Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Câu chuyện về hoa Thiên lý

Bạn Mai Quyên ở Biên Hòa viết: Nhà tôi có trồng hai giàn hoa Thiên lý. Một  loại hoa thơm và một loại không thơm. Loại hoa không thơm có bán ngoài chợ. Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc” của Đỗ Tất Lợi thì thấy cây Thiên lý còn gọi là Dạ lý hương, loại thơm thì chiều và tối rất thơm. Sách ghi thân và lá của cây Thiên lý có chứa chất alcaloid, ngắt cuống lá thì thấy có một chất keo trong, lấy ngón tay bôi vào thì thấy chất nhựa này hơi dính tay.
Tôi đọc trên mạng thấy họ ca ngợi hoa Thiên lý quá, cho rằng cả hoa, lá non và ngọn đều là thực phẩm quý có tác dụng bổ dưỡng, giúp trẻ chóng lớn, giúp giảm được chứng phì đại tuyến tiền liệt. Về thành phần thì không thấy nói đến chất alcaloid? Nói rằng người ta phân tích thành phần dinh dưỡng có trong hoa Thiên lý: chất xơ (3%), chất đạm (2%), còn có chất bột đường, các vitamin C, B1, PP và tiền vitamin A, cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calci, phosphor, sắt… Đặc biệt là kẽm có hàm lượng khá cao. Miệng có 6 tai. Trái manh nang, tròn dài.
Đông y cho rằng hoa Thiên lý có vị ngọt, tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần gây ngủ ngon giấc, tu bổ tâm, thận, bớt đi tiểu đêm, đỡ mệt mỏi đau lưng, được sử dụng trong chứng viêm kết mạc cấp và mạn. Tôi đọc thấy ham quá, còn chất alcaloid thì sao? Ăn thường xuyên có tác dụng phụ gì không? Loại nào (hoa thơm hay không thơm) dùng được, xin cho biết cụ thể hơn.
Những điều bạn nêu theo sách và mạng Internet về hoa Thiên lý là đúng. Nhưng ở đây bạn không phân biệt được hoa Thiên lý (Telosma cordata) là dây leo, hoa ăn được và hoa Dạ lý hương (Cestrum nocturnum L.) là cây bụi, thân nhỏ (tiểu mộc), hóa gỗ, thuộc họ Cà (Solanaceae), hoa thơm nồng lúc chiều tối, hoa không ăn được. Có lẽ nhầm lẫn là do tên địa phương, vì miền Bắc có nơi gọi Thiên lý là Dạ lý hương, Dạ lài hương (?)
HOA THIÊN LÝ, còn gọi hoa Lý, tên khoa học là Telosma cordata (Burm. F.) Merr., thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Thiên lý là dây leo quấn, thường được trồng leo lên giàn, cành non có lông mịn, có mủ trắng. Lá có phiến hình tim, to. Hoa tụ tán từng chùm ở nách lá. Hoa xanh lục, rồi chuyển màu đo đỏ, thơm, hoa hình ống dài cỡ 6 cm, miệng có 6 tai. Hoa Thiên lý thơm nhẹ, lúc mới nở thì thơm nhưng khi hái đem ra chợ bị át mùi nên không nghe thấy thơm chứ không phải không thơm.
(Ngược lại, Dạ lý hương là cây bụi (tiểu mộc), hoa nở vào chạng vạng tối và rất thơm, thơm nồng nặc không thể nhầm với Thiên lý được). Hoa Dạ lý hương không ăn được.
Hoa Lý hay Thiên lý đã được kinh nghiệm dân gian trồng thành giàn vừa cho bóng mát vừa lấy hoa làm thực phẩm từ ngàn đời nay.
Hồi nhỏ, tôi thường nghe và thích bài hát “Làng tôi”:
“Nhà em ven sông, có lũy tre xanh,
có giàn hoa Lý, có vườn cau xanh.
Ngày ngày chăm chỉ học hành…
Kỳ thi sắp đến, em mong đậu đầu…”.
Lớn lên, tôi lại nghe những câu ca dao như:
“Tóc em dài, em cài hoa Thiên lý,
Miệng em cười, để ý, anh thương…”.
 Và khi ăn canh hoa Thiên lý, hoa Thiên lý xào với nhộng..., bà nội tôi lại nói: “Hoa Thiên lý rất bổ dưỡng...” nên tôi càng tò mò, muốn biết giá trị dinh dưỡng của hoa Thiên lý như thế nào?
Theo bảng “Thành phần hóa học thức ăn Việt Nam” (Viện vệ sinh dịch tễ, Bộ y tế, 1971):
100 g hoa Lý chứa 2,9 g chất đạm, 2,8 g bột đường, 3 g chất xơ, 52 mg calci, 53 mg phosphor, 1,2 mg sắt, 1,17 mg caroten (tiền sinh tố A), 0,19 mg sinh tố B1, 0,13 mg B, 1,1 mg PP và 45 mg sinh tố C.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy hoa Lý, cũng như các hoa khác, là bộ phận sinh dục của cây nên chứa khá nhiều sinh tố E, kẽm và một số khoáng vi lượng khác, cần thiết cho sự thụ tinh, kết trái của cây. Chất alcaloid thường có một ít trong thân dây và lá già và gần như không đáng kể trong hoa.
Ta biết rằng hoa là bộ phận quan trọng nhất của cây và là nơi chứa dưỡng chất nhiều và cô đọng nhất so với các bộ phận khác của cây. Cũng như trong phấn ong, hoa Thiên lý chứa nhiều kẽm và là chất thiết yếu cho hoạt động của cơ quan sinh dục của cây cũng như của con người. Vì vậy thường ăn hoa Thiên lý chẳng những được bổ dưỡng mà còn giúp ngừa được chứng viêm tuyến tiền liệt và có tính bổ dương mà dân gian cũng đã biết tổng kết qua mấy câu ca dao:
“Thương chồng, nấu cháo Le le.
Nấu canh bông Lý, nấu chè hạt Sen”... cũng rất có lý vì hoa Thiên lý giàu kẽm, sinh tố E cần thiết cho hoạt động tình dục; Le le (Vịt trời) giàu chất đạm, chất béo omega-3, omega-6 tốt cho lực cơ, tim mạch và hạt Sen vừa bổ dưỡng vừa có tính an thần nên có lợi cho hoạt động tình dục.
Kinh nghiệm dân gian thường dùng: lá non và hoa làm rau ăn cho bổ, mát. Dùng làm thuốc: trừ giun kim: 20 - 30 g lá non hoặc hoa nấu canh ăn hàng ngày. Chữa lòi dom: 30 - 50 g lá giã nhỏ với ít muối, đắp. Chữa đái buốt, có máu hoặc có cặn trắng: 10 - 20 g rễ khô sắc uống.

DS. PHAN BẢO AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét