Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Về lại làng Bùng quê trạng

Làng thôn khang trang, phố xá tấp nập... , diện mạo của làng Bùng quê trạng Phùng Khắc Khoan đã thay da đổi thịt thành "khu công nghiệp" của xứ Đoài.


Thế nhưng, tìm về phần mộ, nhà thờ của trạng Bùng hôm nay, người ta vẫn thấy được một không gian lắng đọng và uy nghiêm.

Nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa của "khu công nghiệp" xứ Đoài (nay thuộc về Hà Nội) dường như không có bóng dáng ở chốn thờ tự trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Người làng vẫn trân trọng khoảng không gian và những gì thuộc về bậc tiền nhân của mình. Sự tôn kính không ngừng được bồi đắp qua nhiều thế hệ và với họ, ông không chỉ là là niềm tự hào mà còn luôn là tấm gương lớn để đời đời cháu con phấn đấu, làm theo. 
Nhà thờ trạng Bùng Phùng Khắc Khoan được xây dựng trong một khuôn viên rộngvà vẫn giữ được sự yên bình của một vùng quê bắc Bộ.
Làng Bùng - làng cổ

Làng Bùng là tên cổ, nôm của làng Phùng Xá, nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Làng nằm cách Thủ đô chưa đầy 20 km, nằm bao bọc giữa vùng đất đất phật chùa Thầy (Sài Sơn - Quốc Oai), chùa Trăm Gian, chùa Trầm (Chương Mỹ), chùa Tây Phương (Thạch Thất)…
Theo nhà nghiên cứu Trần Duy Phương và Phùng Khắc Đồng, tương truyền, từ thời Tây Hán (năm 111 TCN), ông cha làng Phùng Xá đã đến đây lập trang ấp.

Sử sách địa phương ghi lại, làng Bùng có 5 cổng ra vào có tên là: Phiên nhất, Phiên ba, Phiên tư, Cổng chợ và Cổng chợ trên. Xưa, làng dược bao bọc trong lũy tre dày ken kín. Với kiến trúc như thế, làng Bùng khiến người ta liên tưởng tới 5 cửa ô Thủ đô Hà Nội và đặt câu hỏi, phải chăng có một sự gửi gắm và liên quan nào đó trong kiến trúc của người xưa, trong tâm thức của nền triết học phương đông (thuyết ngũ hành).
Phần mộ của ông luôn được coi sóc cẩn thận.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan


Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh gia trong một gia đình nho nhã, thanh bạch. Thuở nhỏ, ông thông minh học giỏi, 8 tuổi đã biết nhận xét về người đời, việc trời, 16 tuổi đã có thơ hay, nói trí. Vốn là học trò xuất sắc của Trạng Trình, lớn lên, Phùng Khắc Khoan sớm biết chọn con đường đi với dân, phò nguy, dẹp loạn, góp phần quan trọng vào việc thống nhất đất nước, sau hơn 50 năm nội chiến liên miên thời Lê - Mạc.
Đất nước hòa bình, năm 1597, ông được vua Lê Thế Tông (1573- 1599) cử đi sứ sang Trung Quốc, một công việc vô cùng gian khổ, nguy nan lúc ấy. Với tài trí thông minh và tài đối đáp ngoại giao, ông không những đề cao uy thế quốc gia, hoàn tất sứ mệnh mà còn làm cho vua quan nhà Minh phải kính nể, phong cho học vị Trạng nguyên, ban cho mũ áo, cân đai về nước.
Cùng thời gian đi xứ này, ông cũng đỡ gợi mở mối đồng cảm, thắt chặt tình giao hữu giữa nhân dân Đại Việt với nhân dân Triều Tiên, Nhật Bản qua các xứ thần của các nước hồi đó.
Không gian và những gì thuộc về trạng Bùng luôn được người dân trân trọng và gìn giữ. Ảnh: Thành Kong.

Cũng trong chuyến đi sứ đó, trạng Bùng đã mang các giống ngô, đỗ, khoai lang… về nước; dạy dân dệt lượt, đóng cày bừa, khơi ngòi làm thủy lợi, tưới tiêu cho những cách đồng trên quê hương. Ông còn bỏ tâm trí và tài lực ra xây dựng Nhật tiên kiều, Nguyệt tiên kiều ở chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai) làm cho thắng cảnh này càng thêm mỹ lệ.
Khi tuổi cao, ông được vua Lê Kính Tông (1600-1619) cho về an dưỡng tuổi hòa ở tại quê hương. Sau gần 50 năm tận tụy với nhà Lê, ông được về nghỉ nhưng vẫn đem tâm sức xây dựng quê hương bản quán cho đến khi qua đời. Thi hài ông được xây cất ở xứ Lộng Mai (thôn Bùng). Vốn là người thanh bạch, liêm khiết nên mộ phần đơn giản. Đến thời Tự Đức, những học quan của tỉnh Sơn Tây và huyện Thạch Thất (nay đều thuộc Hà Nội) mới tổ chức xây xung quanh bằng đá ong.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan được công nhận như một trí thức lớn ở cuối thế kỷ 16 có tài kinh bang, tế thếm ngoại giao, nội trị ở Việt Nam. Ông được truy tặng Thái Tể, các triều sau đều tôn xưng ông là Công thần trưng hưng nhà Lê, đưa vào thở ở miếu Lịch đại đế vương và nhiều lần gia phong mỹ tự.
Vân Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét