Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

CHÙA BÀ ĐÁ

Ở số 3 phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tọa lạc một ngôi chùa với cái tên rất nôm na là Bà Đá. Nguyên danh tên chùa bao đời nay là “Linh Quang tự” (Linh Quang nghĩa là ánh sáng thiêng liêng)(1)


Chùa được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông 1460 – 1497 ở làng Báo Thiên. Chùa Linh Quang là một nơi danh lam thắng tích ở kinh thành Thăng Long. Trải bao thăng trầm của lịch sử, chùa Linh Quang cũng thay đổi ngày một khác. Đến đời vua Lê chúa Trịnh triều đình bắt dân đào đất chung quanh vườn chùa để lấy đất đắp thành Thăng Long. Trong khi đào, dân phát hiện một pho tượng đá, hình dáng một phụ nữ. Người ta cho rằng đây là tượng của Phật bà nên rước vào thờ phụng trong chùa, từ đấy mới gọi là chùa Bà Đá(2)

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, trong cuộc binh đao, ngọn lửa vô tình đã làm cho chùa Bà Đá hóa tro tàn, để sau này nên một hình tướng khác. Sau hồi ấy, chùa bị cháy chỉ còn một nền đất không, cỏ mọc rêu phong. Bấy giờ quan trên bắt dân làm cỏ vườn hoang ấy để sửa sang lại cảnh cũ điêu tàn. Dân làng lại phát Bồ đề tâm làm nên một ngôi chùa toàn bằng tranh tre, gọi là tỏ lòng kính Phật để có chỗ vãng lai lễ bái.

Năm Quý Sửu (1793), sư tổ Khoan Giai trụ trì chùa, dần dần dựng lên một ngôi chùa ba gian lợp ngói. Năm Tân Tỵ (1821), tổ Giác Vượng kế đăng. Tổ lại được thập phương công đức, bèn lập nên một ngôi chùa rộng lớn hơn, lại làm thêm mấy dãy hành lang và tăng phòng khách xá. Tiếp đấy là tổ Phổ Sĩ lên kế đăng.

Từ đây trở đi, chùa Bà Đá hồi phục lại cái vẻ danh lam thắng tích như xưa. Chư tổ lại dạy được nhiều đệ tử nên do sơn môn này bổ đi các chùa ở Bắc kỳ từ đấy càng ngày càng thêm nhiều.

Sau sư tổ Phổ Sĩ đến sư tổ Nguyễn Văn Hợp rồi đến sư tổ Nguyễn Văn Khánh lại càng làm cho ngôi chùa trang nghiêm, tăng đồ thêm lắm. Đến thời sư cụ Đỗ Văn Hỷ (1884 – 1968) kế đăng, chẳng may chùa lại bị hỏa thiêu, ngài phải lo liệu làm lại các chỗ bị cháy. Sư cụ Đỗ Văn Hỷ được triều đình ban cho chức Tăng cang Hòa thượng.

Như vậy chùa đã được sửa chữa nhiều lần cho đến ngày nay. Chùa không có Tam quan như các chùa khác, lối vào qua một cửa hẹp (tức mặt chùa – hướng bắc) theo ngõ sâu 9m dần tiến vào trong, càng vào càng rộng. Tiền đường xây kiểu chữ nhất, chính điện xây kiểu chữ đinh được nối liền với nhau tạo nên một khối kiến trúc vuông vắn. Trong chùa có nhiều tượng gỗ sơn son thiếp vàng. Chùa có hai quả chuông được đúc vào năm 1823 vô 1881 cùng một cái khánh đúc năm 1842.

Nếu truy nguyên ra thì sơn môn Bà Đá (Thiền Lâm Tế) với sơn môn Hồng Phúc (Thiền Tây Động) hai chi hai nhánh khác nhau, nhưng pháp phái vốn là một là Thiền tông. Bởi vì chư tổ chùa Bà Đá cũng từ sơn môn chùa Hồng Phúc mà ra nên Bà Đá, Hòa Giai (Hòe Nhai) hai chi cùng chung một tổ. Theo Tiếng chuông sớm số 3 ra ngày 1-9-1936 thì ở Bắc Kỳ hầu như các chùa đều do một chốn tổ Hồng Phúc mà phân ra nhiều sơn môn khác nhau. Chùa có mối quan hệ tốt với trường Viễn Đông Bác Cổ (VĐBC) Pháp: hàng ngày chùa cử một ban tăng phái chuyên đến VĐBC để sao các kinh tạng của trường mua từ Nhật Bản đem về, lại cử một tổ thợ khác quanh năm khắc kinh ấn tống đi các chùa. Đã khắc được bộ “Đại Bảo Tích” và nhiều bộ khác.

Thời kỳ Chấn hưng Phật giáo, chùa Bà Đá cũng là nơi có nhiều đóng góp tích cực. Năm 1935, Bắc kỳ Phật giáo cổ sơn môn được phép ra bán nguyệt san Tiếng chuông sớm, hòa thượng Đỗ Văn Hỷ (Thích Thanh Thao) trụ trì chùa Bá Đá là một trong những người sáng lập, được cử làm chủ nhiệm tờ báo Trụ sở báo đặt tại chùa Bà Đá.

Ngày 15-8-1945, các sư Thanh Đặc (Vũ Nguyên Hồng), Thanh Trà, Thanh Chế bí mật thành lập Đội Thanh niên Phật tử quân tại chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đội do sư ông Pháp Lữ chỉ huy, ban đầu có 19 người

Ngày 20-8-1945, sau khi tham gia cướp chính quyền tại địa phương chùa Bút Tháp thượng tọa Thanh Đặc và sư ông Pháp Không dẫn đội về đóng ở chùa Bà Đá, Hà Nội. Được sự giúp đỡ của hòa thượng Thanh Thao (Đỗ Văn Hỷ), tăng cang trụ trì chùa Bà Đá, đội tuyển chọn thêm những tăng ni trẻ ở chùa Bà Đá, quân số lên tới hơn 50 người do sư ông Pháp Không và Pháp Lữ chỉ huy. Ngày đem trong sân chùa Bà Đá anh em luyện tập côn quyền hoặc tập trung nghe cán bộ Việt Minh giảng giải về đường lối chính trị của cách mạng(3).

Ngày 23-8-1945, từ chùa Bà Đá, một đoàn đại biểu Phật giáo Hà Nội gồm hơn 10 nhà sư do hòa thượng Thanh Thao dẫn đầu vào yết kiến ông Võ Nguyên Giáp đại diện Chính phủ Lâm thời.

Ngày 25-8, chùa cử tăng ni Phật tử Hà Nội sang Gia Lâm đón Hồ Chủ tịch và Chính phủ Lâm thời từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội.

Ngày 26-8, Hồ Chủ tịch đến chùa Bà Đá thăm nơi thờ phật và nhà tổ, đến phòng riêng thăm hòa thượng bản tự Thích Thanh Thao, khuyến khích ngài vận động chư tăng ni, các tín đồ ủng hộ cách mạng, góp công sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc

Ngày 28-8, một cuộc họp trọng thể được tổ chức tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức (gần chùa Bà Đá) gồm trên 100 nhà sư đại diện cho các sơn môn ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên… do hòa thượng Thanh Thao chủ trì, có các ông Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đại diện Mặt trận Việt Minh tham dự Hội nghị giơ cao tay nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ Việt Minh. Sau đó bàn bạc rồi quyết định thành lập một tổ chức của Phật giáo yêu nước lấy tên là Hội Phật giáo Cứu quốc. Một Ban chấp hành được bầu gồm 9 người do hòa thượng Thanh Thao làm Chủ tịch, thượng tọa Thanh Đặc và bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ tịch, trụ sở của Hội đặt tại chùa Bà Đá(4)

Ngày 5-1-1946, Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần lễ mừng Chính phủ Liên hiệp quốc gia tại chùa Bà Đá. Tuần lễ mừng có mục đích cầu chư Phật, Bồ tát; và liệt Thánh chứng giám lời thề của cụ Chủ tịch và các nhân viên trong Chính phủ, hơn nữa để cầu nguyện nền độc lập cho nước Việt Nam. Lễ khai mạc được cử hành vào hồi 18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chủ tọa và nhiều thành viên trong Chính phủ đã tới dự, có cả các đại biểu Công giáo Hồ Chủ tịch đã nói chuyện với các Phật tử: “Nước Phật ngày xưa có những 4 đắng cấp làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc Nhưng Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ phật giáo tin ở Phật, tín đồ Gia Tô giáo tin đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng làm trái ý dân. Dân muốn gì ta phải làm nấy”, sau đó người cùng ăn cơm chay với mọi người và đi thăm các nơi trong chùa(5).

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954), chùa Bà Đá – là cơ sở đi lại của cán bộ Việt Minh.

Sau ngày thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (5-1958), chùa Bà Đá là trụ sở Ban Liên lạc Phật giáo Hà Nội.

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (11-1981), chùa trở thành Trụ sở thành hội; Phật giáo Hà Nội, hòa thượng Thích Tâm Tịch là Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, khi hòa thượng đảm nhiệm ngôi và Pháp chủ GHPG Việt Nam, hòa thượng Thích Thanh Chỉnh lên thay.

Tháng 8-2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính bao gồm Hà Nội cũ và tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, hợp nhất tổ chức Phật giáo các địa phương trên, thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch HĐTS Giáo hội PGVN được suy cử làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo thành phố Hà Nội.

Ngoài truyền thống kết hạ hàng năm, từ năm 1992 tại chùa Bà Đá khai giảng lớp Trung cấp Phật học Hà Nội khóa đầu tiên (1989 – 1992) và hiện nay là địa điểm của trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Giữa chốn đô thị ồn ào huyên náo, người ta vẫn tìm đến chùa Bà Đá – nơi thanh tĩnh yên hòa để tĩnh tâm rửa sạch bụi trần ai, để sửa mình sao cho vượt qua bể khổ lên ngàn giác, tìm nơi cực lạc ngay tâm mình.

CHÚ THÍCH

(1) Bán nguyệt san Tiếng chuông sớm – cơ quan hoẵng pháp của Bắc Kỳ Cổ Sơn môn đặt trụ sở tại chùa Bà Đá, số 1 ra ngày 15-6-1935 viết: Chùa Bà Đá nguyên danh là Tự Pháp Linh Quang. Đời cổ, còn huyện Thọ Xương xưa, phố Hàng Trống vốn là một xã, tên làng là Tự Pháp xã; đất vua chùa dân; dân dựng nên chùa, đặt tên là Linh Quang tự, để phụng thờ chư phật như muôn vàn dân xã trong nước Nam ta.

(2) Pho tượng đá đã bị mất trong vụ chùa bị hỏa hoạn thời Pháp thuộc

(3) Xem: Từ Tùng Lâm Văn Miếu đến Chùa Bà Đá, Vũ Nguyên Hồng, báo Giác Ngộ, 1985 và lời kể của cựu đại tá Đinh Thế Hinh tức sư Pháp Lữ năm 2005.

(4) Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920 -1953), Nxb Tôn Giáo, 2008

(5) Báo Cứu Quốc ra ngày 8-1-1946.


(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét