Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Chùa Sùng Hưng

Sùng Hưng Cổ Tự là ngôi chùa cổ hiếm hoi tọa lạc tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc,Kiên Giang. Hiện nay, chùa là một trong những điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch đến đảo Phú Quốc. Chùa được xây vào những năm đầu của thế kỷ XX. Vùng đất này trước đây là nghĩa địa hoang vắng. Nhân dân đã lập nên hai ngôi chùa là Sùng Nghĩa và Hưng Nhân để làm nơi thờ cúng và cầu siêu cho những linh hồn. Về sau hợp nhất hai chùa lại và lấy tên Sùng Hưng. Chùa Sùng Hưng được nhắc đến trong một quyển sách chuyên khảo về Phú Quốc bằng Pháp văn (năm 1906) như sau: “Phú Quốc chỉ có một ngôi chùa ở Dương Đông, nơi đây người An Nam, người tàu, người Minh Hương không phân biệt, đến cúi lạy và cầu nguyện”.

Lịch sử
Đến nay người ta vẫn chưa biết được chính xác năm thành lập cũng như lai lịch của những người sáng lập và trụ trì đầu tiên của chùa. Chỉ biết rằng đời trụ trì thứ 5 và thứ 6 là các hoà thượng Thích Đạt Vĩnh và Thích Minh Khiêm đồng thuộc dòng Lâm tế Chánh tông đời thứ 39. Đến năm 1910, hoà thượng Minh Khiêm viên tịch, kế vị trụ trì là hoà thượng Thích Tịnh Nghĩa (thế danh Nguyễn Công Đại) cũng thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 39.
Năm 1922, hoà thượng Tịnh Nghĩa viên tịch, bảo tháp của ngài được tôn tạo trong khuôn viên chùa Sùng Hưng. Kế vị trụ trì là hoà thượng Thích Huệ Chánh (thế danh Đinh Văn Dần). Hoà thượng Huệ Chánh sinh năm 1909 tại Tân Châu (nay thuộc tỉnh An Giang). Năm 7 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Quan Âm (Châu Đốc) với hoà thượng Thích Tịnh Nghĩa và năm sau, theo thầy về tu học tại chùa Sùng Hưng. Năm 1924, sau khi kế vị trụ trì chùa Sùng Hưng, thầy Huệ Chánh cho trùng tu các công trình Phật sự trong chùa với mái lợp ngói âm dương và tường gạch.
Hiện nay, do tuổi cao sức yếu, hoà thượng Huệ Chánh giao quyền quản lý và trông lo việc Phật sự của chùa Sùng Hưng cho yết ma Huệ Thông (thế danh Đinh Thành Hổ) thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 41. Yết ma Huệ Thông sinh năm 1950 tại Phú Quốc. Năm 8 tuổi, thầy xuất gia tại chùa Sùng Hưng và thọ giới vào năm 1965. Sau đó, cầu pháp nhập Hạ với hoà thượng Bửu Ngươn, kế tiếp với hoà thượng Bửu Nguyên (chùa Sắc Tứ Thập Phương, thành phốRạch Giá) và hoà thượng Chí Đạt.
Kiến trúc


Chùa nằm trên một ngọn núi gần trung tâm thị trấn. Cổng chùa quay về hướng Bắc, kiến trúc cổ kính, cao dần theo từng bậc thang, xung quanh cây cổ thụ xanh tươi, tường rào bao bọc. Bên ngoài là cổng Tam quan lợp ngói hình lượn sóng và trang trí phù điêu lưỡng long tranh châu. Bên trên có bản đề tên chùa bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ:  - Sùng Hưng cổ tự. Cổng tam quan có đôi câu đối, nội dung như sau:

Sùng đức tu thân hòa chủng Bồ Đề huệ phát chơn tông hoằng Phật pháp
Hưng nhơn dưỡng tánh thượng sanh Bát Nhã chánh khai tâm lý diễn thiền môn
Giữa sân chùa có tượng Quan Âm lộ thiên đứng trên hồ nước. Tiếp tục lần theo gần chục nấc thang nữa là khoảng sân rộng lớn khác có ao sen. Ngay bậc thang này, bắt gặp một cổng nữa, cổng được xây dựng bằng bốn cột gỗ trai, lợp ngói tàu kiểu cổ điển, vòm uốn cong. Hai con lân ngồi chễm chệ hai bên trông thật oai phong. Được biết hai con lân do một người hảo tâm tên Lâm Vũ Sanh cúng biếu cách đây gần thế kỷ. Phía sau cổng là chánh điện, được cất trên nền đá cao gần hai mét. Hai bên chánh điện là hay dãy nhà tường vôi, lợp ngói nằm dọc, để du khách lưu trú. Chánh điện được bày trí tôn nghiêm với nhiều pho tượng bằng gỗ, đồng và thạch cao được điêu khắc rất tinh xảo. Ngoài ra còn có một quả Đại Hồng Chung và hệ thống hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Điện thờ trung tâm được bố trí theo ba tầng bậc. Tầng trên hết thờ Tam Thế Phật: Tượng A Di Đà ngồi giữa, tượng Đại Thế Chí đứng bên phải, tượng Quan Thế Âm đứng bên trái. Kế đến là tầng hai và tầng ba. Phía sau là bàn thờ được trang trí bằng một tuyệt tác rồng lượn của họa sĩ Cao Sành. Rải rác đó đây trên vách trong chánh điện là những cảnh thuật lại bước đường Tây Du của Thầy trò Đường Tăng trông thật sống động.
Phía sau chánh điện, có hai con đường nam tả nữ hữu, gồm nhiều bậc thang dẫn lên chùa trên. Ở đây cũng thờ Tam Thế Phật, nhưng chỉ một bậc, tượng Phật cao lớn hơn nhiều. Cảnh trí trên này mát mẻ bởi cây cổ thụ dày đặc. Trước sân chùa, cây lão tùng cao vút, đứng trầm mặc. Cạnh đó là toàn cảnh Đức Phật Thích Ca đang nhập Niết bàn dưới gốc cây bồ đề đại thụ tạo cảm giác siêu thoát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét