu nái nhà mình cho chú nộp phạt. Tục lệ trong xã hội Mường đảm bảo cho sự bền vững của tự nhiên và cố kết cộng đồng.
Từ giã ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hậu bên đống gỗ sắp dựng nên nhà, tôi nói vui rằng, bây giờ thì ông cũng đã là Lang rồi còn gì. Ông cười: “Chưa phải Lang đâu, chỉ Ậu thôi”.
Kỳ 4: Dấu vết ngàn năm

Các nhà khảo cổ chia nền văn hoá Hoà Bình thành ba thời kỳ, trong đó thời kỳ giữa, hay còn gọi là Hoà Bình chính thống có niên đại từ khoảng 18.000 năm đến năm 150 trước công nguyên, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại
Lại thấy có giả thuyết của một số nhà dân tộc học nói rằng, người Mường chính là người Kinh, nhưng vì cư trú ở miền núi nên họ ít chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc.

Những ngôi mộ cổ ở Đống Thếch vẫn còn nhiều bí ẩn
 “Trải qua một cuộc bể dâu…”
Giữa thung lũng rộng lớn của xứ Mường Vang xưa thuộc vùng thượng nguồn sông Dôm, đột ngột mọc vọt lên ngọn núi nhỏ. Ở sườn núi phía đông, cao hơn con suối Lạn bên dưới chừng 15 mét có một hang lớn, rộng 8 mét, cao 10 mét, sâu 13 mét. Người địa phương gọi đây là hang Trại vì nó nằm ở xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn.
Thấy chúng tôi tìm đường lên hang, một tốp trẻ con liền tình nguyện dẫn đường. Trung tâm tiền sử Đông Nam Á và ngành bảo tàng tỉnh Hoà Bình đang tiến hành khai quật đợt cuối và triển khai dự án tôn tạo nơi này thành địa chỉ cho khách nghiên cứu và tham quan. Trong vách hang, các lớp đất đá được bốc tách làm hiện ra một bức địa tầng hoá thạch các niên đại văn hoá khác nhau. Trong các lớp địa tầng ấy và lẫn lộn trong khối đất đá được dọn ra đổ đống bên ngoài, có vô số vỏ ốc lớn nhỏ khác nhau, hầu hết là loại ốc xoắn thân dài thường thấy trên các bãi biển. Điều ngạc nhiên là gần như tất cả vỏ ốc lại bị ghè chặt mất phần đuôi nhọn. Người xưa đã dùng số ốc này làm thực phẩm chăng? Và họ đã mang chúng từ đâu về đây? Cánh đồng trong thung lũng dưới kia ngày xưa có nằm trên núi cao như bây giờ hay còn ngập chìm trong nước? Cùng với những câu tự hỏi ấy là văng vẳng trong đầu tôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du: “Trải qua một cuộc bể dâu…”.
21 ngàn năm còn hiển hiện
Hang Trại được phát hiện là nơi trú ngụ của người Mường
Ngay trước miệng hang là một khối đá vôi lớn chắn lối, theo giới chuyên môn thì khối đá này nhiều ngàn năm trước đã rơi từ trên xuống, nên người xưa phải vào ra hang bằng hai ngách hẹp ở hai bên. Trong lần khai quật của năm 2008 này, tiến sĩ Nguyễn Việt, giám đốc trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã có phát hiện hết sức quan trọng, đó là những vết mòn nhẵn, có vết lỏm sâu nằm ở những khối đá nhô cao theo hai lối hẹp vào hang ở vào vị trí tương ứng với bước chân con người. Trùng khớp với những vết mòn lối đi là những vết mòn ở vách đá bên trên ở vào tầm tay vịn. Kết quả xét nghiệm các mẫu hiện vật từ đây gởi đến Berlin, Đức và trường đại học Washington cho biết, chúng có niên đại từ 21 đến 7 ngàn năm cách nay.
Cũng trong lần khai quật 2008 này, tiến sĩ Nguyễn Việt cũng lần đầu phát hiện được ngôi mộ cổ, phần dưới còn nguyên dạng trong tư thế nằm co gồm một phần hông, đôi chân và một phần bàn tay trái đặt trên hông phải. Người chết được chôn theo một chày nghiền cuội hình bầu dục, hai công cụ ghè đẽo, một mũi nhọn bằng sừng. Nghiên cứu sơ bộ có thể kết luận đây là di cốt của một người đàn ông thuộc văn hoá Hoà Bình giai đoạn sớm, tuổi khoảng 35 – 40, cao trong khoảng 1,65 – 1,68cm; có niên đại cách ngày nay khoảng 17.000 năm.
Mường Đất và Mường Người
Đọc qua các bài mo truyền khẩu được ghi lại và chuyển thành Việt ngữ, nhất là bài mo Đẻ đất đẻ nước thì có cảm giác cái Mường của người sống và cái Mường của người chết chẳng xa nhau lắm và bên này nhìn qua bên kia cũng thân thiện, không tỏ ra e dè, sợ sệt như người dưới xuôi. Dưới nhà sàn của các gia đình Mường thường thấy để cạnh những vật dụng sinh hoạt, vật dụng săn bắt và trồng tỉa là những chiếc quan tài. Quan tài của người Mường làm bằng một khúc gỗ tròn nguyên, xẻ đôi và khoét rỗng bên trong. Mỗi chiếc quan tài được “chỉ định” cho riêng một người, do tầm vóc cơ thể của người đó mà người ta tìm chọn những khúc gỗ lớn nhỏ, dài ngắn cho thích hợp.
Năm 1975 ông Hà Phùng Tiến, một cán bộ khảo cổ học đã thông báo phát hiện ra dấu vết cư trú của người tiền sử ở hang Xóm Trại này. Từ bấy đến nay đã có đến 4, 5 đợt khai quật khảo cổ. Hơn 5.000 hiện vật tìm thấy sau các lần khai quật, chủ yếu là công cụ bằng đá và xương. Các nhà khảo cổ kết luận, nơi này vừa là chốn cư trú vừa là công xưởng chế tác công cụ của cư dân văn hoá Hoà Bình.
Người Mường xưa không làm mộ cho người chết, đất trên mộ được khoả bằng và đánh dấu bằng những hòn đá. Năm tháng dần phôi pha nỗi nhớ tiếc của người sau, thì những ngôi mộ ấy được gửi cho rừng sâu gìn giữ. Chỉ có các quan Lang nhiều thế lực và giàu có thì mới lưu lại mộ phần. Ngày nay, trên xứ mường Hoà Bình vẫn còn một khu mộ cổ đồ sộ nằm ở huyện Kim Bôi, thuộc vùng Mường Động xưa, có tên là Đống Thếch, được biết là của một nhà Lang có họ Đinh. Khu mộ cổ này từng có hàng trăm ngôi mộ với hàng nghìn phiến đá dựng quanh sừng sững như một rừng đá. Trải qua nhiều thăng trầm khác thường, trong đó có thời kỳ là đối tượng của kẻ trộm đạo cổ vật (vì người Mường có tục chia của cho người chết khi về sống với Mường Đất), cho đến nay chỉ còn hơn chục ngôi mộ là tồn tại khá nguyên vẹn. Những phiến đá dựng quanh các ngôi mộ còn lại, nhiều phiến là những bảng chữ (Hán tự) chạm khắc tinh xảo.
Một trong những bia tạc ấy người ta đọc được: “Lê quân Trịnh chúa Cảnh Trị trị đại tam niên…”, nghĩa là: “năm thứ ba niên hiệu Cảnh Trị (1680) triều đại hưng trị thời vua Lê, chúa Trịnh…”.
Hơn 300 năm, dù có nhiều hé lộ để giải mã, thế nhưng khu mộ cổ Đống Thếch vẫn còn được biết một cách rất sơ sài.
bài  Nguyễn Trọng Tín  ảnh Trần Việt Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét