Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Cận cảnh khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau:Kỳ 10: Mắm -

Cùng với cây đước, mắm cũng mọc thành rừng. Giá trị kinh tế tuy không bằng cây đước, nhưng mắm là loài cây tiên phong lấn biển và có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển rừng ngập mặn.
Họ hàng nhà mắm có nhiều loại: mắm đen, mắm trắng, mắm ổi, mắm lưỡi đồng… Dọc theo bờ biển và sông rạch, ven bãi bồi của huyện Ngọc Hiển, mắm mọc thành rừng.
Theo các nhà khoa học, sự phát triển tự nhiên của rừng ngập mặn bắt đầu bằng sự tiến nhập của loài mắm. Cây mắm có sức sống rất mãnh liệt, từ những bãi bùn ngâm mình trong nước biển đến những khu đất rẫy cao đều xuất hiện mắm tái sinh. 
Do có bộ rễ được cấu trúc vững chắc ăn sâu xuống nhất, chịu được nước mặn ngập quanh năm, chịu được sóng gió và vai trò lớn nhất của cây mắm là cố định đất để cho các loài cây khác phát triển.
  
  Trái mắm.  Rừng mắm cổ thụ ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Cây mắm tái sinh và phát triển đến giai đoạn già cỗi thì suy vong, cây đước thay thế. Trái mắm già rụng xuống nước, nảy mầm, mọc rễ trong nước và trôi theo dòng nước phù sa, tắp vào các bãi bùn. Bộ rễ bám vào, ngày càng phát triển, làm cho đất ổn định, rồi già cỗi và nhường đất lại cho cây đước. Cứ thế, hết đời này sang đời khác, mắm luôn là cây tiên phong trong việc lấn biển.
Cây mắm là loài gỗ tạp, dùng để làm chất đốt là chính. Tuy nhiên lá và trái là thức ăn của cá, tôm, gia súc và cả con người. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đồng bào và chiến sĩ ta đã hái trái mắm, bóc vỏ, luộc đi luộc lại nhiều lần cho bớt đắng để ăn thay cơm.
Từ tháng 8-10 âm lịch là mùa trái mắm chín rụng đầy sông. Từng đàn cá dứa từ biển vào các cửa biển, cửa sông tìm ăn trái mắm và khi chúng ăn no, nổi phình bụng trên mặt nước, là lúc người dân địa phương dùng xà búp (chỉa) bơi xuồng theo sông rạch, ven biển đâm cá dứa. 
Cá dứa là loài cá da trơn rất ngon, có giá trị kinh tế cao, con lớn nặng đến hàng chục kí-lô-gam. Ngày nay, do săn bắt vô tội vạ, cá dứa ngày càng ít đi và trở thành của hiếm.
 
  Săn cá dứa ven sông rạch có rừng mắm.
Mắm còn là cây dược liệu có giá trị chữa bệnh: vỏ của nó dùng để làm thuốc trị ghẻ và chữa bệnh phong. Một điểm đặc biệt của cây mắm nữa là chịu được các loại chất độc hóa học. 
Trong chiến tranh, sau những trận rải chất độc hóa học của máy bay Mỹ, mọi loài cây đều bị hủy diệt, riêng rừng mắm chỉ rụng lá, sau đó đâm chồi và xanh tươi trở lại.
Nhờ có cây mắm, bãi bồi Mũi Cà Mau mỗi năm lấn ra biển trên trăm mét, làm cho đất nước ta thêm dài, thêm rộng./.
Phóng sự nhiều kỳ của Nguyễn Thanh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét