Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Về thăm thành Vinh

dlat2_71
Vinh
Bài: Song Minh. Ảnh: Hoàng Thụy
Về thành phố Vinh hôm nay, hay còn được gọi bằng một cái tên khác “thành phố Đỏ” du khách sẽ cảm nhận được nhiều sự đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh trong lịch sử của dân tộc. Thế nhưng, trên đà phát triển mạnh mẽ đó, thành Vinh vẫn giữ cho mình những nét văn hóa rất cổ kính độc đáo không lẫn với bất cứ vùng miền nào của đất nước.
Hiện đại và cổ kính
Vinh, thành phố của tỉnh Nghệ An có tên gọi ban đầu là Kẻ Ván. Trong quá trình hình thành và phát triển, Vinh còn có nhiều tên gọi khác như Vinh Giang, Vinh Doanh, Vinh Thi… và cuối cùng tên Vinh được quyết định dùng làm tên gọi cho tới ngày nay. Thành phố Vinh được hình thành bởi phù sa dòng sông Lam chảy uốn lượn hiền hòa và phù sa của biển. Chính sự bồi đắp đó tạo nên cho “thành phố Đỏ” một địa hình khá bằng phẳng và cao ráo. Về Vinh dễ nhận thấy đây là một thành phố đang trên đà phát triển với nhiều tiềm năng đang được phát huy một cách mạnh mẽ. Từ Vinh có thể về với Cửa Lò, điểm du lịch ngày càng được chuộng với bãi tắm tự nhiên, thoáng mát. Bãi biển trải dài hàng chục cây số với bờ cát trắng mịn, nước trong, người dân xứ Nghệ hiếu khách như những lời mời gọi du khách thập phương về thăm.
Đến Vinh, ngoài sự “ngạc nhiên” vì sự thay da đổi thịt ở mảnh đất khô cằn của dải đất miền Trung, du khách còn được tham quan nhiều địa điểm, di tích văn hóa lịch sử rất cổ xưa mà cho tới ngày nay những nét văn hóa đó vẫn còn lưu giữ một cách nguyên vẹn. Đó là Phượng Hoàng Trung Đô, là kinh thành do vua Quang Trung xây dựng năm 1788 bên dòng sông Lam và dãy núi Dũng Quyết. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, di tích này vẫn luôn trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây mỗi khi nhắc tới nguồn cội của mình. Cách đó không xa là Thành cổ Nghệ An, xây dựng năm 1884, Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, Cửa hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích thành cổ hầu như bị hư hại gần hết. Tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh đã có quy hoạch khôi phục lại di tích lịch sử này và cải tạo thành một công viên văn hóa lớn của thành phố Vinh.
Có lẽ với bất kì du khách nào, đến Vinh mà không ghé thăm khu Di tích Kim Liên thì quả là một điều đáng tiếc và thiếu sót. Từ Vinh đi về hướng Tây cách 12 km là khu di tích Kim Liên – Quê hương Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Về thăm cụm di tích này, du khách sẽ được “mắt thấy tai nghe” về con người và cuộc đời của vị cha già dân tộc và những người thân của Bác. Ngoài ra, ở Vinh, còn nhiều điểm thăm quan khác cũng rất thú vị thu hút khách tham quan như Cồn Mô – Ngã ba Bến Thủy, Đền thờ Vua Quang Trung…
Đặc sản cháo lươn

dlat1_71
Cháo lương
Người dân thành phố Vinh nói riêng và xứ Nghệ nói chung “nghiện” món cháo lươn cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng, du khách thập phương đến Vinh mà không thưởng thức món đặc sản này thì niềm thú vị coi như mất đi một nửa.
Đến Vinh, dọc các con phố, tuyến đường du khách sẽ thấy rất nhiều quán cháo lươn. Thời gian người dân thành phố thưởng thức món “khoái khẩu” thường là vào sáng sớm. Những địa chỉ được nhiều người tìm đến như quán bà Liệu ở Quán Bàu, bà Lan và dãy quán cháo cạnh khách sạn Giao tế.
Theo những người nắm giữ bí quyết thì để nấu một nồi cháo lươn thật ngon thì không phải bất cứ ai cũng làm được, cho dù đó là dân xứ Nghệ bởi cách chế biến món cháo lươn rất khắt khe và cầu kì.
Nấu một nồi cháo lươn ngon đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người chế biến. Lươn mua rồi không làm thịt ngay mà phải đem nuôi lại 7 ngày trong vại, chum để sạch bụng lươn. Khi làm thịt, vớt lươn bỏ vào thùng, cứ 5kg lươn đổ 0,5kg muối, lắc đều khoảng 15 phút rồi rửa sạch bằng vòi nước chảy. Bắt lươn và ngoắc đầu vào một cái đinh đóng trên mảnh ván, đặt ngửa bụng lươn ra rồi dùng dao nhỏ rạch bụng lấy ruột đi. Lươn được làm sạch, đem luộc, gỡ lấy thịt. Nồi nấu món lươn phải là nồi đất chứ không phải nồi đồng, nồi nhôm. Thịt lươn xào với nghệ, thêm một chút ớt xay, tiêu và đặc biệt phải có hành tăm để tăng thêm vị thơm cay nồng đặc trưng. Thịt lươn luộc lấy nước, sau đó ướp, xào với các gia vị gồm: hạt tiêu, hành khô thái nhỏ, ớt bột, bột canh, bột điều cho nổi màu. Sau đó phi hành với dầu trong một cái chảo rồi đổ thịt lươn đã ướp kỹ vào đảo đều cho tới chín. Gạo nấu cháo chọn loại gạo ngon, pha thêm chút nếp để cháo sánh hơn. Gạo nấu cháo phải ninh như tự nhiên chứ không được xay hay rang lên vì sẽ làm mất hương vị tự nhiên. Cháo ninh thật kỹ, hạt gạo nở bung, không đặc, cũng không được loãng quá. Múc cháo ra bát rồi múc lươn bỏ vào với khối lượng tương ứng rồi cho gia vị là mùi tàu, hành hoa, rau răm thái nhỏ, ớt thái lát. Khi ăn nặn một chút chanh là có một bát cháo ngon đầy hương vị.
Khi ăn, lươn trộn cùng cháo, thêm gia vị, tiêu, ớt… tùy sở thích, ăn kèm vài ngọn rau ngổ và bánh mì càng thêm hấp dẫn. Buổi sáng sớm ăn cháo lươn rồi “tráng miệng” bằng một bát nước chè xanh thì cảm giác tuyệt không gì tả nổi. Có thể xem đây là món ăn mát lành của vùng đất quanh năm cát gió. Một chút gì đó như duyên tình xứ Nghệ, như lòng khách thập phương nặng nợ với chốn này.
“Cháo lươn có thể xem đây là món ăn mát lành của vùng đất quanh năm cát gió. Một chút gì đó như duyên tình xứ Nghệ, như lòng khách thập phương nặng nợ với chốn này”
monngonvietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét