Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Chợ Mới (An Giang): Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

 
Du lịch từ lâu đã được xem là một ngành công nghiệp không khói đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dựa trên những tiềm năng hiện có, huyện Chợ Mới đã không ngừng định hướng, khai thác, tìm kiếm một hướng đi riêng để xây dựng và phát triển một mô hình du lịch mới: Du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp du lịch về nguồn và du lịch tâm linh.
Thời gian qua, vùng đất cù lao Giêng được rất ít người biết đến bởi chưa có sự đầu tư đúng mức cũng như khai thác hợp lý. Phần đông khách đến đây chỉ để viếng chùa Thành Hoa (vào khoảng tháng 2 âl hàng năm), nhưng những năm gần đây lượng khách đến chùa cũng không đáng kể. 

Cù lao Giêng đã từng được mệnh danh là đệ nhất cù lao với những kiến trúc cổ mang đậm nét văn hóa độc đáo, nhiều phong cảnh đẹp, nhiều lễ hội, nhiều khu sinh thái thuần Nam Bộ. Nhưng thời gian qua, du lịch xứ này gần như không phát triển bởi chưa phát huy hết tiềm năng cũng như chưa có sự đầu tư đúng mức của các ngành, các cấp.

Mặc dù xác định du lịch là một trong những ngành trọng điểm phát triển kinh tế địa phương, nhưng chưa có một chính sách cụ thể cũng như kế hoạch xây dựng trọng điểm phát triển nơi đây thành khu du lịch thật sự. Do chưa rõ ràng về chính sách,chưa định hình thành khu du lịch, cù lao Giêng chỉ được biết đến như một địa điểm du lịch giàu tiềm năng. Là một huyện cù lao có bề dày lịch sử phát triển lâu dài nhất tỉnh An Giang. Chợ Mới nằm giữa 2 nhánh sôngTiền và sông Hậu thuộc lưu vực châu thổ sông Mê Kông. Cộng với vị trí ở tâm điểm của tam giác kinh tế Cần Thơ - Cao Lãnh - Long Xuyên, đồng thời còn là cửa ngõ đường bộ từ TP.HCM và đường thủy từ TP.Cần Thơ trước khi du khách muốn đến Long Xuyên - Châu Đốc hay qua biên giới đi Campuchia. Riêng đối với khu vực cù lao Giêng, một vùng đất được bao quanh và bồi đắp bởi con sông Tiền trĩu hạt phù sa cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt (khoảng 65 tuyến) với tổng chiều dài hơn 111.549m, tổng diện tích của vùng hơn 6.649 ha, chiếm khoảng 18% diện tích toàn huyện. 

Phó Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ, Huỳnh Cẩm Giang cho biết: Tấn Mỹ có rất nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch như: Quần thể kiến trúc cổ (Dòng thánh Chúa Quan phòng, Tu viện Phanxico, nhà thờ Cù Lao Giêng). Nhà thờ Cồn Trên, nhà thờ Cồn Én được nâng cấp xây dựng mới theo kiến trúc Á Đông rất đẹp. Ngoài ra còn có Di tích lịch sử cách mạng Cột Dây Thép, Đình thần Tấn Mỹ, chùa Đạo Nằm, cùng vườn sinh thái (hệ thống vườn cây ăn trái ấp Tấn Hưng, Tấn Lợi; vườn cam bưởi ông tám Xuân)... 

Thật vậy, so với những địa phương khác trong tỉnh, cù lao Giêng vẫn tiềm ẩn những tiềm năng về phong cảnh, lễ hội truyền thống (cúng đình, viếng chùa ngày rằm,…) và với hệ thống sông ngòi sẽ là điều kiện để phát triển du lịch sông nước, khám phá tập quán sinh hoạt trên sông của người dân bản địa. Ngoài ra nơi đây còn có các công trình kiến trúc cổ kính có giá trị vănhóa cao. Đây sẽ là những điểm đến lý tưởng nếu được đầu tư và khai thác hợp lý, để phát triển du lịch sinh thái - văn hóa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét