Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Chùa Hang

Chùa Hang còn có tên là Hải Sơn Tự, là một ngôi chùa cổ nằm trong hang đá sâu khoảng 40 m, thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương,tỉnh Kiên Giang. , chùa Hang là một địa điểm không thể bỏ qua khi bạn đến xứ này. Hàng năm, chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng từ ngày 8 đến ngày 15 tháng Tư âm lịch.
Gọi là chùa Hang vì đây là ngôi Phật điện nằm trong hang núi đá vôi. Nhìn bên ngoài, ngọn núi không có gì đặc biệt, nhưng trong lòng núi là một động đá vôi thẳng theo trục Đông Bắc - Tây Nam, chiều dài hơn 50 m, cửa động nhìn ra biển. Hang do đá vôi bị xâm thực tạo thành cách đây hơn 1000 năm. Động cao cỡ trần nhà nhưng do chiều dài nên trong động thiếu ánh sáng, ở giữa động tối như màn đêm.
Với lối kiến trúc độc đáo, chùa Hang thật sự là một điểm tham quan lý tưởng cho du khách gần xa. Du khách đến đây, không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của ngôi chùa, mà còn được hoà mình với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Vì lẽ đó, chùa Hang đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989.

Lịch sử
Cổng vào khu di tích chùa Hang - Ảnh: Hoàng Chí Hùng
Chùa Hang tồn tại đến nay gần 300 năm, là một trong những thắng cảnh đẹp của tỉnh Kiên Giang, nhưng về lịch sử ngôi chùa thì chưa được hiểu biết nhiều. Người ta chỉ là biết đôi nét về chùa qua những dòng miêu tả trong Đại Nam Nhất Thồng Chí, tập 5, quyển 26, tỉnh Hà Tiên, mục Sơn Duyên Chí và ít nhiều ký ức của các vị bô lão tại địa phương, thậm chí những lời kể này có khi mâu thuẫn nhau ở từng niên đại và người sáng lập chùa.
Theo đại đức Minh Nhẫn - trụ trì chùa hiện nay - thì: chùa Hang trước đây còn gọi là chùa Thiện Thành hay Hải Sơn tự có từ đầu thế kỷ XVIII. Thời ấy, một vài nhà sư Xiêm La theo đoàn ngư dân xứ này đến đánh cá tại vùng đất Hà Tiên đã đưa 2 tượng Phật Thích Ca từ xứ sở của họ sang thờ trong hang. Cư dân địa phương lúc đó đa số là gốc Khmer, gốc Hoa và một số ít là người Việt đến buôn bán tại đây.
Năm 1771, vùng Hà Tiên bị quân Xiêm La tràn sang xâm lược. Năm 1774, quân Xiêm bị đánh đuổi về nước, các vị sư người Xiêm cũng trở về cố quốc. Ngôi chùa bị bỏ hoang suốt một thời gian dài. Trước tình hình này, cư dân địa phương người gốc Khmer đã cung thỉnh một vài vị sư người gốc Khmer đến trụ trì. Không bao lâu, các vị sư này chuyển ra ngoài, dựng một ngôi am nhỏ dạng nhà sàn gần đó để tu hành. Nhiều năm sau đó, các vị sư này lại thành lập một ngôi chùa lớn khác cách đó không xa, có tên là Prakchaokia (Thái Lùa), người dân địa phương vẫn quen gọi là chùa Ba Trại vì chùa nằm trong vùng căn cứ nghĩa quân Ba Trại dưới chân núi Hòn Chông của Lãnh binh Nguyễn Trung Trực (đến nay ngôi chùa này vẫn còn, thuộc hệ phái Nam Tông).
Năm 1880, cư dân địa phương cung thỉnh hai vị hoà thượng người Việt là hai anh em Võ Thường Lễ và Võ Thường Nghĩa đến chỉnh trang và mở rộng chùa. Vì thế, người ta xem hai vị sư này là người sáng lập chùa Hang. Vì 2 vị sư này sống tịnh tu nên mỗi tháng 2 lần, vào ngày rằm và ngày đầu tháng, cư dân địa phương đến cúng dường thực phẩm. Đến năm 1865, hai vị đều viên tịch. Sau đó, một vị hoà thượng pháp danh là Thiện Tông được cư dân cung thỉnh về chùa. Vị hoà thượng này cũng sống tịnh tu nên ít khi ra ngoài. Vào một ngày rằm của năm 1920, thiện nam tín nữ đến cung cấp thực phẩm thì không thấy sư đâu nữa. Mãi 10 năm sau mới thấy di cốt của nhà sư. Nơi hang phát giác di cốt đặt tên là hang Phật ngủ.
Đời trụ trì thứ ba của chùa Hang là hoà thượng Tố (không rõ pháp danh và thế danh) cũng sống tịnh tu và viên tịch vào năm 70 tuổi (1939). Từ năm 1939 - 1944, trụ trì chùa Hang là hoà thượng Chí Hoà (không rõ thế danh và hành trạng) cũng do cư dân địa phương cung thỉnh về và gọi thân mật là Sư Chưởng. Ngài viên tịch vào năm 70 tuổi.  Đến năm 1953, cư dân địa phương cung thỉnh một sư cô (không rõ thế danh và hành trạng) quen gọi là Cô Sáu về trông lo việc Phật sự. Năm sau, cư dân lại cung thỉnh hoà thượng Thiện Hoá (thế danh Lê Quang Tư) lúc bấy giờ đang tu học tại chùa Thanh Hoà (xã Thuận Yên, thị xã  Hà Tiên hiện nay) về cùng tu và sau đó là trụ trì. Năm 1975, sư cô Sáu viên tịch. Hòa Thượng Thiện Hoá (Thầy Tư) tiếp tục trụ trì cho đến khi viên tịch vào năm 1999, thọ 79 tuổi. Trong suốt 45 năm trụ trì chùa Hang, hoà thượng Thiện Hoá đã nhiều lần cho trùng tu ngôi chùa, đặc biệt là lần đại trùng tu vào năm 1962 theo dáng vẻ như ngày nay và được công nhận là điểm di tích lịch sử và tham quan thắng cảnh vào năm 1989. Từ năm 1999 - 2002, chùa do đại đức Thích Minh Hải trụ trì. Từ 2003, trụ trì chùa là đại đức Thích Minh Nhẫn.

Kiến trúc
Tam quan chùa - Ảnh: Hoàng Chí Hùng
Chùa Hang trông bên ngoài là một ngọn núi, nhưng bên trong lòng núi là một động đá vôi thẳng theo trục Đông Bắc- Tây Nam chiều dài hơn 50 m, cửa Đông nhìn ra biển. Đây là một động đá do thiên nhiên tạo nên hết sức độc đáo, động cao như mái nhà, chiều dài hơn 40 m nằm trong hang sâu khiến ánh sáng thâm u, mờ ảo.
Tước cổng chùa là một con đường xi măng chạy dài thẳng tắp, sạch sẽ và thoáng đãng. Hai bên đường có rất nhiều cây xanh, rợp mát cả không gian rộng lớn. Cổng chùa được xây theo kiểu tam quan, với lối kiến trúc, hoa văn đẹp mắt và lộng lẫy. Qua khỏi cổng là một khoảng sân rất rộng, nơi đây đặt tượng Phật Di Lặc bằng đá Non Nước (Đà Nẵng) nặng 22 tấn, phía sau là ngôi chùa tựa lưng vào núi. Trên nóc chùa được trang trí những hoa văn họa tiết theo truyền thống của phật giáo Việt Nam.
Bước vào chánh điện, du khách có cảm giác như mình đang lạc vào một chốn thâm u cùng cốc, gió từ biển lùa vào mát rượi, tinh thần sảng khoái vô cùng. Đi sâu vào hang sẽ gặp điện thờ 2 tượng Phật Thích Ca. Tượng lớn có chiều cao 2.56 m. Tượng nhỏ cao 2.36 m. Theo truyền thuyết thì 2 tượng Phật này có từ lúc các vị sư người Thái Lan ẩn tu cách đây 300 năm. Tương tuyền đây là những pho tượng do Hoàng tử Thái Lan tặng để đền ơn Mạc Thiên Tích đã cưu mang trong những ngày lánh nạn nơi đây. Đại đức Thích Minh Nhẫn trụ trì chùa Hang cho biết tượng rỗng, khi gõ vào tượng thì phát ra tiếng ngân, hiện nay chưa rõ tượng được làm bằng chất liệu gì.
Trong hang ánh sáng lờ mờ, đủ để du khách có thể nhìn thấy những cột thạch nhũ cao to từ trên vòm hang buông xuống trông như những cột nhà. Đây là những cột đá rỗng do đá vôi kết tinh lại tạo thành, khi gõ vào thân cột sẽ có tiếng ngân vang như tiếng chuông  chùa, vì thế người ta còn gọi là đá chuông. Tiếp tục đi luồn qua hang, ra tới cửa sau, du khách sẽ bất ngờ khi trước mắt mình là một vùng trời biển bao la. Biển Kiên Lương không trong xanh nhưng rất phẳng lặng, mặt biển lăn tăn gợn sóng, bãi cát vàng nằm thoai thoải theo triền sóng, rất thích hợp cho du khách nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần. Xa xa là đảo Hòn Phụ Tử và quần đảo Bà Lụa nhấp nhô trong sóng biển chập chùng. Đi về phía sau giáp núi chùa Hang là nơi thờ đàn Dược Sư 49 vị Phật.

Chùa Hang quyến rũ
.
Khi đến Kiên Giang, có một điểm tham quan mà du khách không thể bỏ qua đó là chùa Hang; bởi, chùa Hang không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn gắn với một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và diễm lệ.

Chùa Hang còn gọi là Hải Sơn Tự, được xây dựng khoảng thế kỷ 18, tọa lạc ở xã An Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đây là một công trình kiến trúc hết sức độc đáo, bởi ngôi chùa được xây cất dựa vào vách núi. Phía dưới chân núi là một cái hang rộng lớn có thờ phật. Đây thật sự là một phật động thâm u, mờ ảo, tạo vẻ linh thiêng, huyền bí đối với khách hành hương cúng bái. Trước cổng chùa là một con đường xi măng chạy dài thẳng tắp, sạch sẽ và thoáng đãng. Hai bên đường có rất nhiều cây xanh, rợp mát cả không gian rộng lớn. Cổng chùa được xây theo kiểu tam quan, với lối kiến trúc, hoa văn đẹp mắt và lộng lẫy. Phía trong cổng là một khoảng sân rất rộng, phía sau chùa tựa lưng vào núi. Trên nóc chùa được trang trí những hoa văn họa tiết theo truyền thống của phật giáo Việt Nam. Bên hông chùa là một khoảng sân rộng ước chừng cả ngàn mét vuông, với một vườn đàn Dược sư gồm 49 vị phật. Nơi chính điện chính là một động đá vôi thẳng theo trục đông bắc - tây nam, chiều dài hơn 50m, cửa động thông ra đến bờ biển phía sau. Khi bước vào, du khách có cảm giác như mình đang bước vào một chốn thâm u cùng cốc, gió từ biển lùa vào mát rượi, tinh thần sảng khoái vô cùng, du khách ngửa mặt lên, lập tức bắt gặp hai tượng thờ phật Thích ca to lớn. Tượng lớn có chiều cao 2,56 x 2m, tượng nhỏ cao 2,36 x 1,8m. Người dân ở đây truyền miệng rằng, hai tượng phật này có từ lúc các vị sư người Thái Lan ẩn tu cách đây 300 năm. Chiêm ngưỡng đức phật xong, du khách thắp vài nén nhang khấn thầm trong miệng, mong mọi việc trong cuộc sống được êm xuôi, bình an và mạnh khỏe. Sau đó du khách tiếp tục đi thêm khoảng 60m nữa là ra đến biển.

Biển ở đây trong xanh, mát rượi, mặt biển lăn tăn rợn sóng, bãi cát vàng nằm thoai thoải theo triền sóng, rất thích hợp cho du khách nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần của mình. Du khách có thể đi dạo quanh bờ biển để tận hưởng hương vị của biển, hoặc nhảy xuống tắm để tẩy trần những bụi bặm chốn hồng trần, hoặc cùng gia đình, người thân bày biện thức ăn ngay trên bãi cát như là một cuộc liên hoan dã ngoại. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra khơi nghìn trùng, xa xa là hòn Phụ tử đứng giữa trời nước bao la. Nếu có thể, du khách nên đăng ký tham quan một vòng bên hòn Phụ tử và thăm Giếng Tiên. Với giá vé chỉ 9.000 đồng/người, thuyền du lịch ở đây sẽ đưa du khách vòng quanh hòn Phụ tử để có cái nhìn cận cảnh hơn. Tiếp đến, du khách sẽ không khỏi hồi hộp khi từng bước đặt chân vào Giếng Tiên. Giếng Tiên là một hang động nằm sát mặt nước biển, bên trong là một hang động vô cùng to lớn, với nhiều thạch nhũ buông xuống tạo thành nhiều hình thù khác nhau trông rất lạ mắt và đầy thú vị, như hình trái khổ qua, phật bà, Tam Tạng thỉnh kinh... Tương truyền, đây là hang động trước kia Nguyễn Ánh trốn chạy quân Tây Sơn trú ngụ. Ông vào đây phát hiện được một giếng nước ngọt nên đặt là Giếng Tiên. Bởi xung quanh là nước biển mặn, ông không có nước uống, vô tình phát hiện được giếng này, nghĩ rằng đây có lẽ là do trời giúp nên mới đặt tên như thế. Hiện nay, trong hang do nước biển bào mòn, có một tảng đá đã tạo thành hình một cái ghế, người dân ở đây gọi là ghế Gia Long. Người dân cho rằng, những khi nước biển dâng cao, Gia Long đã ngồi lên chiếc ghế này để tránh nước biển.

Với một lối kiến trúc độc đáo, chùa Hang thật sự là một điểm tham quan lí tưởng cho du khách gần xa. Du khách đến đây, không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của ngôi chùa, ngưỡng mộ trước một “rừng” tượng phật, du khách còn được hòa mình với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Vì lẽ đó, chùa Hang đã được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989.
(Nguồn: Báo Du lịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét