Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Đảo Hòn Thơm

Một góc Hòn Thơm - Ảnh: Hoàng Chí Hùng
Hòn Thơm là một hòn đảo nhỏ nằm trong quần đảo An Thới, thuộc xã Hòn Thơm, huyện  Phú Quốc,tỉnh Kiên Giang. Xã đảo Hòn Thơm mới thành lập năm 2003 có tổng diện tích là 571 ha, bao gồm 18 hòn đảo lớn, nhỏ với hơn 2.076 dân. Trong đó, đảo Hòn Thơm có diện tích lớn nhất, khoảng 5,7 km2. Tiềm năng và lợi thế ở đây được xác định là dịch vụ du lịch, khai thác và nuôi trồng hải sản.
Dân cư chủ yếu tập trung trên 5 đảo chính là Hòn Thơm, Hòn Rỏi, Hòn Mây Rút, Hòn Dơi, Hòn Dừa....Họ sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản và trồng cây ăn trái trên các sườn núi. Hầu hết các hòn đảo còn lại đều là đảo hoang. Truyền thuyết kể lại, những hòn đảo nơi đây ngày xưa ít nhiều liên quan đến những cuộc trốn chạy và nuôi chí phục thù của chúa Nguyễn khi lưu lạc đến Phú Quốc trong trận chiến với quan quân Tây Sơn.

Cụm đảo Hòn Thơm có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, quy hoạch, bố trí dân cư và xây dựng các tuyến giao thông đường bộ. Tuy nhiên cho đến nay, Hòn Thơm vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về đất đai, chưa xác định được cụm, tuyến dân cư nên việc xây cất nhà ở của nhân dân còn quá lộn xộn, làm ảnh hưởng đến nét đẹp vốn có của hòn.

Du lịch
Từ cảng An Thới, ngồi tàu du lịch hay canô, chỉ mất vài chục phút là ra đến đảo. Điểm đầu tiên du khách trông thấy là hòn Dừa. Từ xa, bạn có thể nhìn thấy một màu xanh bất tận của dừa. Dưới chân đảo, biển xanh vỗ sóng rì rào. Xa xa, núi đá nhấp nhô, lác đác vài căn nhà nhỏ thoắt ẩn, thoắt hiện trong màu xanh rì của cây cỏ. Dưới chân núi, trên sườn núi, ngoài bãi biển, đâu đâu cũng là một màu xanh bất tận của dừa, xoài và một số loài cây khác.
Qua khỏi Hòn Dừa, du khách sẽ đến Hòn Rỏi và Hòn Thơm. Ở đó, du khách sẽ được nhìn thấy vô số những chiếc phao tròn nhấp nhô trên biển. Đó là nơi nuôi trai lấy ngọc. Bên dưới những chiếc phao ấy là những lồng sắt có lưới bao bọc. Trai được cấy hạt nhựa vào thịt, rồi thả xuống lồng để chờ ngày kết ngọc. Rải rác đây đó là những bãi san hô lộng lẫy. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú khi tham quan các hòn đảo, lội bộ trên triền cát, tắm biển, ngắm san hô. Người có máu mạo hiểm thì vạch cây, trèo đá chinh phục các dốc núi.
Khu nuôi cấy ngọc trai - Ảnh: Hoàng Chí Hùng
Hòn Thơm có lẽ được xem là tinh hoa của quần đảo này. Phía Bắc đảo là những ghềnh đá nhấp nhô, biển đánh vào tung bọt trắng xoá. Giữa đảo là những rặng dừa trải dài xa tít. Ngoài xa, hàng trăm con tàu đang cặp "cảng" nghỉ ngơi. Như một quy luật hơn mười năm nay, khi cái “cảng” tự phát này hình thành, cứ vào mùa gió bấc, thuyền bè lại tụ về mạn phía Nam. Đến mùa gió Nam thổi, họ lại tụ về vùng biển phía Bắc của hòn để tránh. Rải rác giữa “cảng”, có những chiếc bè nho nhỏ và chủ nhân trên bè chào bán những chú mực tươi, tôm, ghẹ...vừa đánh bắt được với giá phải chăng.
Hòn Thơm không những có lợi thế về tiềm năng biển đảo mà còn có diện tích đất mặt bằng, diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn hơn so với một số hòn khác. Thiên nhiên đã ưu ái kiến tạo cho Hòn Thơm có diện tích mặt bằng rộng lớn và nhân dân đã ra sức bảo vệ, giữ được màu xanh của rừng nên nguồn nước ngầm ở đây rất phong phú, kể cả trong những năm nắng hạn kéo dài. Đặc biệt, chung quanh Hòn Thơm có nhiều hòn đảo rất đẹp, còn nguyên sơ thuận lợi cho việc mở rộng các tour du lịch, câu cá, lặn ngắm san hô, tắm biển... Đó cũng là lợi thế để Hòn Thơm đẩy mạnh các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội biển đảo, nhất là các dịch vụ du lịch và nghề nuôi cá lồng bè.
Đến Hòn Thơm, du khách sẽ cảm thấy thích thú khi tham quan các bãi san hô, đi bộ trên triền cát, nằm hóng mát dưới bóng dừa xanh nghe sóng biển vỗ về. Những ai thích mạo hiểm, thì có thể tham gia chinh phục các dốc đá ngoài ghềnh, hay tham gia câu mực cùng với ngư dân....Cách hòn Thơm trên mười phút đi tàu, du khách có thể ghé thăm làng câu mực. Ở đó, cứ đêm xuống, những ngư dân lại tụ về câu mực... Cư dân trên các hòn đảo hầu hết làm nghề đánh bắt hải sản hoặc trồng cây ăn trái trên các sườn núi. Tuy chưa biết cách làm du lịch chuyên nghiệp nhưng họ sẵn sàng làm “hướng dẫn viên” cho khách xem câu mực, bắt những con nhum bò trên ghè đá và chế biến thành những món đặc sản...
Bí mật về con tàu đắm


Vùng biển Hòn Thơm là nơi cất giấu bí mật về một con tàu đắm đã lâu chưa được khám phá. Cuối tháng 09-2007, Liên danh Công ty TNHH Hoàng Đức Lợi và DNTN Bảo Trân đã gởi văn thư và hồ sơ xin phép UBND tỉnh khảo sát địa điểm tàu cổ đắm tại vùng biển gần Hòn Thơm và Hòn Dầm, huyện Phú Quốc. Ngày 05-10-2007, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có ý kiến chấp thuận cho nhóm liên danh tiến hành khảo sát ban đầu hai vị trí tàu cổ đắm theo đề nghị và dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương…
"Cảng" Hòn Thơm - Ảnh: Hoàng Chí Hùng
Sau khi chuẩn bị đầy đủ về phương tiện, trang thiết bị hiện đại và các điều kiện cần thiết khác, ngày 16-04-2008, đoàn rời cảng An Thới đến khu vực Hòn Thơm và Hòn Dầm với sự giúp đỡ dẫn đường của ngư dân đảo Phú Quốc Tại di chỉ tàu đắm ở Hòn Thơm, trong ba ngày liên tiếp đoàn thực hiện hơn hai mươi ca lặn, mỗi ca tiến hành trong 40 phút. Nhưng đáng tiếc, hiện trạng con tàu đã bị phá hủy, trong khu vực hiện trường hầu như chỉ còn những mảnh đồ gốm Thái Lan bị vỡ và dính hàu biển. Đoàn khảo sát quyết định dừng công việc sớm hơn kế hoạch ban đầu.

Theo báo cáo của ngành Văn hoá - Thể thao - Du lịch Kiên Giang, kết quả khảo sát di chỉ tàu cổ đắm như sau: Di chỉ tàu đắm Hòn Thơm trước đây đã được tỉnh tiến hành thăm dò. Kết quả khảo sát lần này cũng cho thấy, toàn bộ hiện trường di chỉ đã bị phá hủy và do ngư dân tự ý khai thác trái phép. Dấu vết còn lại của di chỉ là một ụ nổi hình bầu dục cao 01 m dài 70 m, rộng 40 m, giữa ụ là một hố sâu lộ ván đáy tàu. Đoàn khảo sát đã thổi lớp bùn cát theo hai luống rộng 02 m dọc theo chiều dài ụ nổi để xác định trữ lượng hiện vật còn lại. Tuy nhiên, lẫn trong bùn cát hầu như chỉ còn mảnh đồ gốm vỡ. Đoàn đã thu được 73 hiện vật gốm men ngọc, men nâu và đồ sành như chén, bát, đĩa, lọ, nắp, nghiên mực, mảnh chum. Ở vị trí thứ 2 là Hòn Dầm, các chuyên gia cũng sớm thất vọng vì toàn bộ di chỉ đã bị phá, hiện vật bị khai thác cạn kiệt. Dấu vết còn lại của di chỉ là một hố sâu hình lòng chảo đường kính khoảng 60 m, trên bề mặt còn rải rác mảnh gốm vỡ. Số lượng hiện vật mang lên chỉ có 17 món, song khá phong phú về dòng men: men trắng vẽ lam, men thúy lam, men ngọc, men nâu, đất nung.
Qua khảo sát một số sưu tập tư nhân ở Rach Giá, TS Nguyễn Đình Chiến - người phụ trách về mặt khoa học của đoàn - cho rằng có thể đặt ra 2 giả thuyết: Hoặc đây là tàu chở đồ gốm xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan thế kỷ XV hoặc đây là chiếc tàu buôn của người Trung Quốc chở đồ gốm Thái Lan xuất khẩu. Do toàn bộ hiện trường của cả 2 di chỉ đã bị phá hủy nghiêm trọng nên các thông tin về cấu trúc và chủ nhân con tàu không thể xác định được một cách chắc chắn và không thể tiến hành dự án khai quật khảo cổ học được. Số hiện vật thu được trong tàu không nhiều và hầu hết đã bị vỡ nên chỉ có giá trị nghiên cứu và trưng bày. Tuy nhiên bản đồ khảo cổ học vùng biển Kiên Giang đã được đánh dấu thêm 2 di chỉ tàu đắm cổ thế kỷ XV.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét