Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

CHÙA TỔNG QUẢN, GÒ QUAO-NƠI GHI DẤU LỊCH SỬ CÁCH MẠNG

Chùa SARÂY SUASĐÂY Tổng Quản, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang có tuổi đời trên 300 năm. Nơi đây không chỉ là nơi sinh họat văn hóa tinh thần gắn liền với lịch sử cộng đồng dân cư, mà  còn là nơi ghi dấu lịch sử cách mạng suốt  2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Cuối thế kỷ thứ 17, dưới sự trụ trì của hòa thượng Danh Hòang (Tà Hoang) đồng bào người kinh và phật tử ở đây đã khai phá rừng hoang,đuổi thú dữ, dựng lên một ngôi chùa thờ phật. Khi mới dựng, ngôi chùa có tên gọi theo tiếng Khmer là KOMPÔNG KROBÂY (Chùa Bến trâu). Đến năm 1948, chùa Tổng Quản được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố ( chỉ giữ cột kèo cũ ) với lối kiến trúc đặc sắc của ngôi chùa khmer truyền thống.
Từ năm 1952 chùa được gọi là WATT SARÂY SUASĐÂY (Chùa Tự do - Hạnh phúc) đồng bào địa phương cũng quen gọi là chùa Tổng quản. Ban đầu chùa được xây dựng bằng cây, lợp lá gồm có một chánh điện,một liêu phòng với số ít tu sĩ. Cũng chính từ đây, người dân có nơi sinh họat văn hóa tinh thần, càng đòan kết gắn bó cộng đồng cùng nhau chung sức chung lòng bảo vệ và xây dựng quê hương. Sau dần chùa Tổng quản trở thành trung tâm sinh họat văn hóa truyền thống của nhân dân xã Thới Quản nói riêng, bà con Khmer ở Gò Quao nói chung. Các vị sư ngòai việc chăm sóc, truyền đạo còn lo việc tu sửa, xây dựng mở rộng chùa.
Từ khi thành lập đến nay, chùa Tổng Quản trải qua 21 đời vị trụ trì ( gồm có 7 hòa thượng, thượng tọa và 14 vị đại đức ). Các vị đã cùng nhân dân các dân tộc ( Kinh, Hoa, Khmer ) ở Kiên Giang chung sức, chung lòng, đòan kết xây dựng quê hương,nối tiếp truyền thống yêu nước cùng các cán bộ cách mạng hoạt động và đấu tranh trực diện với quân thù,chống địch bắn phá chùa chiền giết hại sư sải,khủng bố đàn áp dân tộc. 
 Hòa thượng Nam Huân ( pháp danh INDA THERA NAM HUAN ), sinh ngày 15-4-1899 tại  ấp Xuân Bình, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, từ năm 1930 – 1943 được bầu làm phó trụ trì chùa đến năm 1944 trở thành trụ trì chùa Tổng Quản. Từ khi làm trụ trì chùa,hòa thượng Nam Huân tham gia công việc cách mạng, xây dựng chùa Tổng Quản trở thành cơ sở vững chắc cho cách mạng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hòa thượng đã ra sức tu bổ chùa chấn chỉnh nề nếp và đào tạo được hàng trăm đệ tử,sau có nhiều người tích cực tham gia cách mạng.
Ông Danh sức, thời kháng chiến là phó trụ trì chùa người thân cận của hòa thượng Nam Huân, nay là phó ban Quản trị chùa Tổng Quản. Chánh điện chùa là nơi đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp của Hội đòan kết sư sải yêu nước tỉnh và Ban Vận động đấu tranh chính trị của sư sải trong tỉnh Rạch Giá. Chùa Tổng quản vẫn có vị trí xứng đáng trong cuộc đấu tranh chung. Nhiều cuộc gặp mặt của của các vị đại đức trụ trì chùa trong tỉnh đã diễn ra ở trong chánh điện của chùa, khi các vị sư có thư mời của đại đức Danh Song (Tà Song) thay mặt cho Hội đòan kết sư sải yêu nước tỉnh Rạch Gía.Trong các lần họp đó đều có mặt  cán bộ lãnh đạo cách mạng từ khu cho đến tỉnh huyện tham dự như các đồng chí : Thạch Đông, Quách Phẩm, Huỳnh Cương… để nói chuyện tình hình thời sự, động viên các vị sư đòan kết chống thù trong, giặc ngoài.
Liêu phòng của đại đức Danh Song phó trụ trì chùa có 2 Hầm bí mật để nuôi cán bộ họat động cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ; đồng thời cũng là nơi cất giấu vũ khí. Hai căn hầm bí mật tại ngôi chùa này đã nuôi giấu cả các đồng chí Trần Văn Hiền ( Năm Hiền ) – Thường vụ tỉnh ủy, đồng chí  Thạch Đông Tùng ( Sáu Tùng )Uy viên Ban Tuyên Huấn Khu Tây Nam Bộ được tăng cường xuống làm phó bí thư huyện ủy châu thành, đồng chí Quách Phẩm( Tư Phẩm ) trưởng Ban Khmer Vận tỉnh Rạch Giá….. và nhiều đồng chí cán bộ khác.
Trong giai đọan 1970 – 1975,Đồng chí Thạch Đông đã trực tiếp lãnh đạo các chùa chiền, sư sải và nhân dân biểu tình, chống giặc. Nơi đây không chỉ nuôi giấu cán bộ,hội họp… Các vị sư còn tổ chức thành công nhiều đợt chuyên chở vũ khí đạn dược,thuốc men từ các nơi về cơ sở. Từ tháng 4 năm 1966 đến tháng 8 năm 1968 tổng cộng chở 31 chuyến hàng bằng vỏ máy, 54 bao thuốc chửa bệnh, thuốc bổ các lọai và súng đạn….  Chùa là nơi tập trung vận động bà con tổ chức các cuộc đấu tranh, biểu tình và chiến đấu với kẻ thù cũng diễn ra liên tục trong khỏang thời gian từ năm 1959 – 1974. Công tác binh vận, địch vận cũng được các sư ở chùa Tổng quản đặc biệt quan tâm. Với những công lao và thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 3 vị  hòa thượng Danh Huân (Nam Huân) trụ trì chùa,đại đức Danh Song, đại đức Danh Tôn vinh dự được chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến chống mỹ cứu nước hạng nhất.
Với những giá trị lịch sử cách mạng và kiến trúc độc đáo của dân tộc Khmer, nhân dịp mừng chôl chnăm thmây ( Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer ), mừng kỷ niện 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc 30/4/2005, Đảng bộ và nhân dân huyện Gò Quao long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cho chùa Tổng Quản.
Chiến tranh đã đi qua,lịch sử đã ghi nhận nơi đây là di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc Gia.Được sự hổ trợ kinh phí của Nhà nước và phật tử bổn tự đóng góp, công đức và vật chất. Sau gần 5 năm xây dựng, trùng tu ngôi chánh điện đã hòan thành đưa vào sử dụng đúng dịp đón mừng lễ chôl chnăm thmây của đồng bào Khmer. Tại buổi lễ khánh thành kiết giới Sìma Ong Sơn Phước Hoan, Vụ trưỡng vụ địa phương 3, Uy Ban Dân Tộc của Chính phủ nói chuyện động viên phật tử bổn tự, các vị sư và đồng bào Khmer.
Đây là niềm vui chung của cộng đồng ba dân tộc anh em: Khmer, kinh, Hoa. Bởi từ bao đời nay họ luôn đòan kết, chung sức, chung lòng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, đặc biệt là bản sắc và truyền thống  Phật giáo Nam tông ( MAHANY KAY).
Chùa tổng Quản không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của một ngôi chùa khmer truyền thống. Ngôi chùa đã được xây dựng và bảo tồn trên đất Kiên Giang hơn 3 thế kỷ. Hơn 3 thế kỷ trôi qua, chùa Tổng Quản vẫn luôn là niềm tự hào của các vị sư sải, phật tử đồng bào dân tộc Khmer và luôn đồng hành cùng sự phát triển đi lên của dân tộc trên mảnh đất tây nam này.                       
 QUÁCH NGÀN (Theo website kiengiangonline)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét