Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Cận cảnh khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau: Các loài thú

Rừng ngập mặn Cà Mau rất phong phú và đa dạng về các giống loài động vật. Lớp thú phát hiện được 26 loài thuộc 11 họ, 8 bộ, trong đó có 6 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 6 loài trong Sách đỏ thế giới và 10 loài trong Nghị định 32/2006 của Chính phủ. 
Lớp bò sát phát hiện được 43 loài thuộc 12 họ, 2 bộ, trong đó 13 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 6 loài trong Sách đỏ thế giới và 9 loài trong Nghị định 32/2006 của Chính phủ.
Trước ngày giải phóng, rừng ngập mặn Cà Mau có rất nhiều khỉ và cà khu. Ngày nay, do diện tích rừng bị thu hẹp và nạn săn bắt trộm nên đàn khỉ ở rừng ngập mặn Cà Mau ít dần. Khỉ sống theo từng đàn nhỏ ở sâu trong rừng, rất ít khi con người nhìn thấy chúng.
 
  Khỉ ở rừng ngập mặn.
Ông Ngô Dũng Liêm, nguyên Giám đốc Lâm ngư trường 184, kể lại: Năm 1999, trong một cuộc hội thảo về rừng ngập mặn tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), nghe bạn bè kể lại về phương pháp dụ khỉ, thấy hay hay nên ông về áp dụng thử. 
Đầu tiên, mua 5 con khỉ, trong đó có một khỉ con, sau một thời gian nuôi nhốt đã thuần, ông thả chúng ra và tới giờ cho ăn thì đánh kẻng. Một thời gian thấy có một số khỉ hoang dã vào cùng ăn với đàn khỉ nhà, nhưng chúng rất nhát, hễ thấy bóng người là chạy trốn vào rừng. 
Dần dần, thấy có thức ăn nhưng không bị hại, bầy khỉ rừng quen dần với bóng dáng con người. Từ 5 con khỉ nuôi ban đầu, đã dẫn dụ được trên 40 con khỉ rừng. Hiện đàn khỉ này rất dạn dĩ với con người, rất thân thiện với khách tham quan du lịch.
 
  Rái cá.
Ngoài đàn khỉ này ra, ở rừng ngập mặn Cà Mau còn có một đàn voọc mà người dân địa phương thường gọi là lọ nồi hay cà khu - một loài đặc biệt quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Chúng rất nhát, không dẫn dụ được.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, nhờ công tác bảo vệ nghiêm ngặt nên các loài thú ở đây như: chồn, khỉ, rắn hổ đước, dơi quạ… đang có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng về số lượng, lực lượng tuần tra đã nhìn thấy chúng thường xuyên".
Đây là một tín hiệu đáng mừng. Chúng ta hãy cộng đồng trách nhiệm để bảo vệ, bảo tồn sự đa dạng sinh học của rừng ngập mặn Cà Mau - khu Dự trữ sinh quyển thế giới./.
 
  Chồn mướp.

Phóng sự nhiều kỳ của Nguyễn Thanh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét