Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Bia Thoại Sơn




Bia Thoại Sơn dựng năm 1822
Bia Thoại Sơn là một trong ba di tích lịch sử[1], loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới chế độ phong kiến còn lưu lại đến ngày nay.
Hiện bia xưa được bảo quản khá tốt trong đình thần Thoại Ngọc Hầu tại triền núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang
 Nguyên do
Sau khi đào xong kênh Thoại Hà vào năm 1818, để đánh dấu công trình có ý nghĩa này, Thoại Ngọc Hầu đã nhờ Đốc học Gia Định thành là Cao Bá soạn một bài văn bia rồi sau đó lại nhờ Thiêm sự Công bộ phụng thủ Châu Đốc đồn tiền lương quân vụ Đoàn Hầu sửa lại cho đúng[2]. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia và khánh thành miếu thờ Sơn thần, nay là ngôi Đình thần thờ Thoại Ngọc Hầu tại thị trấn núi Sập, huyện Thoại Sơn.

 Giới thiệu

Bia Thoại Sơn bằng đá, đầu bia chạm to hai chữ Thoại Sơn, chiều cao 3 mét, ngang 1,2 mét, bề dày 2 tấc, mặt bia chạm đúng 629 chữ Hán.
Hiện nay, Bia xưa vẫn còn ở y vị trí ban đầu (trong đình), nét chữ Hán trên mặt bia còn sắc và đẹp[3]. Còn ở bên ngoài đình, người đời sau cho dựng thêm một tấm bia đá lớn khác, kích cỡ tương tự nhưng kém mỹ thuật hơn, khắc bản dịch tiếng Việt.

Đình thần Thoại Ngọc Hầu, nơi gìn giữ tấm bia cổ.
Bia Thoại Sơn
(trích)
...Suy ra dấu cũ, núi này xưa thuộc địa phận nước Phiên (Cao Miên), tục quen gọi là núi Sập. Từ các triều vua trước khai mở cõi Nam, mới cho vào bản đồ. Song le, cây hoang vẫn còn rậm rạp, luống làm hang ổ cho hươu nai, nơi thắng tích nầy bị vùi chôn không biết bao năm vậy!
Mùa thu năm Đinh Sửu (1817), lão thần kính (Thoại Ngọc Hầu), được vua trao ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh, mùa xuân năm Mậu Dần (1818) vâng chỉ đốc suất đào kênh Đông Xuyên.
Ngày thụ mệnh vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kênh dài đến 12.410 tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành ra một sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi...
Lại vâng theo lời dụ của vua, lấy danh tước Thoại Ngọc của lão thần, vì đã coi sóc việc nầy mà đặt tên là núi thoại để nêu lên cho tên kênh Đông Xuyên, lão thần do tên núi nầy mà được đội mang một danh dự ngoài phần mong mỏi.
...Kính dựng một miễu thần nơi chân núi, chọn đá làm bia, ghi to hai chữ thoại sơn, cùng kể rõ nguyên lai trên núi, ngõ hầu lưu lại đời đời không mất...[4]

 Giá trị

Bia Thoại Sơn là một áng văn hay, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và còn là di tích lịch sử nổi tiếng.[5]Ngày 28 tháng 9 năm 1990, bia đã Bộ Văn hóa ra quyết định số 993/VH.QĐ công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chú thích

  1. ^ Còn hai bia kia là bia Vĩnh Lăng ở Thanh Hóa và bia Vĩnh Tế Sơn ở Núi Sam, Châu Đốc. Theo [1] và Địa chí An Giang tập II, UBND tỉnh An Giang ấn hành, 2007, tr.314.
  2. ^ Chép theo văn bia. Tuy nhiên, theo Trần Hoàng Vũ thì Cao Bá tên là Cao Huy Diệu, Đoàn Hầu tên là Đoàn Khắc Cung (Bàn về một số điểm nghi vấn trong sách Thoại Ngọc Hầu và các cuộc khai phá miền Hậu Giang của cố học giả Nguyễn Văn Hầu, Tạp chí văn hóa lịch sử An Giang, số tháng 9-2009).
  3. ^ Chỉ tiếc, người đời sau cho sơn phết màu mè, khiến bia mất đi diện mạo lúc ban đầu.
  4. ^ Chép theo Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, NXB Hương Sen, tr. 371-374.
  5. ^ Theo[2]
  6. Đến Châu Đốc thăm lăng Thoại Ngọc Hầu
  7. Người đến Châu Đốc thường mải mê với một trời non nước, chùa chiền, rồi viếng Miếu Bà Chúa Xứ, mà đôi khi quên mất những di tích vô cùng giá trị khác như lăng Thoại Ngọc Hầu, nằm trong cụm di tích dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc.


    Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam. Đây là một công trình bề thế, tuyệt mỹ, mang ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cao. Nếu có đến Châu Đốc, bạn đừng quên tìm đến nơi này.
    Phần sân của lăng và đền luôn được chăm sóc cẩn thận chỉn chu vô cùng đẹp mắt
    Sơn Lăng nằm dưới chân núi Sam, bên cạnh vô vàn các di tích khác, nhưng kỳ lạ thay lại không bao giờ ồn ào náo nhiệt như các lăng miếu khác ở đây mà luôn có một không khí lặng lẽ, trang nghiêm, thành kính. Lăng vừa là lăng mộ, vừa bao gồm đền thờ, thờ Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, một vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ An Giang.
    Ông là một vị quan mà người Châu Đốc, An Giang dành cho sự biết ơn tột bậc bởi những cống hiến vĩ đại của ông cho con người và xứ sở trong những năm tháng làm quan đất này.
    Kể về công lao của Thoại Ngọc Hầu đối với vùng đất An Giang cũng như của cả vùng Nam bộ thì vô cùng to lớn và không sao kể xiết.
    Ông đã tập hợp lưu dân, khai sơn khẩn đất, phát triển nông nghiệp. Dưới sự cai quản của ông, những vùng hoang hóa, rừng rậm không người lui tới trở thành những vùng ruộng đất tốt tươi, con người tập trung sinh sống hòa bình, sung túc. Đặc biệt, công lao to lớn nhất của ông đối với miền Nam là đã tổ chức đào hai con kênh chiến lược là kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giao thông, thương mại thời bấy giờ.
    Chính vì lòng biết ơn tột bậc của người dân Châu Đốc đối với ông mà Sơn Lăng luôn được người dân ở đây chăm sóc với một vẻ đẹp chỉn chu hiếm thấy. Cây cỏ được cắt tỉa tỉ mỉ, quãng sân rộng luôn quang đãng sạch đẹp. Lối vào lăng qua chín bậc đá ong hết sức uy nghiêm.
    Phần lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và hai người vợ
    Cổng chính dẫn vào lăng Thoại Ngọc Hầu.
    Hiện vẫn chưa rõ Sơn Lăng được xây dựng từ năm nào. Nhưng theo sách sử thì khi người vợ thứ Trương Thị Miệt của Thoại Ngọc Hầu mất năm 1821, ông cho an táng ở đây. Rồi khi người vợ cả Châu Thị Tế mất vào năm 1826, ông cũng cho an táng tại đây và dành sẵn một phần đất cho mình ở giữa hai khu mộ của hai người vợ. Vậy có thể thấy thời gian khởi dựng khu lăng tẩm này đã được bắt đầu trước khi ông qua đời vào năm 1829. Và đây cũng chính là vùng đất cao ráo, thoáng mát, nên đã được ông chọn cho giấc ngủ ngàn thu.
    Qua khỏi cổng lăng là phần mộ của Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân. Tiếp theo là đền thờ ông được xây dựng vô cùng uy nghiêm, lộng lẫy, lưng tựa vào vách núi trập trùng, tạo dáng đền vô cùng hùng vĩ và uy nghi, cổ kính. Trong đền trang trí vô cùng tinh xảo, giữa đền là tượng bán thân Thoại Ngọc Hầu cao 2m với đủ cân đai áo mão như lúc đương triều, mắt dõi ra kênh Vĩnh Tế, tạo một không khí hết sức trang nghiêm.
    Đền Thoại Ngọc Hầu với tượng bán thân của ông đầy đủ cân đai áo mão tạo không khí hết sức trang nghiêm
    Cửa vào đền Thoại Ngọc Hầu.
    Trong đền còn có vô số những bảo vật có giá trị khác như những bức hoành phi, liễn đối, văn bia, văn tế, những áng văn thơ hùng tráng, ca ngợi công đức những bậc tiền nhân, gợi lên một thời oanh liệt của ông cha ta những năm tháng đi khai hoang mở mang bờ cõi, để lại cho con cháu muôn đời sau.
    Đến thăm đền Thoại Ngọc Hầu, không chỉ để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tiêu biểu dưới thời phong kiến nước ta, thưởng ngoạn không khí yên ả, thanh bình, mà còn là để thể hiện lòng thành kính đối với những bậc tiền nhân thuở trước.
    Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét