Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

“Bạc Liêu là vùng đất có số lượng địa chủ ít nhất nước nhưng họ lại nắm trong tay số lượng điền sản nhiều nhất nước”. Các đại điền chủ Bạc Liêu đón Tết cũng xa hoa khác thường.





Công tử Bạc Liêu tổ chức đấu xảo sắc đẹp


Vào dịp Tết một năm thập niên 30 của thế kỷ 20, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cho tổ chức một Hội chợ rất to ở điền Bàu Xàng, thuộc huyện Hòa Bình, Bạc Liêu ngày nay. Đây có thể gọi là một Hội chợ đầu tiên tính từ thời Bạc Liêu khai thiên lập địa.

Hội chợ có nhiều khu mua sắm vui chơi như: Khu hàng hóa công nghiệp đưa từ Sài Gòn về; khu trưng bày nông sản địa phương; khu ăn uống giải khát bán những món ăn địa phương như: bún mắm, cháo gà, bánh cóng, bánh xèo, hột é…; khu thi đấu thể thao với các trò chơi dân gian như: đi cầu chơn, bịt mắt bắt vịt, nhảy cà goòn, kéo co, đá cầu, đánh hưng, đá banh, …; Khu cờ bạc gồm có hốt me, xí ngầu, lắc bầu cua cá cọp…
 
Nhà của công tử Bạc Liêu
Nhà của công tử Bạc Liêu

Đặc biệt có một khu gọi là đấu xảo sắc đẹp. Có người nói rằng đây là cuộc thi hoa hậu đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long.

Cuộc thi này trao giải thưởng rất cao, một cặp kiềng vàng nặng 1 lượng vàng 24k, do đó nó quy tựu được rất nhiều cô gái đẹp ở mấy làng tham gia. Ba Huy làm chánh chủ khảo.

Sau này người ta kể rằng tất cả những cô gái đạt từ á hậu trở lên đều trở thành nhân tình nhân ngãi của Ba Huy, có người có con với Huy. Hội chợ ấy diễn ra đúng 10 ngày 10 đêm, có đến hàng trăm ngàn lượt người tham gia.

Hội đồng Điều mở trường gà nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh


Ngô Phong Điều hay còn gọi là hội đồng Điều, Điều là anh vợ của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và có một căn nhà đồ sộ mà ngày xưa dân Bạc Liêu gọi là bốt hội đồng Điều, tọa lạc tại đường Võ Thị Sáu ngày nay. Điều cực kỳ giàu có và ăn chơi nổi danh, có chân trong nhóm Công tử Bạc Liêu.

Có người cho rằng do thời trẻ “phí sức” nên đến hơn 50 tuổi là ông ta không đi đứng được, ăn uống cũng không xong nên phải uống sữa và sữa mà ông Điều uống là sữa người và phải là sữa con so.

Ông Trương Văn Thảo một nhà thầu lớn của Bạc Liêu kể rằng: thời cha ông cũng làm thầu và khi sửa chữa nhà cho hội đồng Điều cha ông đã “mục sở thị” chuyện ấy. Ông Điều không tin người nhà nên cho khoét một cái lỗ ở phòng ông nằm, ai bán sữa thì phải cho bộ ngực vào cái lỗ ấy mà nặn sữa vô ly thì ông mới uống.

Ông Điều có máu mê đá gà, cả cuộc đời ông dồn cho chuyện đá gà, chỉ có gà mới làm cho ông mất ăn mất ngủ chứ không phải vàng bạc kim cương.

Mỗi lần Tết về là hội đồng Điều tổ chức một chuồng đá gà thật to và ăn thua thật đậm đến nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh và Sài Gòn lúc bấy giờ.

Hồi đó, người Pháp chỉ chấp nhận cá cược trong chuyện đua ngựa, còn cá cược đá gà họ xem là cờ bạc bất hợp pháp, thế nhưng cái chuồng gà của ông Điều vẫn tồn tại nhiều năm.

Người Bạc Liêu xưa giải thích điều này rằng vì Điều quá giàu, lại có chân trong hội đồng quản hạt.

Truyền thống Tết xưa trong gia đình các đại điền chủ
Không bỏ qua các cuộc ăn chơi nhưng các đại điền chủ Bạc Liêu vẫn giữ những nét Tết truyền thống,.Nhà của Trần Trinh Trạch (cha Công tử Bạc Liêu), nhà đốc phủ sứ Cao Minh Thạnh (cha của nhân sử trí thức yêu nước Cao Triều Phát), nhà Chung Bá Vạn, nhà của gánh con cháu bá hộ Bì… có lối kiến trúc Pháp nhưng bên trong nhà lại bày trí theo mô típ Á Đông.

Tại nhà Cao Minh Thạnh, có khánh thờ, hoành phi, câu đối … được làm trên gỗ quý, khắc chạm gỗ và xà cừ đạt đến một trình độ nghệ thuật tuyệt mỹ. Giữa nhà lớn Trần Trinh Trạch là một cái bàn thờ gia tiên hoành tráng, trên bàn thờ chưng bộ Lư đồng mắt tre, tranh thờ và những cặp Lục bình quý thuộc vật gia bảo của hoàng tộc phương Bắc, trong nhà cũng rất nhiều hoành phi, câu đối, liễn thờ …
Phủ thờ của đại điền chủ Ca
Phủ thờ của đại điền chủ Cao Minh Thạnh

Khánh thờ trong phủ
Khánh thờ trong phủ

Khi Tết về họ sửa sang chưng dọn cúng kiến bàn thờ rất kĩ lưỡng, nhà cửa được sửa sang sơn phết và chưng dọn lộng lẫy với đèn lồng sáng rực. Họ là những người rất kỹ tính trong việc xông dất đầu năm hay xuất hành đầu năm. Vào năm mới bất kỳ tá điền nào đến nhà mừng tuổi ông hội, ông bá hộ cũng được lì xì một phong bao đỏ giá trị tương đương một giạ lúa.

Đồng thời, họ cũng có những thú chơi cây cảnh, hoa mai, hòn non bộ trước sân vào dịp Tết, với quan niệm bông mai sẽ mang đến may mắn cho năm mới. Tết là dịp họ xê dịch đi thăm thú với nhau hay thăm bà con dòng họ hoặc vào điền của mình ăn Tết với dân nghèo. Họ đi bằng ghe hầu, đó là một loại ghe chạm chỗ hình long phụng, có mui, có bạn chèo ghe, trong mui ghe có phòng the, có sập uống trà, hút á phiện. nhiều ông chủ điền chở theo nhân tình nhân ngãi đi chơi xuân. Có những ông chủ điền Tết là đi “hốt me”, đánh xí ngầu, nhưng cũng có người Tết là rước nhóm đờn ca tài tử về nhà mình hát.

Hồi đó, nhóm của Cao Văn Lầu là nhóm lớn nhất, rất nổi tiếng với cô đào cô Ba Vàm Lẽo và Tết là nhóm này hát xoay vòng nhà các điền chủ. Nhiều điền chủ ở chợ Bạc Liêu và các huyện thì thích rước một gánh hát bội về phục vụ Tết. Việc này ngoài thú ham thích và muốn lấy tiếng thì có người cũng có ý tốt là phục vụ tá điền sau một năm làm việc cho mình.

Tại các huyện như điền chủ Đóng (Quách Ngọc Đóng) hay điền bá hộ Bành Tòng Mậu, thậm chí cả điền Tây (chủ điền là người Pháp) họ rước gánh hát bộ về hát khai trương ở nhà điền chủ vào mùng 1-3 Tết. Nhưng cấm hát tuồng tích buồn, có rơi lệ, sau đó gánh hát cứ đi hát trong các xóm ấp và đến rằm tháng giêng cúng Kỳ Yên thì quay về đình làng trong điền mà hát cúng đình là kết thúc.
Tiền thuê gánh hát do chủ điền trả, có những chủ điền mê hát bộ và các cô đào hát mà theo đoàn hát không sót đêm nào, ông ta mặc áo dài khăn đóng, ngồi phía trước sân khấu mà cầm chầu (đánh trống).

Phan Thị Ngọc Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét