Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Vườn chè trên núi Chúa

Núi Chúa thuộc nhánh Đông Trường Sơn đâm ngang ra biển trong dãy Đại Lãnh, là ranh giới của hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa, cao độ 1010 mét. Trên đỉnh luôn có làn mây trắng bao phủ, lại là cửa gió từ các phía thổi tới theo mùa, như gió Tây-Nam, gió Đông-Bắc, gió Nồm… nên nhìn từ xa đỉnh núi Chúa như có rồng vờn lượn quanh năm.

070424-nui-chua.jpg
Núi Chúa - Ảnh: TRẦN QUỲ

Trong quyển Non nước Phú Yên, ông Nguyễn Đình Tư viết: “Tương truyền xưa kia, mỗi khi ở kinh đô có một vị vua chúa băng hà, thì tại núi này tự nhiên phát ra ba tiếng nổ lớn như tiếng sấm động, cho nên người ta mới gọi như thế” [45, tr.108]

Những câu ca dao lưu truyền ở Phú Yên cho thấy có mối quan hệ giữa đời sống tâm linh của người dân quanh vùng và hiện tượng thiên nhiên trên:

Ngắn lời kêu chẳng tới chàng

 

Vua băng núi Chúa bỏ ngai vàng lại đây!
........
Con rồng nằm núi Chúa
Con hạc múa xa chừng
Tối trời quân tử dời chưn
Khuyên em ở lại giữ xuân má đào
Nơi nào lớn chức quyền cao
Tốt như tiên cũng mược, em đừng trao ân tình. 

Núi Chúa còn có tên gọi khác là hòn Chảo, vì đứng ở rất xa nhìn vào, trông giống như cái chảo khổng lồ úp lên đỉnh. Trên núi Chúa có nhiều loại gỗ quý, đặc biệt là cây dó bầu (cho trầm kỳ). Những người đi điệu kể rằng trên đỉnh núi Chúa hiện còn sót lại một khoảnh nhỏ cây chè, hái nấu tươi uống có vị ngọt, thơm mát. Hàng năm cứ đến ngày tết Đoan Ngọ, dân địa phương kéo nhau lên ngọn núi Chúa hái lá chè tươi mang về làm thuốc chữa bệnh. Điều này có vẻ liên quan đến huyền thoại “vườn chè trên núi Chúa” mà dân gian còn truyền tụng đến ngày nay. Chuyện kể như sau: 

Có gia đình nhà kia rất nghèo, ở ngay chân núi. Chẳng may do phong chướng, người chồng chết sớm, để lại vợ và con thơ. Vợ ở vậy nuôi con. Nhưng một ngày kia, người vợ cũng bị phù trướng. Theo chỉ dẫn trong dân gian, người con tìm hái đủ các loại lá về chữa cho mẹ, nhưng bệnh ngày càng nặng…

Một đêm kia, đang nằm thiếp đi bên giường mẹ, người con bỗng nghe văng vẳng bên tai có tiếng nói trong vắt tựa tiếng suối chảy, tiếng khánh ngân: “Con hãy leo lên tận đỉnh, gặp nơi nào bằng phẳng nhất, có những cây lá xanh mướt trên chóp thì hái mang về nấu nước cho người bệnh uống, sẽ khỏi ngay”. Tỉnh giấc nhìn quanh không thấy ai.

Vì lòng thương mẹ, nên mới tinh mơ, người con thức dậy vào núi. Anh ta làm đúng như lời chỉ dẫn, quả nhiên sau đó mẹ khỏi bệnh, bình phục như xưa. Từ đó trong vùng có người bệnh lập tức người nhà lên núi Chúa tìm hái loại lá cây này mang về nấu nước uống trị bệnh. 

Dị bản:

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Sao Kim thì truyền thuyết vườn chè trên núi Chúa có liên quan đến tình chung thủy. Chuyện kể như sau:

 Hai vợ chồng nọ thương yêu rất mực, ăn ở với nhau đã lâu nhưng hiếm muộn. Cha mẹ bắt phải cưới vợ kế đẻ con nối dõi tông đường. Chồng khăng khăng một mực không chịu. Đến một ngày nọ, do áp lực gia đình nhưng lòng chung thủy với vợ thì không gì suy sứt, nên khi nghe có người mách bảo trên đỉnh núi cao có loại thuốc quý, uống vào sẽ khỏi bệnh hiếm muộn.

Vì thương vợ, chồng khăn gói lên đường. Qua bao nhiêu đèo suối, chống chọi với muôn ngàn hiểm nguy, cuối cùng người chồng cũng lên được tới đỉnh, nhưng đã kiệt sức vì đói và khát nên bỏ mình trên đỉnh cao.

Vợ ở nhà chờ từ tháng này sang năm khác, không thấy chồng trở về. Khi nghe có người mách, trên đỉnh núi Chúa có một cồn mối đùn lên thành hình nhân, người vợ bươn bả tìm đường lên đỉnh. Tới nơi, quả nhiên thấy có một hình nhân bị mối đùn, trông giống hệt chồng. Người vợ tìm cách đào bới và tìm thấy vòng đồng còn bám trên xương tay, đúng là chiếc vòng nàng đánh cho chồng trước đây. Quá đau đớn, nàng ôm xác chồng và chết theo. Xác hai người dưới gốc cây chè, hồn hóa vào đó.

Sau này dân gian truyền tụng, ai hiếm muộn, cứ lên đỉnh núi Chúa, hái đúng cây chè của đôi vợ chồng nọ thì sẽ có con ngay (!?)

(Theo lời kể trong dân gian, có đối chiếu “Truyện cổ Phú Yên” của Ngô Sao Kim).

ĐÀO MINH HIỆP - ĐOÀN VIỆT HÙNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét