Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Chè Xà Vẵn – hương vị Lào trên đất Đà Nẵng

Khách ngang qua số nhà 620 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, sẽ thấy một tấm bảng hiệu ghi rất lạ: “Chè Xà Vẵn”. Không ít người, ban đầu bị hút bởi cái tên chè “không giống ai” đó mà ghé vào quán thưởng thức hương vị mới lạ của nó, rồi sau đó quay lại, không quên kéo theo bạn bè để cùng chia sẻ chút hương vị Lào trên đất Đà Nẵng. 
Chị chủ quán Hồ Thị Ngọc Trâm sẽ đon đả chào khách bằng một nụ cười thân thiện. Nếu khách chưa từng biết qua chè Xà Vẵn, thì trong lúc thao tác múc chè ra chén, chị sẽ kể về loại chè có gốc gác từ đất nước Triệu Voi này bằng “giọng nói âm trầm sâu lắng lạ” của con gái đất Thần Kinh. 

15 năm trước, chị có lần sang Lào thăm người cô ở tỉnh Savannakhet. Lang thang ở chợ thị xã, nơi có rất đông Việt kiều buôn bán, chị phát hiện một loại chè lạ rất ngon. Hơn một năm lưu trú trên nước bạn, chị từ chỗ “nghiện” cái hương vị đặc biệt mà lân la hỏi cách chế biến nó. Về lại Việt Nam, chị nấu thử để “ôn bài”. Mấy đứa bạn của con gái chị khen ngon nức nở, hỏi sao cô không nấu bán? 

Chè thì nấu được rồi, nhưng biết đặt tên chi? Thôi thì cũng như tô mì Quảng nổi tiếng cả nước, đặt tên là “chè Xà Vẵn” để lưu kỷ niệm về vùng đất Savannakhet đọc tắt theo kiểu của người Việt vậy. Thế là năm 1994, lần đầu tiên trên đất Đà Nẵng, bảng hiệu “Chè Xa Vẵn” xuất hiện ở số 56 Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu. Ở đây, quán chè “lạ” này vừa kịp trở thành chỗ dừng chân thân quen của nhiều người, nhất là giới học sinh – sinh viên, chẳng thua gì các quán chè nổi tiếng như Xuân Trang, Bà Hồng, thì 6 năm sau, quán dời về 61 Lê Lợi và 4 năm nay dời lên 620 Tôn Đức Thắng, gần Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. 

Nếu trong ẩm thực người Việt, chè = đậu + đường, thì chè Xà Vẵn, theo chị Trâm, chủ yếu “lấy củ làm gốc”: cà rốt, khoai lang, khoai sọ... Chè Xà Vẵn “rin” có thêm hạt thốt nốt non giống như thạch của người Việt và các hạt bột gạo nấu chín như bánh lọt của người Nam bộ.  


Để bớt cầu kỳ, chị thay hai món này bằng đông sương và nấm tuyết, nhưng hương vị của chè vẫn không đổi. Sắc màu các loại củ, nhấn nhá một ít đông sương, nấm tuyết trong chiếc áo của nước cốt dừa... tất cả hòa quyện ngọt dịu cùng chút đường cát trắng. Chè Xà Vẵn vừa quen, vừa lạ trong giới sành ăn người Việt, còn khách Tây thì gọi món này là xúp ngọt (sweet soup). Ở đây, khách Tây còn bị hút bởi món “hăm-bơ-gơ không béo”. Chị chủ quán đã thay miếng thịt băm béo ngậy trong món ăn giàu cholesterol này bằng món nấm được chế biến theo cách riêng của chị, nhờ đó mà giảm được béo và cả giá thành. 

Từ ngày “đóng đô” ở Liên Chiểu, quán “Chè Xà Vẵn” có thêm một lượng khách nước ngoài đáng kể: Các sinh viên Lào theo học tại các trường đại học quanh vùng. Tiếng lành đồn xa, ngay cả sinh viên Lào mới đến Đà Nẵng lần đầu cũng biết đến quán qua sinh viên đồng hương các khóa trước. 

Với 6.000 đồng là có thể đàng hoàng “kéo ghế” với 1 hăm-bơ-gơ 4.000 đồng và 1 chè Xà Vẵn 2.000 đồng. Chưa kể hơn 70 món ăn thức uống khác sẵn sàng thỏa mãn các nhu cầu của khách từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Quán đã thành địa chỉ quen thuộc của giới học sinh – sinh viên ở Đà Nẵng. Chị Trâm kể, có người đi học tận Sài Gòn nhưng khi về thăm nhà không quên ghé lại quán làm vài chén chè cho đỡ nhớ. Khi trở lại Sài Gòn thì đưa hàng chục túi ni-lông chè ướp đá lên máy bay để làm dịu “cơn thèm” của các bạn trong đó đang mong mỏi đợi chờ. 

620 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu. Số điện thoại 3603060 hoặc 0935.130. 093. Có thể bạn sẽ cần đến những con số này, nếu bạn không muốn vượt hàng trăm cây số mà vẫn thưởng thức được hương vị ẩm thực của xứ sở hoa Champa ngay trên đất Đà Nẵng. 

Văn Thành Lê 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét